Tiền lì xì từ ba mẹ, ông bà, những người thân vào mỗi dịp Tết luôn là niềm vui lớn đối với trẻ nhỏ. Tuy nhiên sau đó, việc ba mẹ thường đề nghị “giữ giúp tiền lì xì Tết cho con” khiến nhiều người băn khoăn. Theo quy định của pháp luật, ba mẹ, người thân trong gia đình có thể bị phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng nếu chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên trong gia đình.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 75 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014: “Con có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và thu nhập hợp pháp khác. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của con cũng là tài sản riêng của con”. Như vậy, tiền lì xì Tết cũng được coi là tài sản riêng của con theo quy định này.
Theo điểm a, Khoản 2, Điều 56 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; chống bạo lực gia đình, hành vi chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình bị xem là hành vi bạo lực kinh tế và sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Theo khoản 1, Điều 56, phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không cho thành viên gia đình sử dụng tài sản chung vào mục đích chính đáng.
Như vậy, tiền lì xì Tết cũng được coi là tài sản riêng của con. Khi con cái được người khác lì xì tiền Tết mà cha mẹ yêu cầu con trẻ đưa tiền lì xì cho mình thì có thể bị xử phạt với số tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng theo điểm a Khoản 2 Điều 56 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Tuy vậy, việc cha mẹ yêu cầu con đưa tiền lì xì để quản lý không phải hành vi xấu. Cụ thể, 2 bên có thể cùng trao đổi, thỏa thuận để quản lý, sử dụng tiền lì xì một cách hợp lý, đúng quy định tại Điều 76 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014:
2. Tài sản riêng của con dưới 15 tuổi, con mất năng lực hành vi dân sự do cha mẹ quản lý. Cha mẹ có thể ủy quyền cho người khác quản lý tài sản riêng của con. Tài sản riêng của con do cha mẹ hoặc người khác quản lý được giao lại cho con khi con từ đủ 15 tuổi trở lên hoặc khi con khôi phục năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp cha mẹ và con có thỏa thuận khác”.