Tin không nào?! Những bí kíp này được GS.TS. Huỳnh Văn Sơn chia sẻ trong chương trình trực tuyến Cân bằng tâm lý trong mùa dịch do Vụ Giáo dục chính trị & Công tác học sinh, sinh viên - Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc) thực hiện.
Công thức được GS.TS Huỳnh Văn Sơn đưa ra là R.O.C.K. Từ lâu âm nhạc được xem là một liệu pháp đặc biệt trong trị liệu tâm lý, nhằm làm dịu những căng thẳng, lo lắng, cải thiện nhịp tim và phục hồi, kích thích não bộ bằng những âm điệu có định hướng của nhà trị liệu, nhưng rock chưa bao giờ là thể loại âm nhạc được các nhà trị liệu âm nhạc sử dụng như công cụ để “chữa lành” tinh thần. Thế nhưng R.O.C.K không chỉ là âm nhạc mà nhiều hơn thế vì nó giúp chúng ta chuyển hóa được nguồn năng lượng để tự cân bằng tâm lý?!
Từ góc nhìn chuyên môn, ThS. Nguyễn Thị Mỹ Hạnh xin chia sẻ những khám phá về R.O.C.K và những chữ cái có liên quan. Thực ra, ý nghĩa của đáng yêu còn nhiều hơn thế bởi nó sẽ giúp chúng ta lý giải, thích ứng và thay đổi thế giới nội tâm của chính mình.
Để “đọc vị” được bản thân biết gì, muốn gì, cần gì và có gì chẳng phải là điều dễ dàng bởi con người chúng ta thường ảo vọng về mình và cái tham lam, cám dỗ đời thực thường lôi kéo chúng ta đi. Trong guồng quay tấp nập mỗi ngày, chính cái tôi tham lam này đòi hỏi chúng ta phục vụ nó, chạy theo đáp ứng các yêu cầu: cơm – áo – gạo – tiền; công – danh – thành – đạt cũng bở hơi tai thì làm gì có thời gian để dừng lại và trả lời câu hỏi thật sự nghiêm túc: Mình là ai trong cuộc đời này để không sống hoài, sống phí. Chính những ngày cách li xã hội này, cái tôi đòi hỏi bị “chặt đứt” giúp tâm hồn bạn thanh tịnh, gợn trong để rồi suy xét: ưu điểm/ năng khiếu/ năng lực của mình; mình có giá trị với ai và ai có giá trị với mình; mình làm được gì. Thấy được vị trí và vai trò của mình trong ti tỉ người trên thế giới này sẽ là “mỏ neo” để bạn định hướng và định hình cuộc đời của mình sắp tới đấy!!! Tin tôi đi và hãy dành những buổi sáng yên tịnh trong phòng một mình để làm nhiệm vụ này nhé!
Bao lâu rồi bạn chưa quan tâm đến người thân? Bao lâu rồi bạn không làm những điều mình thích? Bao lâu rồi bạn không khám phá điều gì đó mới mẻ cho riêng mình. Cụ thể như: Nấu một món hoàn toàn mới chưa có công thức; phối đồ theo style bá đạo bạn vừa sáng tạo ra hay đơn giản như khám phá hết các ngốc ngách trong nhà/sân vườn nhà mình và liệt kê xem có bao nhiêu con vật đang trú ngụ ở đây cũng làm cho bạn phấn khích đấy.
Cuộc sống chậm lại cho bạn nhiều thời gian để nhìn rõ, nhìn sâu và trải nghiệm hết tất tần tật những điều mới mẻ quanh mình há chẳng phải là điều tuyệt vời của tự do đây sao?! Giá của những cơ hội này đắt hay rẻ do bạn có cho phép mình được “bung lụa” hết mình hay không. Còn chần chờ gì nữa, chiến nào…
“Mỗi người đều có 24 giờ, bạn dành thời gian để đếm những hạt thóc trong hũ này hay nghĩ cách để mỗi hạt thóc đều có giá trị của riêng nó”. Tôi rất thích cách GS Huỳnh Văn Sơn lý giải: Cách bạn nghĩ thế nào rất quan trọng đến việc bạn bị mất cân bằng cũng như giải quyết sự mất cân bằng, bởi điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào cách bạn nhìn vấn đề và tiếp cận nó để giải quyết.
Thay vì ngồi than ngắn, thở dài và đếm từng ngày chán ngắt trôi đi, sao bạn không hoạch định cho mình những mục tiêu mới để trau dồi thêm những kỹ năng chưa biết hoặc chưa giỏi như: 10 ngày có thể giao tiếp được tiếng Anh với người nước ngoài; 3 ngày học về thủ thuật dựng video clip để thuyết trình hiệu quả hay đơn giản như 1 tuần luyện xong được một quyển sách 200 trang... Mỗi ngày một tí, chính việc lập ra các kế hoạch công việc mới để thực hiện sẽ là vốn tích lũy cho bản thân bạn “đầu tư vào tương lai” một cách hiệu quả đấy.
Khi có thời gian rãnh rỗi, bạn thường mơ nằm dài trên giường để ngủ nướng mà không bị ai đánh thức hay léo nhéo, càm ràm; luyện phim dài tập hết ngày này qua ngày khác, hay ăn cho hết “cả thế giới” món ngon. Những thứ cám dỗ này không níu chân bạn được lâu bởi lẽ rồi bạn sẽ cảm thấy chán ngán, người uể oải, rã rời thiếu sức sống; đầu óc trở nên mụ mị thiếu linh hoạt. Vì sao ư? Vì những năng lượng này bị đóng băng và việc lặp đi lặp lại những chuỗi ngày với chừng ấy hoạt động sẽ khiến bạn phát bệnh.
Hãy đứng lên và vận động bằng cách dọn dẹp nhà cửa, tập thể dục với âm nhạc sôi động và thiết lập lại thời khóa biểu sinh hoạt một cách khoa học để tạo năng lượng mới nhé!
Những cám dỗ chỉ do chính bạn thay đổi, để hướng đến sự thoải mái hơn, sự thích ứng mới mà bạn cảm nhận đây là cuộc sống của mình.
Cân bằng tâm lý trong mùa dịch không phải là điều gì quá khó khăn, chủ động thích ứng với việc sống, làm việc và học tập tại nhà thì bạn sẽ có một tâm thế tích cực hơn với sự đổi thay. Chỉ cần thay đổi góc nhìn, thay đổi cách làm bạn không những vững vàng bước qua mùa dịch mà còn phát hiện ra con người mới thú vị của riêng mình.
Tôi nghĩ không hẳn chỉ là những bạn trẻ, sinh viên, học sinh mà bản thân tôi cũng nhìn thấy chính mình, trải nghiệm thêm những điều thú vị và cảm thấy nhẹ nhàng khi có cơ hội lắng nghe, chia sẻ. Trách nhiệm của mỗi phụ huynh, mỗi người lao động cần đồng cảm, cần R.O.C.K một cách hiệu quả thay vì cứ trách cứ hoặc dọa mình đang mất cân bằng đáng tiếc...