Tại cuộc họp khẩn trực tuyến với tỉnh Bắc Giang, Bộ Y tế đánh giá tình hình dịch Covid-19 ở Bắc Giang đang hết sức phức tạp. Chủng vi-rút đang lưu hành trên địa bàn (biến thể ghi nhận tại Ấn Độ) có khả năng lây lan rất nhanh, có khả năng nhân lên và phát tán mầm bệnh rất lớn. Một số nghiên cứu, thống kê cho thấy có nhà máy, số lượng công nhân là F1 chuyển thành F0 lên tới 55% do lây từ trước trong khu lưu trú, trong nhà máy nhưng vẫn đi làm. Trong khi đó, mật độ công nhân ở các ổ dịch hiện nay rất cao, môi trường khép kín, khu vệ sinh dùng chung... Dịch lần này không như lần trước, vừa lây theo chuỗi từ một người tiếp xúc với người khác, vừa có thể lây qua không khí, phát tán trong khu công nghiệp, trong không gian hẹp. Ba ngày gần đây, ngành y tế địa phương và lực lượng tăng cường dồn sức cho xét nghiệm. Tuy số ca được phát hiện tăng cao nhưng phần lớn đều nằm trong khu vực cách ly, phong tỏa cho nên khả năng lây nhiễm ra cộng đồng ở mức thấp.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, Bắc Giang cần chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt nhiều thách thức những ngày tới. Tình hình sẽ phức tạp, dịch chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ưu tiên nhất của Bộ Y tế hiện nay là làm thế nào dập cho bằng được ổ dịch Bắc Giang. Nếu không làm được sẽ lây ra các tỉnh, thành phố khác. Trong điều kiện cần thiết, Bộ Y tế sẽ thành lập kho dã chiến tiền phương, hỗ trợ trang thiết bị, vật tư tối đa cho Bắc Giang. Về phía địa phương, cần đánh giá lại tất cả nguy cơ toàn tỉnh, không riêng những huyện đang cách ly. Đối với tất cả những khu vực có ổ dịch tại cộng đồng, thực hiện đúng nguyên tắc truy vết, cách ly, dập dịch, điều trị nhưng phải truy vết triệt để, không được để sót trường hợp F1. Các khu vực có nhiều công nhân như My Điền, Núi Hiểu, Trung Đồng… phải “đóng băng” lại, áp dụng thiết chế cách ly tập trung toàn bộ khu vực và mở rộng ra các khu vực khác nếu có đông công nhân và yếu tố nguy cơ. Cần coi cả vùng đó là khu cách ly tập trung để khống chế, kiểm soát được dịch. Tổ chức lại các tổ Covid-19 cộng đồng, triển khai đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng…
Theo PGS,TS Trần Như Dương (Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ T.Ư), trên địa bàn Bắc Giang hiện có khoảng 50 nghìn người nguy cơ lây nhiễm rất cao, phải xét nghiệm kháng nguyên nhanh ba ngày/lần. Nếu dương tính, phải đưa đến cơ sở điều trị ngay. Nếu âm tính vẫn không được coi là an toàn, phải tiếp tục cách ly và làm xét nghiệm. Sau bảy ngày, làm xét nghiệm khẳng định RT-PCR để đánh giá và điều chỉnh lại. Với phương thức xét nghiệm này, Bắc Giang không phải lấy mẫu mang về Trung tâm kiểm soát bệnh tật tuyến tỉnh hay tuyến huyện mà tổ chức các điểm lấy mẫu, làm xét nghiệm và trả kết quả ngay. Không có cách ly tập trung và làm sạch ổ dịch bằng xét nghiệm thì không thể dừng chuỗi lây nhiễm này được.
Ngành y tế đang hỗ trợ tối đa cho Bắc Giang. Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Giang, Bắc Ninh, toàn quyền “điều quân” từ mọi nơi tới Bắc Giang. Bộ Y tế yêu cầu tất cả trường y trên cả nước chuẩn bị sẵn sàng 20 nghìn người có thể làm xét nghiệm. Sau khi được tập huấn, lực lượng này sẽ chi viện cho Bắc Giang thay thế lực lượng tại chỗ để “duy trì chiến đấu”. Sáng 26-5, Bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế đã phối hợp tỉnh Bắc Giang điều động hơn 400 cán bộ y tế (thuộc đoàn chi viện tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh) thực hiện việc test kháng nguyên nhanh thay thế xét nghiệm Realtime RT-PCR tại những điểm có nguy cơ cao như Núi Hiểu, Trung Đồng, Tam Tầng (huyện Việt Yên). Phương pháp test nhanh này 15 phút sẽ có kết quả (độ chính xác lên tới 70 - 75%). Việc test nhanh sẽ được thực hiện định kỳ ba ngày/lần… nhằm phát hiện và tách những trường hợp dương tính một cách nhanh nhất ra khỏi cộng đồng.
Về điều trị, Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị có thế mạnh về hồi sức tích cực như: Bệnh viện Phổi T.Ư, Bạch Mai, Đại học Y Hà Nội… hỗ trợ cho Bắc Giang. Sau bốn ngày khẩn trương, thần tốc, đến trưa 25-5, Bệnh viện Bạch Mai đã đưa đơn vị hồi sức tích cực (ICU) vào hoạt động tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang và đón người bệnh Covid-19 vào điều trị. Bệnh viện Bạch Mai đang tích cực cùng các đơn vị hoàn thiện Bệnh viện dã chiến (đặt tại Nhà thi đấu thể thao Bắc Giang) có công suất 620 giường. Phần khung thô của bệnh viện đã hoàn thiện, đang bổ sung thiết bị máy móc, bình ô-xy, các hệ thống làm xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh... Dự kiến, khoảng hai đến ba ngày tới, bệnh viện sẽ đi vào hoạt động.
Sáng 26-5, Đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) lên đường để “chia lửa” cùng các đồng nghiệp ở Bắc Giang. Đội gồm 13 thành viên, trong đó có sáu bác sĩ, bảy điều dưỡng, kỹ thuật viên tại các khoa: Hô hấp, Cấp cứu, Hồi sức - Cấp cứu, Tim mạch, Truyền nhiễm... Đây là những bác sĩ, nhân viên y tế tinh nhuệ, có năng lực chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm trong các lần “chi viện” tới các điểm nóng của dịch Covid-19 trên toàn quốc. Ê-kip các bác sĩ đã dự trù các tình huống có thể xảy ra khi điều trị cho người mắc Covid-19, như: cấp cứu, lọc máu, chạy ECMO, kiểm soát bằng máy thở, sử dụng hệ thống siêu âm, vận chuyển cấp cứu… Mục tiêu là xử lý nhanh nhất những trường hợp bệnh nặng, giúp người bệnh sớm hồi phục, hạn chế thấp nhất nguy cơ Tu vong...