Kinh tế xã hội hôm nay

Hơn 1.000 xã, 42 tỉnh, thành thuộc diện sắp xếp sáp nhập và khuyến khích sáp nhập

Đây là nội dung đáng chú ý này được Bộ Nội vụ đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2019 diễn ra sáng 16/7, tại Hà Nội.

Chánh văn phòng Bộ Nội vụ cho biết, từ năm 2015 đến 30/6/2019, Bộ Nội vụ đã thẩm tra, tinh giản biên chế với số lượng 41.515 người. Trong đó, từ tháng 10/2018 đến 30/6/2019 là 1.015 người, bao gồm: Cơ quan đoàn thể đảng 1 người, cơ quan hành chính: 22 người, đơn vị sự nghiệp công lập: 285 người, cán bộ công chức xã: 57 người, số còn lại thuộc hợp đồng lao động chiếm cao nhất là 650 người.

Cũng theo Bộ Nội vụ, tính đến tháng 6/2019, biên chế khối cơ quan Chính phủ quản lý đã giảm được 6,75% so với số giao năm 2015; đã có 54/63 tỉnh thực hiện việc các trung tâm có chức năng tương đồng để thành lập trung tâm phòng ngừa và kiểm sát bệnh tật; có 437/713 đơn vị cấp huyện thực hiện hợp nhất bệnh viện huyện và trung tâm y tế.

Thực hiện đề án văn hoá công vụ, các bộ, ngành và địa phương đã thực hiện nhiều biện phát siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, bảo đảm sự nghiêm minh trong thực thi nhiệm vụ, công vụ; kỷ luật hành chính, thực thi công vụ; công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từng bước đi vào nền nếp. Đến nay có 36 cơ quan đơn vị thực hiện thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng.

Tuy nhiên, Bộ Nội vụ cũng thừa nhận, công tác đề bạt, bổ nhiệm và luân chuyển cán bộ ở một số bộ, ngành và địa phương vẫn còn chưa đúng quy định, gây bức xúc dư luận; vẫn còn phiền hà, gây nhũng nhiễu người dân khi giải quyết các công việc…

Làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa huyện Phúc Thọ.

Hơn 1.000 xã thuộc diện sáp nhập và khuyến khích sáp nhập

Bộ Nội vụ cho biết, đến nay có 20/713 huyện và 623/11.162 xã thuộc diện phải sắp xếp lại theo Nghị quyết 653 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Đối với việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, có 653/11.162 xã thuộc diện phải sắp xếp và số xã thuộc diện sắp xếp và xã liền kề liên quan đến sắp xếp lên đến 1.026 đơn vị. Một số tỉnh có số lượng cấp xã sắp xếp lại nhiều như Hoà Bình giảm 59/210 xã (tỷ lệ giảm 28,09%), Cao Bằng giảm 40/199 xã (giảm 20,10%), Phú Thọ giảm 52/277 xã (giảm 18,77%), Hà Tĩnh giảm 46/264 xã (giảm 17,56%)…

Số lượng đơn vị hành chính cấp xã mới hình thành bảo đảm 2 tiêu chí theo quy định về dân số và diện tích.

Trong 6 tháng cuối năm, Bộ Nội vụ cho biết sẽ tập trung tham mưu cấp thẩm quyền sớm hoàn thành việc giao biên chế công chức năm 2020; tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; tập trung thực hiện quy định về tổ chức bộ máy, quản lý biên chế, xác định vị trí việc làm ngày khi được Chính phủ quan tâm. Đặc biệt, tham mưu, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh phân cấp theo phương châm “tăng tốc, bứt phá, siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính”.

42 tỉnh, thành thuộc diện sắp xếp

Ông Phan Văn Hùng - Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) cho biết, theo thống kê, sẽ có 42/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc diện sắp xếp, ngoài ra, có 4 tỉnh Bình Thuận, Kiên Giang, Sơn La và Tây Ninh mặc dù không nằm trong diện này nhưng đã chủ động thực hiện sắp xếp. Đến nay, có 4 đơn vị hành chính cấp huyện đã có phương án sáp nhập, gồm 3 huyện của tỉnh Cao Bằng và một huyện của tỉnh Hòa Bình. Tỉnh Yên Bái sẽ điều chỉnh đơn vị hành chính của thị xã Nghĩa Lộ với huyện Văn Chấn để bảo đảm các tiêu chí theo quy định.

Theo phương án của các địa phương, sẽ giảm được 539 đơn vị hành chính cấp xã. Các xã này sẽ sáp nhập với xã liền kề, đối tượng chịu tác động của sự sáp nhập là 1.026 đơn vị hành chính cấp xã – con số tương đối lớn.

14 địa phương chưa gửi phương án sắp xếp đơn vị hành chính về Bộ Nội vụ cần sớm gửi về để thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; hạn cuối là 31/8/2019. Các địa phương cần làm tốt công tác tư tưởng, vận động, tuyên truyền đối với cán bộ và mọi tầng lớp nhân dân khi lấy ý kiến cử tri, sắp xếp cán bộ. Các tỉnh chủ động lên phương án sớm trong việc sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, bảo đảm sự đồng thuận, chủ động trong sáp nhập. Đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định về sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách đối với đối tượng cán bộ, công chức viên chức khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Thanh Sơn

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/hon-1000-xa-42-tinh-thanh-thuoc-dien-sap-xep-sap-nhap-va-khuyen-khich-sap-nhap-n160546.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY