Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Kỳ II: Chấm GS và PGS không thể đánh giá kiểu “cá mè một lứa” các nghiên cứu

Nhập nhèng xung quanh hồ sơ, nghiên cứu của những người được phong hàm Giáo sư, Phó giáo sư ở Việt Nam khiến những người nghiên cứu khoa học thực thụ băn khoăn.

GS Nguyễn Văn Tuấn (bên trái)

Những nghịch lý trong câu chuyện phong tặng chức danh giáo sư, phó giáo sư ở Việt Nam đã được GS Nguyễn Văn Tuấn - Viện nghiên cứu y khoa Garvan, Úc nêu ra. Ông Tuấn cho rằng cần có giải pháp khác, hội đồng giáo sư nhà nước cần thay đổi thì chất lượng nghiên cứu của giáo sư, phó giáo sư Việt mới phát triển được.

Kỳ I: Nghịch lý ngành y phó giáo sư nghiên cứu nhiều hơn giáo sư

Các hồ sơ ứng viên còn nhiều “nhập nhèng” chuyện nghiên cứu và đứng tên chung như ông nói ở trên, điều này khác với việc bổ nhiệm giáo sư ở nước ngoài như thế nào?

GS Nguyễn Văn Tuấn: Thật ra, ở nước ngoài (cụ thể là Úc và Mĩ, nơi tôi biết) không có qui định ứng viên phải công bố bao nhiêu bài báo để được đề bạt hay bổ nhiệm chức vụ giáo sư. Lí do đơn giản là số lượng không quan trọng; phẩm chất khoa học mới quan trọng. Khi nói đến công bố khoa học (ở Việt Nam chúng ta quen nói ‘công bố quốc tế’) thật ra là nói đến 3 chỉ số chính: (i) số bài báo công bố trên các tập san ISI; (ii) số lần những bài báo đó được trích dẫn; và (iii) chỉ số H.

Do đó, tìm những chỉ số này cho các chức vụ giáo sư không dễ, vì như nói trên, không trường đại học nào công bố con số cụ thể cả. Tuy nhiên, có thể xem qua báo cáo của khoa y thuộc Đại học Johns Hopkins (Mĩ) để biết vài con số cụ thể. Theo báo cáo này, ở thời điểm những người được bổ nhiệm/đề bạt chức vụ giáo sư (full professor):

• Số bài báo khoa học đã công bố: 68, với 32 bài là tác giả chính;

• Số lần trích dẫn (tính trung bình): 2974 (1431 là những bài tác giả chính);

• Chỉ số H (trung bình): 25.

Ở một đại học trong nhóm G8 của Úc, hai năm trước đây có một báo cáo về những chỉ số công bố khoa học cho ba nhóm giảng viên và giáo sư thuộc ngành y là như sau (đây là báo cáo nội bộ nên họ không công bố ra ngoài):

• Cấp Senior Lecturer (tương đương với Associate Professor ở Mĩ): số bài báo trung bình là 35 (dao động từ 23 đến 120); số trích dẫn 710, cao gấp 2,5 lần so với trung bình thế giới; chỉ số H: 15.

• Cấp giáo sư dự bị (Associate Professor): số bài báo trung bình là 70 (dao động từ 32 đến 72); số trích dẫn 1861, cao gấp 2,4 lần so với trung bình thế giới; chỉ số H là 23.

• Cấp giáo sư (Professor): số bài báo trung bình là 120 (dao động từ 52 đến 141); số trích dẫn 4512, cao gấp 3,4 lần so với trung bình thế giới; chỉ số H trung bình là 33.

Đó là ở Úc, còn với cách phong hàm như hiện nay ở Việt Nam nếu vẫn kiểu xét duyệt trên hồ sơ các thước đo tiêu chuẩn còn đánh đồng, GS có quan ngại điều gì về chất lượng hàm giáo sư, phó giáo sư Việt?

GS Nguyễn Văn Tuấn: Đọc qua các hồ sơ, tôi nhận ra 7 vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn và các thước đo đánh giá. Viết ra đầy đủ thì dài lắm, ở đây tôi xin tóm tắt vài ý chính như sau:

Vấn đề 1: Tiêu chuẩn quá ư là định lượng, nhưng thấp. Tiêu chuẩn 2-5 bài báo 'quốc tế' là quá định lượng và quá thấp. Như chúng ta thấy, đa số ứng viên đều dễ dàng đáp ứng tiêu chuẩn này. Ở nước ngoài, chẳng ai quan tâm đề ra con số bài báo cụ thể cho mỗi cấp giáo sư. Vả lại, một giáo sư mà lí lịch chỉ số 2-5 bài báo thì rất khó coi với đồng nghiệp quốc tế.

