Dinh dưỡng hôm nay

Hãy áp dụng nguyên tắc Âm Dương trong lựa chọn thực phẩm để cơ thể bạn luôn cân bằng

Nguyên tắc Âm Dương bắt nguồn từ Y học Cổ truyền Trung Hoa. Những nước Á Đông như Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản đều chịu ảnh hưởng rất nhiều từ nguyên tắc này. Âm và dương đều mang tính tương đối, không cái nào tốt hoàn toàn hay xấu hoàn toàn mà quan trọng là phải có sự cân bằng.

Do đó, trong mỗi bữa ăn hằng ngày có được sự cân bằng Âm Dương sẽ khiến cơ thể hấp thụ dễ dàng chất dinh dưỡng, khỏe mạnh và dẻo dai.

Có 4 yếu tố để xác định một loại thực phẩm là Âm hay Dương:

• Tác động của thực phẩm trên cơ thể

• Cách thức thực phẩm phát triển (bao gồm cả tốc độ và hướng).

• Hàm lượng Kali và Natri trong nó

• Thực phẩm lớn lên ở đâu (ở vùng khí hậu phía Bắc hay miền Nam).

trong đó, quan trọng nhất là yếu tố tác động của thực phẩm lên cơ thể

Thực phẩm Âm có xu hướng trương nở, nhiều nước, lạnh, mềm, giàu kali. Một số loại thực phẩm âm có thể kể đến như sữa động vật, rượu bia, đường trắng, trái cây nhiệt đới.

Thực phẩm thuộc nhóm cực Dương có xu hướng co rút, ẩm nóng, khô và cứng. Một số đại diện tiêu biểu của nhóm này là thịt, trứng, muối. Chẳng hạn như khi ăn nhiều thịt, người ta dễ bị táo bón, tắc nghẽn mạch máu, trở nên nóng tính.

Nói chung thức ăn động vật mang tính dương và tạo ảnh hưởng co rút trong khi các thức ăn thực vật mang tính âm và tạo ảnh hưởng trương nở, các nhân tố áp suất, lửa và thời gian chế biến cũng có ảnh hưởng lớn đến đặc tính này của thực phẩm.

Các loại thực vật dương là loại có kích thước nhỏ có xu hướng mọc sâu xuống dưới đất, chúng khô và cứng ngắn chắc, chúng thường được trồng ở các vùng lạnh. Chúng ta cũng có thể phân loại thực vật theo màu sắc. Các màu tím xanh và trắng trên rau quả thiên về âm. Các thực vật vàng nâu và đỏ thiên về dương.

Mỗi con người đều có trực giác về âm và dương khi thu nhận những loại thực phẩm vào cơ thể mình. Vì thế, hãy lắng nghe cơ thể để đạt được sự cân bằng trong âm dương.

Theo phản xạ tự nhiên, khi cơ thể thu nạp quá nhiều nhóm dương thì sẽ "yêu cầu" nạp thêm nhóm âm để cân bằng. Đó là lý do nhiều người theo chế độ ăn Low Carbs (tức là nhóm Cực Dương nhiều) thì sẽ rất thèm trái cây. Khi nhu cầu đó của cơ thể không được thỏa mãn, buộc lòng cơ thể phải rút khoáng chất trong xương và nội tạng ra để đạt được cân bằng Âm - Dương, hoặc cân bằng Axít - Kiềm theo quan điểm phương Tây. Khi lượng dự trữ cạn kiệt thì những bệnh thuộc dạng thoái hóa sẽ xuất hiện, cơ thể sẽ báo hiệu đau nhức, sưng, sốt cho chúng ta biết là nó đang có vấn đề.

Cách lắng nghe bản thân tốt nhất là nhìn vào phân và nước tiểu của mình:

Xem phân: Một người ăn uống bình thường sẽ đi phân có khuôn lọn, chặt, màu vàng sẫm, ít hôi thối và nổi trên mặt nước. Nếu phân khô cứng, màu nâu đậm thì ngày hôm trước đã ăn quá dương. Trái lại, nếu phân nhão lỏng màu xanh là đã ăn quá nhiều âm. Táo bón có thể do dương hoặc âm, do dương: ruột bị co thắt, phân như phân dê, do âm: ruột bị trương nở, bề mặt phân không bóng láng.

Xem nước tiểu: Trong 24h, người nam không tiểu quá 3-4 lần, và người nữ không quá 2-3 lần được xem là hệ tiết niệu hoạt động tốt. Nếu nước tiểu màu quá nhạt hoặc trắng trong, loãng và nhiều là do thừa âm, thận bị giãn nở và có thể là triệu chứng bệnh tiểu đường.

Tiên sinh Ohsawa, Nhật Bản đã tìm ra rằng ngũ cốc toàn phần mà Gạo lứt là đại diện ở châu Á là thực phẩm có tính cân bằng Âm Dương tốt nhất (tỉ lệ Ka/Na ~ 5/1). Hàng ngày chúng ta hoạt động, cần yếu tố âm nhiều hơn để phát triển. Càng hoạt động nhiều thì cơ thể càng đòi hỏi thực phẩm âm nhiều hơn. Vì thế, trong chế biến thức ăn hằng ngày, bạn nên chú ý kết hợp giữa 2 nhóm thực phẩm này để có được sự hòa hợp tuyệt vời nhất cho sức khỏe.

Thu Ngân

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/dinh-duong/dinh-duong/hay-ap-dung-nguyen-tac-am-duong-trong-lua-chon-thuc-pham-de-co-the-ban-luon-can-bang-21708/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY