Môi trường hôm nay

Ô nhiễm môi trường

Hưng Yên: Bản án đã tâm phục khẩu phục!

(MangYTe) Nhiều nhận định trong bản án dựa trên những chứng cứ không vững chắc, bị bóp méo. Tuy nhiên khi đương sự biết được bản án và kháng cáo thì việc xem xét kháng cáo quá hạn...

Báo Nhà báo và Công luận nhận được nội dung phản ánh của ông Đàm Văn Tâm về việc, TAND huyện Văn Lâm ra một bản án với nhiều nội dung không khách quan. Nhiều nhận định trong bản án dựa trên những chứng cứ không vững chắc, bị bóp méo. Tuy nhiên, khi đương sự biết được bản án và kháng cáo thì việc xem xét kháng cáo quá hạn, không đảm bảo theo trình tự của luật định, làm mất quyền kháng cáo của người dân...

Theo phản ánh, tháng 8/2018, ông Đàm Văn Thấm gửi đơn lên Tòa án huyện Văn Lâm kiện đòi tài sản đối với ông Đàm Văn Tâm. Đến ngày 7/8/2019, Tòa án Nhân dân huyện Văn Lâm đưa ra xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 23/2018/TLST-DS ngày 25/10/2018 về việc "Tranh chấp hợp đồng vay tài sản" giữa nguyên đơn là ông  Đàm Văn Thấm và bị đơn là ông ông Đàm Văn Tâm.

Tuy nhiên, theo ông Đàm Văn Tâm bị đơn trong vụ án dân sự, với Quyết định bản án sơ thẩm của Tòa án huyện Văn Lâm dựa trên những chứng cứ không vững chắc, bị bóp méo. 

Lý giải về việc này ông Tâm cho rằng, quan hệ dân sự trên xuất phát từ tờ giấy (không có tiêu đề) ghi: “Ngày 6/2/2012 anh Tâm vay 500.000.000 (vay năm trăm triệu đồng chẵn); Ngày 19/2/2012 anh Tâm vay 200.000.000 (hai trăm triệu đồng chẵn); Ngày 6/2/2012 anh Tâm vay 200.000.000 (hai trăm triệu đồng); Ngày 22/2/2012 anh Tâm vay 100.000.000 (một trăm triệu đồng)...” Các thông tin trên được sắp xếp lộn xộn không theo thứ tự thời gian và có chữ kí chốt là Tâm.

Trong cùng tờ giấy trên, có liệt kê thêm: “Ngày 19/3/2012 anh Tâm vay số tiền 10.000.000 (Mười triệu đồng); Ngày 28/2/2012 anh Tâm vay số tiền là 1.150.000.000 (một tỉ một trăm năm mươi triệu đồng)”. Cuối các dòng chữ viết tay liệt kê trên không có chữ kí chốt là Tâm.

Cũng theo ông Tâm, sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ, Tòa án Nhân dân huyện Văn Lâm đưa ra Bản án dân sự số 2019/DS-ST. Đồng thời, TAND huyện Văn Lâm căn cứ vào giám định chữ kí của người vay là ông Tâm ở cuối dòng thứ 2, 4, 6, 8 từ trên xuống ở tờ giấy viết tay trên nên khẳng định việc vay 4 lần tiền là có sơ sở. Liên quan đến 2 khoản vay còn lại, Tòa dựa trên lời khai của ông Tâm là khoản vay “đã được gán trả bằng nhà, quyền sử dụng đất ở thôn Tân Nhuế, xã Lạc Đạo, Văn Lâm, Hưng Yên” và lời khai của 1 số người làm chứng cho rằng việc chuyển nhượng căn nhà trên không liên quan đến ông Thấm... Nên Tòa cho rằng có khoản vay và khoản vay chưa được thanh toán.

Từ đó ngày 7/8/2019, TAND huyện Văn Lâm ra Bản án 16/2019/DS-ST chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Đàm Văn Thấm, buộc ông Đàm Văn Tâm phải trả số tiền gốc là 2.170.000.000 đồng và số tiền lãi tính đến ngày xét xử là 1.541.741.600 đồng và toàn bộ tiền án phí, chi phí giám định của vụ việc.

Bất bình với bản án, ông Tâm cho rằng: "Với toàn bộ số tiền vay trên ông đã gán trả bằng ngôi nhà và thửa đất số 135 diện tích 239 m2 tại thôn Tân Nhuế, xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên cho vợ chồng anh Đàm Văn Bắc và chị Nguyễn Thị Len - em của Thấm cùng quê, đứng tên nhận thay anh Thấm như vậy tôi đã trả nợ xong anh Thấm" (có giấy tờ chuyển nhượng đất và giấy xác nhận của anh Bắc, chị Len- PV).

Ngoài việc bất bình khi TAND huyện Văn Lâm “cấp tập” ra một bản án với nhiều nội dung không khách quan, ông Đàm Văn Tâm còn đưa ra những dẫn chứng cho rằng quá trình đưa vụ việc ra xét xử cơ quan tòa án đã thực hiện không đúng theo quy định tố tụng. 

