Trên mặt cầu, nhiều tấm thép và ván lát đã gỉ sét, mục nát, nhiều chỗ ván bong ra và rơi xuống sông, những tấm lan can (bằng lưới B40) hai bên cầu không còn gắn kết với nhau như thiết kế ban đầu. Những lúc người qua lại, cầu rung bần bật khiến nhiều người rất sợ hãi, chị em phụ nữ muốn qua sông phải nhờ người khác dẫn xe qua và đi bộ. Cũng bởi cầu hư hỏng nặng, việc tiêu thụ nông sản của bà con nông dân ở xã Đăk Ang bị tư thương ép giá.
Một số giáo viên của Trường tiểu học Đăk Ang chia sẻ: Nhiều khi gió lớn, sợ ảnh hưởng đến tính mạng, các cô giáo không dám đi qua mà phải đi đường vòng xa gấp 3 lần.
Bà Huỳnh Thị Duy Lam, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đăk Ang, cho biết: “Hiện tại, nhà trường có 6 giáo viên đảm nhiệm dạy 7 lớp tại các điểm trường lẻ ở bên kia sông. Hằng ngày, từ TT.Plei Kần (H.Ngọc Hồi) đến lớp dạy học, đội ngũ giáo viên của trường phải vượt sông bằng chiếc cầu rất nguy hiểm này”.
Ông Nguyễn Ngọc Thất, Phó chủ tịch UBND xã Đăk Ang, cho biết: “Không chỉ Long Jôn, trên địa bàn xã Đăk Ang còn có Đăk Sút cũng đang xuống cấp cần được sửa chữa. Xã đã có văn bản trình UBND H.Ngọc Hồi xin chủ trương đầu tư kinh phí khắc phục sửa chữa hai chiếc cầu này. Mới đây, Phòng Kinh tế hạ tầng huyện đã đến khảo sát hiện trạng hư hỏng của cầu. Tuy nhiên, thời gian cụ thể đầu tư sửa chữa thì huyện chưa xác định”.
Để người dân qua lại bớt khó khăn, nguy hiểm, rất mong ngành chức năng và lãnh đạo H.Ngọc Hồi nói riêng, tỉnh Kon Tum nói chung cần sớm đầu tư kinh phí sửa chữa lại Long Jôn và Đăk Sút.