Tạp chí khoa học Science đăng tải nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Osaka (Nhật Bản) khi tạo ra được một robot có thể cảm nhận các tác động xúc giác.
Nhóm thiết kế một phần đầu robot hình dạng trẻ em, đặt tên là Affetto, được phủ một lớp da nhân tạo. Ngoài ra, một hệ thống thần kinh xúc giác đặc biệt được nhóm đưa vào bộ xử lý của robot, cho chúng khả năng phản ứng với các tác động bằng nhiều biểu cảm trên khuôn mặt.
Cảm biến dưới lớp da của Affetto có khả năng ghi nhận những cái chạm từ bên ngoài với nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ, vừa, đến nặng. Tín hiệu được đưa về bộ xử lý trung tâm.
Bên cạnh đó, bằng cách ghi lại hơn 116 điểm nét khác nhau trên mặt, nhóm nghiên cứu giúp khuôn mặt có thể tạo được những sắc thái khác nhau từ mỉm cười, cau mày, tức giận cho robot hệt như con người.
Hơn nữa, Affetto có khả khả năng học tập và ghi nhớ những trải nghiệm qua thời gian, từ đó dễ dàng biểu hiện những sắc thái nhanh và chính xác hơn trong tương lai.
"Ở Nhật, chúng tôi tin rằng bất kể vật thể vô sinh nào cũng có linh hồn riêng và robot dù làm bằng những khối kim loại cũng không phải là ngoại lệ" - GS Minoru Asada thuộc Đại học Osaka, trưởng nhóm nghiên cứu, nói.
Cũng theo GS Asada, việc đưa khả năng cảm nhận nỗi đau cho robot thông qua hệ thống xử lý trung tâm nhằm giúp robot phần nào có thể hiểu xúc giác của các vật thể xung quanh.
Theo TS Hisashi Ishihara - Đại học Osaka, thành viên nhóm nghiên cứu - bước đi cho robot xúc giác là vô cùng quan trọng để kết nối con người và robot trong tương lai.
"Tôi tin rằng năng suất hoạt động của robot tốt hơn nhiều nếu mối liên kết con người và robot khắng khít hơn" - TS Ishihara nói.
Trang The Telegraph cũng đặt câu hỏi cho GS Asada: Liệu viễn cảnh trong tương lai, công nghệ có chế tạo được một robot với nhiều chức năng giống hệt con người?
Theo GS Asada, về mặt kỹ thuật, giới khoa học đang phát triển nhanh chóng và có thể dễ dàng đạt được ngưỡng hạn trên trong tương lai. Tuy nhiên, về mặt đạo đức, đây lại là một câu chuyện khác.