Vấn đề 2: Cách đánh giá tập san quốc tế không hợp lí. Cách đánh giá (cho điểm) tập san quốc tế hiện nay có thể ví von là 'cá mè một lứa'. Cách đánh giá này phản khoa học. Chẳng hạn như không thể nào xem New England Journal of Medicine bằng một tập san địa phương ở Úc được. Tiêu chuẩn này rất dễ bị lạm dụng. Trong thực tế, có ứng viên công bố một loạt bài trên một tập san địa phương ở một nước nhỏ bên Âu Châu! Có ứng viên công bố trên tập san dỏm hay gần dỏm, mà hội đồng vẫn xem là 'công bố khoa học' chính thống.

Vấn đề 3: Không có đánh giá tác động. Năng suất khoa học là một yếu tố, nhưng yếu tố còn quan trọng hơn là tác động của nghiên cứu khoa học. Tác động đến tri thức khoa học, tác động đến xã hội, tác động đến kinh tế. Một ứng viên có thể công bố hàng chục bài báo nhưng qua 5 năm mà có 0 trích dẫn thì 5 bài báo đó coi như là gần 0. Nghiên cứu và công bố nhiều mà không có ứng dụng thì chỉ làm đẹp lí lịch mà thôi. Nghiên cứu cơ bản mà không dẫn đến ứng dụng trong lâm sàng thì cũng xem như là có tác động thấp. Không đánh giá tác động một cách nghiêm chỉnh theo tôi là một khiếm khuyết lớn.

Vấn đề 4: Qui đổi thiếu tính khoa học. Có qui định về qui đổi từ sách sang điểm bài báo, hay hướng dẫn sinh viên sau đại học, nhưng chẳng có cơ sở khoa học nào cho sự qui đổi đó cả. Nghiên cứu khoa học phải được và nên đánh giá qua công bố quốc tế trên các tập san có bình duyệt, chứ không phải dùng các con số khác để qui đổi sang nghiên cứu khoa học.

Vấn đề 5: Không đánh giá sự độc lập và vai trò lãnh đạo khoa học. Đa số các bài báo ứng viên liệt kê đều là do hợp tác với nước ngoài, mà ứng viên không phải là tác giả chính. Có những bài báo không nằm trong chương trình nghiên cứu của ứng viên. Điều này nói lên ứng viên chưa chứng minh được vai trò lãnh đạo trong khoa học, và cũng chưa chứng minh được sự độc lập của mình. Tuy nhiên, Hội đồng giáo sư nhà nước thì chưa có tiêu chuẩn nào hay thước đo nào để đánh giá khả năng lãnh đạo khoa học của ứng viên.

Vấn đề 6: Không đánh giá về tầm vóc ('recognition') của ứng viên. Công bố khoa học chỉ là một yếu tố (có thể quan trọng), nhưng quan trọng hơn là ứng viên có được đồng nghiệp quốc tế công nhận - tiếng Anh gọi là 'recognition'. Công nhận qua các giải thưởng quốc tế hoặc quốc gia, qua được mời giảng chính trong các hội nghị quan trọng, qua phục vụ trong ban biên tập của các tập san có uy tín cao, hay phục vụ trong các hiệp hội chuyên ngành quốc tế.

Vấn đề 7: Không có bình duyệt từ các giáo sư nước ngoài. Hiện nay, qui trình đánh giá chủ yếu là nội bộ trong nước. Nội bộ đánh giá là hợp lí, nhưng quan trọng hơn là cần phải có bình duyệt từ các đồng nghiệp nước ngoài. Các giáo sư được bổ nhiệm là 'bộ mặt' của trường đại học, của quốc gia, họ cần phải có một sự 'hiển thị' hay 'visibility' khả kính trong cộng đồng quốc tế. Nếu không có bình duyệt từ đồng nghiệp quốc tế thì đó là một thiệt thòi cho các ứng viên.

Theo ông việc “chấm” giáo sư, phó giáo sư cần thay đổi lại như thế nào?