Theo đó, ngày 7/8/2019, TAND huyện Văn Lâm mở phiên tòa xét xử vụ án nhưng đến khi có Quyết định thi hành án với mình, ông Tâm mới biết đến bản án. Ngày 21/10/2019 ông đến Tòa làm việc thì được giao nhận bản án dân sự 16/2019/DS-ST, bản án đã có hiệu lực pháp luật. Vì không đồng ý với nội dung của bản án, ngày 23/10/2019 ông Tâm nộp đơn kháng cáo.

Tuy nhiên, TAND tỉnh Hưng Yên đã có văn bản số 82/LĐ-TA trả lời đơn kháng cáo của ông Tâm. Văn bản trả lời khẳng định ông Tâm không còn thời hạn kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm mà chỉ có thể làm đơn đề nghị theo thủ tục giám đốc thẩm gửi lên TAND cấp cao tại Hà Nội. Trả lời đơn trên được kí bởi ông Nguyễn Viết Thủy - Thừa lệnh chánh án, Trưởng phòng kiểm tra nghiệp vụ và thi hành án TAND tỉnh Hưng Yên.

Ông Tâm chia sẻ: Từ năm 2011 gia đình ông đã chuyển đến địa chỉ tại Liễn Lâm, Song Liễn, Thuận Thành, Bắc Ninh nên mọi quyết định triệu tập của Tòa ông không nhận được. Ông Tâm cho rằng mình không có mặt tại các phiên công khai chứng cứ, hòa giải của vụ án trên. Thế nhưng, Tòa án vẫn đưa vụ án ra xét xử vắng mặt ông và quy kết nhiều nội dung bất lợi cho ông. 

Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, Luật sư Phạm Hồng Sơn (Văn phòng Luật sư Phạm Sơn) cho rằng:  Quy định tại điều 463 Bộ Luật Dân sự 2015 thì hợp đồng vay là sự thỏa thuận giữa các bên theo đó bên cho vay giao tài sản, bên nhận nhận tài sản; khi đến hạn trả thì bên vay hoàn trả tài sản... và chỉ tính lãi nếu có thỏa thuận hoặc luật có quy định. Trong vụ việc trên, nếu coi tờ giấy viết tay trên là một hợp đồng vay, toàn bộ số tiền được liệt kê trên là tiền vay là không đủ khách quan. Bởi nội dung của hợp đồng, không rõ ai giao tài sản, ai nhận tài sản, thời hạn trả, lãi... Nếu không có sự công nhận hoặc lời khai của ông Tâm mà quy buộc cho ông Tâm có vay nợ là thiếu khách quan.

Điều đáng nói hơn, chứng cứ quan trọng nhất của vụ án là tờ giấy vay tiền nhưng trong giấy vay tiền trên các thông tin về thời gian lộn xộn, không phù hợp với khách quan. Đặc biệt, với 2 khoản vay với tổng số tiền là 1.160.000.000 đồng lại không có chữ kí chốt của ông Tâm, không được ông Tâm công nhận thì càng không thể coi đó là khoản nợ của ông Tâm và buộc ông này phải trả. Nguyên đơn phải chứng minh và Tòa án phải thu thập được các chứng cứ khách quan để chứng minh việc vay nợ trong vụ việc trên. Nếu chứng cứ không vững chắc, cần phản tuyên bác các yêu cầu khởi kiện.

Không chỉ sai lầm trong xác định khoản vay, Tòa án còn có những sai lầm trong việc tính lãi. Nếu dựa trên chứng cứ  là tờ giấy liệt kê trên, giả sử các khoản vay là thật thì các bên cũng không thỏa thuận về lãi, không hẹn trước thời gian trả... Như vậy thì Tòa án không thể tính lãi cho người vay. Thực tế thì ngày 24/10/2018 anh Đàm Văn Thấm mới gửi đơn khởi kiện đến TAND huyện Văn Lâm về việc ông Tâm vay tiền. Tòa án tính lãi nhưng không lập luận rõ ràng về thời điểm tính lãi, căn cứ tính lãi...  và buộc ông Tâm phải thanh toán cho ông Thấm số tiền lãi đến ngày xét xử là 1.541.741.600 đồng là thiếu công bằng.

Đồng thời, theo Luật sư Phạm Sơn, việc xem xét kháng cáo quá hạn trong vụ việc của ông Tâm có dấu hiệu trái với các quy định của Bộ Luật Dân sự. Bởi lẽ, theo quy định tại Khoản 2 điều 275 Bộ Luật Tố tụng Dân sự quy định: Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn kháng cáo quá hạn và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Tòa án cấp phúc thẩm thành lập Hội đồng gồm ba Thẩm phán để xem xét kháng cáo quá hạn.

Phiên họp xem xét kháng cáo quá hạn phải có sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát cùng cấp và người kháng cáo quá hạn. Trường hợp người kháng cáo, Kiểm sát viên vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành phiên họp.... TAND tỉnh Hưng Yên đã không xem xét theo trình tự trên, mà chỉ trả lời đơn theo thủ tục thông thường là không khách quan và không bảo đảm về mặt tố tụng - Luật sư Sơn phân tích.

Minh Chí

Mạng Y Tế
Nguồn: Công luận (https://congluan.vn/hung-yen-ban-an-da-tam-phuc-khau-phuc-post72370.html)

Chủ đề liên quan:

bản án hưng yên TAND huyện Văn Lâm

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY