Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Liên, Trưởng khoa Phẫu thuật Thận tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E, ngày 1/7 cho biết bệnh nhân chủ quan do không có triệu chứng, bệnh không ảnh hưởng đến lao động và sinh hoạt hàng ngày. Gần đây, anh khó chịu, đau nhiều mới đi khám thì thận đã suy teo.
Bác sĩ nhận định, trường hợp này để lâu không điều trị đúng cách khiến hai quả thận mất chức năng hoàn toàn, bắt buộc phải ghép thận.
Các yếu tố như cơ địa, tiền sử gia đình, chuyển hóa, môi trường lao động, nhiễm trùng gây sỏi thận. ngoài ra, chế độ ăn quá mặn, lười uống nước, lười vận động gây ra ứ đọng nước tiểu, lạm dụng kháng sinh, thuốc chống nấm, thuốc chống viêm giảm đau... cũng ảnh hưởng tới chức năng thận.
Nam giới dùng các loại rượu ngâm cỏ cây, động vật có nguy cơ ngộ độc nặng do chất lượng rượu không đảm bảo gây ra ngộ độc và suy thận cấp. Thói quen ăn uống những thực phẩm có chứa nhiều chất bảo quản, thực phẩm ôi được chế biến sẵn... cũng tác động xấu đến thận.
Ở giai đoạn sớm, triệu chứng bệnh rất mờ nhạt, không rõ ràng, bệnh nhân vẫn có thể làm việc bình thường. Nhiều người chủ quan không điều trị, tự dùng thuốc nam, đến khi nhập viện phát hiện hàng nghìn viên sỏi, thậm chí thận mỏng như tờ giấy khiến chức năng bộ phận này suy giảm.
Triệu chứng điển hình của sỏi thận là đau vùng hông lưng. khi sỏi di chuyển xuống niệu quản sẽ gây cơn đau quặn thắt, đau đột ngột lan ra sau lưng và lan xuống vùng hông, tiểu nhắt khó chịu.
Để thận hoạt động tốt, người dân tránh sử dụng thức ăn có tồn dư chất hóa học, chất bảo quản không được cho phép, tránh ăn quá nhiều thịt; uống đủ hai lít nước mỗi ngày, bổ sung thêm các chất điện giải. những người đi khám phát hiện sỏi nhỏ nên tăng cường tập luyện thể dục thể thao và đi khám định kỳ.
Sỏi của một bệnh nhân được lấy ra tại Bệnh viện E. Ảnh: Ngọc Lê