GS Nguyễn Văn Tuấn: Dựa vào trên những vấn đề tôi đã nêu ra, tôi cho rằng đầu tiên Hội đồng giáo sư nhà nước cần nâng cao tiêu chuẩn số bài báo, nhưng không xem đó là tiêu chuẩn cứng, mà là tiêu chuẩn tối thiểu để tham khảo.

Không cần lấy ở đâu xa, chẳng hạn như lấy tiêu chuẩn của ĐH Tôn Đức Thắng (là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam tự bổ nhiệm chức vụ GS, PGS từ năm 2017) cấp Assistant Professor phải có ít nhất 10 bài, Associate Professor ít nhất 20, và cấp Professor ít nhất 50, với 50% là tác giả chính.

Thứ hai, cần đánh giá lại uy tín tập san qua các chỉ số định lượng như hệ số tác động (IF) của tập san, các chỉ số do altmetric đề ra. Tôi nghĩ không cần phải tính các tập san trong nước, vì rất khó so sánh tập san trong nước với các tập san nước ngoài do cơ chế bình duyệt và cơ cấu hội đồng biên tập quá khác nhau.

Thứ ba, thêm tiêu chuẩn về tác động, phản ảnh qua chỉ số trích dẫn (trong danh mục Clarivate/ISI), chỉ số altmetric, và ứng dụng trong thực tế với chứng cứ rõ ràng. Ở các nước như Úc, Anh, Mĩ, Canada, v.v. các hội đồng bổ nhiệm rất quan tâm đến tác động của nghiên cứu khoa học, chứ họ chẳng mấy quan tâm đến con số bài báo khoa học.

Thứ tư, nên bỏ qui định về qui đổi điểm các hoạt động khác sang bài báo khoa học. Cách qui đổi đó chẳng có cơ sở khoa học nào cả. Nghiên cứu khoa học và giảng dạy là hai lĩnh vực khác nhau, không thể và không bao giờ có một công thức qui đổi chính xác và thuyết phục.

Thứ năm, đưa vào tiêu chuẩn về lãnh đạo và độc lập. Tránh đề bạt những người không có chương trình nghiên cứu cụ thể mà chỉ là 'lính thủy đánh bộ' vào chức vụ khoa bảng. Giáo sư không chỉ là một danh xưng, hay chỉ là người 'sản xuất' ra bài báo khoa học, mà phải là một người lãnh đạo khoa học. Do đó, tiêu chuẩn lãnh đạo rất cần thiết.

Thứ sáu, phải thêm tiêu chuẩn về 'tầm vóc' như mô tả trên. Cần phải hỏi giáo sư về tầm nhìn (vision) của họ là sẽ đóng góp gì cho Việt Nam và cho thế giới. Nên nhớ rằng các giáo sư là bộ mặt của trường và của Việt Nam, nên họ cần phải có một uy danh nhất định trong cộng đồng khoa học quốc tế.

Thứ bảy, tất cả hồ sơ nên được bình duyệt bởi ít nhất 2 giáo sư nước ngoài. Ở Đại học Tôn Đức Thắng, tất cả hồ sơ đều được gửi ra nước ngoài bình duyệt, thường là 2 đến 3 giáo sư từ các trường 'top 200' trên thế giới. Không có một hội đồng nào có thể đánh giá ứng viên chính xác hơn đồng nghiệp của họ. Do đó, có bình duyệt độc lập từ ngoài là rất quan trọng.

Thứ tám, tôi đề nghị nên có 2 ngạch giáo sư: giảng dạy và nghiên cứu. Giảng dạy là một chức năng rất quan trọng của một đại học. Những người giảng dạy xuất sắc, nhưng họ không hay ít làm nghiên cứu, thì cũng cần phải ghi nhận đóng góp của họ, nhưng ngạch giáo sư của họ là giảng dạy. Ở nước ngoài, các đại học đều có 2, có khi 3, ngạch để đề bạt chức vụ giáo sư. Không có lý do gì chúng ta không làm như họ.

Vâng xin cảm ơn Giáo sư!

Infonet

Mạng Y Tế
Nguồn: Infonet (https://infonet.vn/ky-ii-cham-gs-va-pgs-khong-the-danh-gia-kieu-ca-me-mot-lua-cac-nghien-cuu-post323995.info)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY