Kinh tế xã hội hôm nay

Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV: Kiên quyết ngăn chặn, xử lý tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân

Ngày 13/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, nghe trình bày các báo cáo và thảo luận về công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật, phòng chống tham nhũng, thi hành án, báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao năm 2018.

Báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2018, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, trong năm qua Chính phủ đã tập trung xây dựng thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia. Qua đó đã góp phần bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia, làm thất bại nhiều âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, Ph*n đ*ng; kịp thời các vụ việc phức tạp liên quan đến biểu tình, gây rối, Kh*ng b*, phá hoại.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm báo cáo về tình hình an ninh trật tự, đấu tranh với tội phạm.

Kết quả cho thấy, đấu tranh làm giảm 2,72% số vụ phạm pháp hình sự, tỷ lệ điều tra, khám phá đạt 81,33% (vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra); án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 88,53%; giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố đạt 87,2%; triệt phá 3.580 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại; bắt, vận động đầu thú, thanh loại 6.360 đối tượng truy nã, trong đó có 1.389 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm.

Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng đạt nhiều kết quả rõ nét, nhất là trong điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, dư luận xã hội quan tâm, tỷ lệ thu hồi tài sản nâng lên rõ rệt; công tác đấu tranh với tội phạm M* t*y đạt nhiều kết quả nổi bật, đã đánh đúng, đánh trúng nhiều đường dây mua bán, vận chuyển M* t*y lớn, xuyên quốc gia, thu giữ lượng lớn M* t*y các loại.

Chất lượng công tác điều tra tội phạm tiếp tục được nâng lên, chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra được bảo đảm, có sự giám sát của Viện Kiểm sát, hạn chế được tình trạng oan, sai, bức cung, nhục hình... Kết quả trên đã góp phần giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại của đất nước.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng thẳng thắn chia sẻ, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng nhưng tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp. Tình hình an ninh mạng; an ninh chính trị nội bộ, an ninh văn hóa - tư tưởng, an ninh kinh tế, an ninh xã hội, an ninh các vùng chiến lược còn tiềm ẩn nhiều phức tạp... Tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp, nhất là “tham nhũng vặt” trong khu vực hành chính, dịch vụ công.

Tham gia ý kiến đối với báo cáo Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 đại biểu Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) cho rằng: Có thể nhận thấy, công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực và thu được nhiều thành tựu đáng kể nhưng chủ yếu mới chỉ tập trung ở những vụ việc, vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng. Việc ngăn chặn, xử lý tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập. Tham nhũng vặt vẫn ngang nhiên tồn tại và thường tập trung trong các lĩnh vực điển hình như y tế, giáo dục, vi phạm giao thông, hải quan, thuế, cấp phép đầu tư, đăng ký kinh doanh, đấu thầu, xây dựng, làm giấy tờ nhà đất, giải quyết các thủ tục hành chính ở bộ phận một cửa, trong tuyển dụng, đề bạt, sắp xếp, bố trí, bổ nhiệm cán bộ công chức, viên chức. Vì vậy, cần phải kiên quyết xử lý và siết chặt trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra hiện tượng nhũng nhiễu, hành dân trong giải quyết công việc, nhằm lấy lại niềm tin của nhân dân. Báo cáo của Chính phủ chưa nêu rõ nội dung này. Đề nghị Chính phủ nhanh chóng đề ra các biện pháp quyết liệt để kịp thời ngăn chặn tình trạng nêu trên.

Cho ý kiến về tình trạng đấu tranh phòng chống, ngăn chặn tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng, với số liệu tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên tăng, tội hiếp dâm trẻ em tăng, người dân rất lo lắng. Do đó, phải nhìn thẳng vào thực tế đó là có một số cấp ủy chính quyền, các cơ quan ban ngành có quan tâm đến thực trạng này nhưng chưa quyết tâm, quyết liệt. Trong các cơ quan, tổ chức còn có nhiều người vẫn còn bàng quan, thờ ơ, đứng ngoài, thiếu trách nhiệm với tình hình tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên. Nêu lên thực trạng này, đề nghị trong nghị quyết của Quốc hội cần nhấn mạnh đến yêu cầu đấu tranh phòng chống, ngăn chặn tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên, ngăn chặn tội hiếp dâm trẻ em để tuổi trẻ của chúng ta phát triển một cách lành mạnh, để nhiều trẻ em vô tư, trong sáng trong quá trình phát triển.

Ngày 14/11, theo chương trình làm việc, QH tiếp tục thảo luận ở hội trường về các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao năm 2018; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018. Buổi chiều, biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019. Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Kiến trúc.

Trần Lâm

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/ky-hop-thu-6-quoc-hoi-khoa-xiv-kien-quyet-ngan-chan-xu-ly-tinh-trang-nhung-nhieu-gay-phien-ha-cho-nguoi-dan-n150628.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY