Triết lý Wabi Sabi của người Nhật sẽ mang lại cho bạn cảm giác yên bình tĩnh lặng trong tâm hồn khi cuộc suống không còn chạy theo giá trị vật chất ồn ào, sôi động ngoài kia.
Văn hóa xứ sở hoa anh đào luôn chứa đựng muôn vàn những điều hay ho mà ai cũng muốn được khám phá, một trong số đó phải kể đến triết lý sống Wabi Sabi. Chúng ta chắc đã đôi lần nghe về điều này nhưng đã thực sự hiểu rõ?
1. Triết lý Wabi Sabi của người Nhật là gì?
Wabi và Sabi là hai thuật ngữ có thể được sử dụng riêng biệt trong tiếng Nhật bắt nguồn từ khái niệm về sự thiếu thốn, tách biệt khỏi những xa hoa vật chất như một cách sống đi tìm sự giàu có cho tâm hồn.
Wabi được hiểu là cảm giác yên bình tĩnh lặng với những gì giản dị nhất. Sabi nếu dịch nôm na là sự bừng nở của thời gian. Xuất phát từ nghĩa gốc là rỉ sét, trải qua hàng thế kỷ kết tinh từ những nghiền ngẫm của người Nhật về chu trình phai tàn của vạn vật trong tự nhiên, ngày nay Sabi trở thành ám chỉ cho vẻ đẹp khuất lấp từ sức nặng của thời gian: đơn côi trong lớp bụi mờ nhưng ẩn sau đó là phẩm giá và khí chất thanh nhã.
Kết hợp lại với nhau, Wabi Sabi là đại diện cho mọi vẻ đẹp thuần khiết đúc rút từ ba sự thật hiển nhiên của tự nhiên: không gì vĩnh hằng, bất biến; không gì trọn vẹn và không có gì hoàn hảo (theo Richard Powell).
Trước đây, chúng ta sợ thời gian, sợ mình già đi, sợ đồ hỏng cũ sẽ thay đồ mới. Nhưng với Wabi Sabi, tuy thời gian trôi đi, vạn vật tuy tàn phai hao mòn nhưng tích lũy được khí chất, đó là vẻ đẹp cốt lõi của sự sống, thời gian và vẻ đẹp không gì có thể sánh bằng. Để rồi đi sâu vào những điều chưa hoàn hảo của hiện thực để rồi trân trọng chúng hơn.
2. Nguồn gốc Wabi Sabi
Bắt đầu nhen nhóm từ khoảng thế kỷ XII – XIV, triết lý Wabi sabi của người Nhật ban đầu là kết quả của sự xâm nhập Đạo giáo và đặc biệt là Thiền Phật vào cách sống và cảm nhận về cái đẹp của người Nhật.
Theo các nhà nghiên cứu, Wabi Sabi dần đi vào đời sống người dân vào thế kỉ 15, khi đó cuộc sống không công nghiệp hóa như bây giờ và các sản phẩm hàng hoá đều được làm thủ công, chúng luôn có những khuyết điểm. Wabi Sabi hướng con người tới việc cảm nhận cái đẹp của những khiếm khuyết đó, nhìn ra mặt còn lại của vấn đề.
Mãi đến thế kỷ XVI triết lý Wabi Sabi mới thực sự hoàn thiện để bước lên vị trí độc tôn trong quan niệm thẩm mỹ nhờ sự phát triển rực rỡ của trà đạo Nhật Bản. Sự phát triển này đồng hành với một huyền thoại mang tên Sen no Rikyu (1522 – 1591) (người đầu tiên sử dụng chiếc ấm bình dân cùng với những cái chén đã sứt thay vì những thiết kế tinh xảo đắt tiền từ Trung Quốc để tiến hành nghi thức trà đạo),
Vì trà đạo dạy cho người Nhật tư tưởng trân quý điều giản dị: sử dụng ấm trà cũ, chiếc tách nứt, khung cảnh nơi thưởng trà nền nã, yên bình. Trải qua nhiều thay đổi, triết lý Wabi Sabi được hoàn thiện bởi thiền sư Matso Basho, quan điểm mỹ học Wabi Sabi ngày nay có thể hiểu là sự cảm nhận và trân trọng vẻ đẹp của những thứ không hoàn hảo, không vĩnh viễn và không trọn vẹn, vốn là ba đặc điểm hiển nhiên của vạn vật.
Kể từ đó, triết lý Wabi Sabi ăn sâu vào tiềm thức của người Nhật Bản, ngày này nó còn được cho là quan trọng không kém gì phong thủy Trung Hoa, Wabi Sabi từ lâu đã trở thành hệ quy chiếu thẩm mỹ từ kiến trúc, thơ, hội họa, cho đến kịch. Xem thêm: Vì đâu người Đức thích dùng đồ cũ dù cuộc sống họ luôn sung túc?
