Kinh tế xã hội hôm nay

Lời xin lỗi muộn màng...

17 ngày sau sự cố nước sinh hoạt nhiễm dầu thải, Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà đã phát đi thông cáo gửi lời xin lỗi người dân và xin miễn tiền nước 1 tháng cho khách hàng để khắc phục sự cố nước sạch bốc mùi tại Hà Nội thời gian qua.

Công ty mong muốn thông qua cơ quan thông tấn báo chí gửi đến người dân, đặc biệt những người bị ảnh hưởng trực tiếp từ sự cố lời xin lỗi và cầu mong được lượng thứ.

Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà cũng khẳng định thời điểm xảy ra vụ đổ trộm dầu thải đầu nguồn nước, công ty chưa có kịch bản ứng phó phù hợp với tình huống khẩn cấp do con người cố tình gây ra, dẫn đến lúng túng trong xử lý ban đầu, gây đảo lộn trong sinh hoạt của người dân khu vực Tây Nam Hà Nội, gây lo lắng và hoang mang cho người dân...

Những nỗ lực khắc phục của công ty đều không giấu được tính chất muộn mằn. Với các chuyên gia của môi trường, cho dù đã rất nỗ lực vẫn không tẩy được dầu đã ngấm vào bùn. Từ phía chính quyền, những xe tải nước chống đỡ không làm cho cuộc sống của người dân mất nước đỡ ức chế. Từ phía nhà máy nước, một lời xin lỗi và việc không thu tiền nước không làm cho khách hàng của họ bớt lo lắng.

Nước sông Đà nhiễm dầu thải khiến người dân hoảng loạn ngày hôm nay là thứ còn nhìn thấy, ngửi thấy được. Có những thứ không nhìn thấy được có thể vẫn đang len lỏi vào nguồn nước sinh hoạt thì sao?

Không chỉ có một Công ty gốm sứ Thanh Hà ở tận Phú Thọ thải ra dầu mỡ trong quá trình kinh doanh. Hà Nội còn khoảng hơn 2.000 cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng, rửa xe, kinh doanh xăng dầu. Hàng ngày, dầu mỡ từ những hoạt động này xả ra hệ thống thoát nước. Đây là thủ phạm khiến hàm lượng tổng dầu mỡ trong nước luôn dao động từ 0,5 - 2,5mg/ lít, cao hơn quy định cho phép từ 2 - 3 lần. Số dầu mỡ này đều không được xử lý, xả trực tiếp ra sông, hồ, chảy về các trạm bơm và bơm ra sông Hồng, sông Đáy về hạ lưu khiến có thể bị ô nhiễm nguồn nước tưới tiêu.

Dầu mỡ vô cơ thải ra môi trường có chứa styren. Cơ thể người nhiễm chất này với hàm lượng cao, trong thời gian dài sẽ gây giảm thị lực, tổn thương hệ thần kinh, tăng nguy cơ ung thư thực quản, tụy... Dầu mỡ khoáng còn chứa toluen - một chất lỏng không màu làm dung môi hoà tan các loại vật liệu như sơn, chất hoá học, cao su, tiếp xúc trong thời gian dài có thể bị ung thư. Trong dầu còn có benzen mùi thơm nhẹ nhưng mùi thơm này lại có thể là tác nhân gây bệnh bạch cầu; hít nhiều có thể gây vô sinh; dính vào da gây bỏng rát. Những người tiếp xúc thường xuyên với dầu mỡ công nghiệp có thể mắc các bệnh đường hô hấp, nguy cơ ung thư cao.

Sự cố nguồn cung cấp nước sạch cho hơn 1 triệu người dân Hà Nội bị nhiễm bẩn thời gian vừa qua đã cho thấy nguy cơ mất an ninh nguồn nước là vấn đề hiện hữu do sự thiếu kiểm soát của chính quyền, tắc trách của đơn vị cung cấp cùng sự thờ ơ, dễ thỏa hiệp của người dân. Đã đến lúc cần coi đây là một hiểm họa ở tầm quốc gia.

Việc bảo vệ tài nguyên nước, cụ thể là nước dùng cho sinh hoạt, đã được quy định trong nhiều văn bản gồm có: Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13; Nghị định số 43/2015/NĐ-CP Quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; Nghị định số 117/2007/NĐ-CP về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch; Thông tư số 41/2018/TT-BYT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch dùng cho mục đích sinh hoạt.

Đối với việc bảo vệ an ninh nguồn nước dùng cho Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành nhiều văn bản liên quan nhằm phê duyệt vùng bảo hộ, phương án bảo vệ nhà máy nước sạch của Công ty CP nước sạch Hòa Bình và Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà trong đó có các đoạn kênh dẫn nước vào hồ Đầm Bài. Ngoài ra, tỉnh còn có quyết định phê duyệt danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trong đó có nguồn nước sông Đà; phê duyệt phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước và chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hồ Đầm Bài...

Như vậy, các quy định hiện hành liên quan đến bảo vệ an ninh nguồn nước đã được đưa ra tương đối đầy đủ, nhưng trên thực tế, qua sự cố đổ dầu thải tại vùng nước nguồn của Nhà máy nước sạch sông Đà, có thể thấy việc bảo vệ, giám sát an ninh, an toàn nguồn nước còn rất lỏng lẻo. Bất kỳ cá nhân nào cũng có thể xâm phạm hành lang bảo vệ và gây nguy hại cho an toàn của nguồn nước. Những thảm họa tương tự sẽ có thể xảy đến bất kỳ lúc nào nếu không có những tiếng nói mạnh mẽ đòi hỏi sự thay đổi triệt để. Đó trước hết là thay đổi nhận thức tự thân, xa hơn là đến gia đình, bè bạn, hàng xóm, cộng đồng và cuối cùng là sự đòi hỏi những người có trách nhiệm phải xem an ninh nguồn nước là cực kỳ quan trọng.

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, bảo vệ an ninh nước sạch, nước ngầm được đặt ngang hàng an ninh quốc gia. Thậm chí, điện có thể để tư nhân kinh doanh khai thác, nhưng nước thì phải do chính quyền kiểm soát. Đồng thời, việc cố ý đầu độc hay gây độc, ô nhiễm nguồn nước được coi là cực kỳ nghiêm trọng, tương đương tội Kh*ng b* hay cố ý Gi*t người hàng loạt.

Mất an toàn nguồn nước có thể dẫn đến những thảm họa tàn khốc, như việc cả một thành phố bị đầu độc, hay xa hơn là cả một quốc gia ch*t dần vì bệnh tật, thiếu nước. Do đó, thiếu kiểm soát an toàn nguồn nước, khai thác bừa bãi tài nguyên nước, làm ô nhiễm nước, lãng phí nước... phải được coi là những mối họa lớn.

Hồng Liên

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/loi-xin-loi-muon-mang-n165308.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY