Khoảng 1 năm nay chị Đ. thấy triệu chứng chướng bụng tăng dần, tự sờ thấy bụng cứng hơn, chị vẫn ăn uống, đại tiểu tiện bình thường, không gầy sút cân nên cũng không tới khám, chỉ nghĩ do đường tiêu hóa kém. 2 tuần trở lại đây, hiện tượng chướng bụng nhiều hơn, ăn uống khó tiêu kèm buồn nôn sau ăn, chị Đ mới đến Bệnh viện K.
Các bác sĩ cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng da niêm mạc nhợt, thể trạng gầy (39kg, 1m55, BMI 16,2). Các bác sĩ phát hiện ít nhất 2 khối u trong ổ bụng, kích thước lớn, từ tiểu khung đến hố chậu, mạn sườn bên phải. Kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy khối u lớn lan tỏa chiếm gần toàn bộ ổ bụng. Chị Đ. được chẩn đoán u lớn sau phúc mạc.
Các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn và đưa ra chỉ định phẫu thuật lấy toàn bộ khối u bởi với kích thước lớn như vậy, u chèn ép sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người bệnh.
Khối u có kích thước khủng 40cm.
Ê-kíp phẫu thuật gồm PGS, TS Kim Văn Vụ, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp Quán Sứ và các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ khối u kích thước 40x40cm kéo dài từ tiểu khung tới bờ dưới gan cho chị Đ.
Khối u nhiều thùy nhiều múi xuất phát từ thành bụng sau đè đẩy thận phải, đại tràng phải lệch sang trái, dính vào tá tràng và hệ thống mạch mạc treo tràng trên là khó khăn đặt ra với các phẫu thuật viên.
Theo bác sĩ Vụ, khối u kích thước rất lớn, dính nhiều, nếu phẫu thuật không cẩn thận sẽ gây tổn thương các cấu trúc chung quanh, gây nguy hiểm tới tính mạng bệnh nhân.
Vì vậy ê-kíp mổ đã phẫu tích tỉ mỉ, cẩn trọng, tính toán rất kỹ làm sao để lấy trọn vẹn khối u mà vẫn bảo tồn toàn bộ các cơ quan lành. Nhờ đó, ca mổ đã thành công tốt đẹp, bệnh nhân phục hồi tốt.
Sau mổ người bệnh hiện ổn định và ra viện. Qua trường hợp chị Đ., chuyên gia Bệnh viện K khuyến cáo, mỗi người cần quan tâm, lắng nghe sức khỏe của bản thân, đi khám kịp thời ngay khi có dấu hiệu bất thường, không nên chủ quan, “tự đoán bệnh” rồi sau đó là hệ quả rất lớn khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn rất nhiều.