3. Biểu hiện của thiết kế theo nguyên lý Wabi Sabi
Tìm thấy vẻ đẹp trong những khiếm khuyết
Triết lý Wabi sabi của người Nhật sẽ bắt đầu cho bạn nhận thức việc trên đời không có thứ gì hoàn hảo, hãy dành thời gian mỗi ngày tìm ra khiếm khuyết, khuyết điểm trong những thứ bạn tưởng chừng tuyệt vời nhất và tìm ra thứ hạnh phúc, tươi đẹp trong những thứ đen đủi, không tốt của bản thân. Theo triết lý này, cho dù mọi thứ có tệ hại tới mức nào, ta vẫn luôn nhìn được vẻ đẹp riêng của nó và cho dù mọi thứ có hoàn hảo ra sao, nó vẫn tồn tại khuyết điểm.
Con người ngày này mỏi mệt vì đuổi theo những thứ hoàn hảo, thế nhưng, theo triết lý Wabi-Sabi, đằng sau vẻ hào nhoáng cũng là sự đánh đổi, điều đó lại khiến chúng không hoàn hảo.
Ví dụ như, khi bạn cố gắng kiếm nhiều tiền để có cuộc sống trong mơ nhưng lại bê trễ việc chăm lo gia đình, khi đó bạn đã không hoàn hảo. Thay vì theo đuổi sự hoàn hảo, chúng ta chấp nhận nó như là vẻ đẹp cuộc sống này.
Từ bi với chính mình
Khi đã hiểu được Wabi Sabi là lúc bạn thấu hiểu và chấp nhận bản thân không hoàn hảo. Chấp nhận rằng việc chúng ta có thể sai, và từ bi với chính mình, đừng sốt sắng cố gắng thay đổi chính mình rồi trở thành một ai đó hoàn toàn không phải bạn. Việc sống nhanh, sống vội chỉ càng khiến chúng ta tạo ra nhiều áp lực thêm cho mình, thì sự hiện hữu của Wabi Sabi chính là đại diện cho sự quý giá của trí tuệ con người.
Khi con người biết coi trọng sự yên tĩnh, hài hòa, những vẻ đẹp giản đơn và sự không hoàn hảo, họ sẽ được thư giãn giữa thế giới hiện đại ồn ào, bận rộn, bởi Wabi Sabi cho phép bạn nắm bắt sự hoàn hảo trong sự không hoàn hảo của bạn. Wabi Sabi cho phép bạn là chính mình. Thay vì đuổi theo những mộng ảo, ta trân trọng những đơn thuần đang hiện hữu. Có lẽ cuộc sống này vốn dĩ đã đẹp rồi, chỉ là chúng ta có nhận ra hay không mà thôi.
Biến khuyết điểm thành ưu điểm
Những vết nứt và độ bóng dần mờ đi trên những bình trà đạo là biểu tượng minh chứng cho thấy những món đồ ấy đã gắn bó lâu dài với cuộc sống của chúng ta và cả những thế hệ đi trước. Wabi Sabi nằm ở việc tôn vinh vẻ đẹp của những thứ không hoàn hảo, là những vật thân quen đã gắn bó với chúng ta lâu dài qua năm tháng, nếu như một chiếc ghế sofa bằng da xuất hiện những dấu hiệu cũ kỹ thì như vậy nó trông sẽ đẹp hơn. Xu hướng này không phải là những thứ còn nguyên vẹn mà nói về cách trân trọng những hoài niệm. Đây chính là cảnh giới cao nhất của Wabi Sabi, hãy nhìn mọi thứ xung quanh bằng con mắt tích cực, thấy được điều lý thú trong những việc mà chúng ta xem là tệ hại, khi đó bạn sẽ thấy được màu hồng của cuộc sống.
Tạo ra sứ mệnh cho mỗi đồ vật
Thay vì vứt bỏ những thứ cũ để sắm về những thứ mới, ta trân trọng chúng và làm cho mọi thứ trở nên ý nghĩa hơn. Hãy lưu giữ những vật mà phía sau đó là cả một câu chuyện, một hoài niệm mà bạn đã từng trải qua.
Ví dụ như tận dụng một tấm thảm lót sàn cũng có thể trở thành chỗ ngồi. Có thể chọn lựa các vật liệu thân thiện, gần gũi với môi trường để làm sàn nhà chẳng hạn như tre, sàn gỗ, bê tông. Vật liệu tự nhiên sẽ cho chúng ta cảm giác như đang hòa quyện với không gian thiên nhiên yên bình. Tạo dấu ấn cá nhân của bạn bằng việc sử dụng những vật trang trí có sự gắn kết gần gũi với chủ nhân của căn nhà. Bằng những cách đó, không gian sống của bạn tuy giản dị nhưng giàu tình cảm.
Hùng Lâm (Tổng hợp)