Các ngân hàng (NH) lớn, do áp dụng mức lãi suất thấp từ trước nên mức giảm không nhiều. Tại Vietcombank lãi suất huy động kỳ hạn 1 và 2 tháng ở mức 4,1%/năm, lãi suất kỳ hạn 3 tháng ở mức trần 4,25%/năm.
NH BIDV, Vietinbank và Agribank còn hạ lãi suất xuống mức thấp hơn, 4%/năm áp dụng cho kỳ hạn 1 và 2 tháng. Chỉ có kỳ hạn 3 tháng trở lên lãi suất mới ở mức trần 4,25%/năm.
Trong khi đó tại nhiều NH cổ phần, mức lãi suất 4,25%/năm được áp dụng ngay từ kỳ hạn 1 tháng nếu gửi số tiền lớn như tại NH ACB. Nếu gửi số tiền nhỏ hơn, mức lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng dao động từ 4,1 - 4,2%/năm. Sacombank áp dụng lãi suất 4,15%/năm cho kỳ hạn 1 tháng, kỳ hạn 2 tháng lãi suất là 4,2%/năm.
Ở nhóm các NH nhỏ hơn áp dụng mức lãi suất trần 4,25%/năm cho các kỳ hạn từ 1-5 tháng như NH SCB, Nam Á. Trong khi NH Bản Việt áp dụng mức trần cho chương trình huy động riêng ở kỳ hạn dưới 6 tháng. Còn ở chương trình huy động thông thường, lãi suất phổ biến tại NH Bản Việt là 4,2%/năm để dành dư địa cho việc cộng thêm lãi với khách hàng gửi tiết kiệm online.
Không chỉ giữ mức lãi suất huy động cao với tiết kiệm tại quầy, các NH cũng áp dụng lãi suất huy động rất cao với tiền gửi online. Theo ghi nhận, có hai NH áp dụng lãi suất huy động online với mức trên 8%/năm với kỳ hạn 7 tháng. Ngoài ra nhiều NH khác cũng áp dụng lãi suất từ 7,6 - 7,8%/năm cho kỳ hạn 7 tháng.
Nhận định về việc NH Nhà nước hạ trần lãi suất huy động ngắn hạn và giảm hàng loạt lãi suất điều hành lần thứ 2 trong vòng 2 tháng qua, ông Ngô Đăng Khoa, giám đốc toàn quốc khối kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn NH HSBC Việt Nam, cho rằng đây là động thái phù hợp trong bối cảnh Việt Nam cơ bản đang đẩy lùi và kiểm soát chặt dịch bệnh.
Chủ đề liên quan:
huy động lãi suất lãi suất điều hành lãi suất giảm lãi suất huy động ngân hàng nhà nước