Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Mặt nạ chống độc, chống bụi có chống được Covid-19?

Trước tình hình dịch Covid-19 phức tạp, nhiều người sợ biến thể Delta nên tìm các vật dụng phòng dịch cao cấp hơn các loại khẩu trang thông thường, như khẩu trang N95, thậm chí là khẩu trang dạng mặt nạ chống độc có phin lọc bụi, virus, vi trùng.

Trên các trang điện tử thương mại, loại mặt nạ chống độc, chống bụi được rao bán rất nhiều, giá từ vài chục nghìn tới hàng trăm nghìn đồng. Ví dụ mặt nạ chống độc của hãng 3M có giá từ 170 tới 320 nghìn đồng.

Một người bán hàng tên Nhung (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, bình thường các loại mặt nạ này chỉ bày bán làm bảo hộ lao động cho những người làm việc trong môi trường độc hại. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, biến thể mới có thể lây trong không khí, việc trang bị 1 chiếc mặt nạ chống virus này hoàn toàn phù hợp.

Mặt nạ được làm bằng vật liểu dẻo, có silicon ôm sát mặt không để virus vào miệng, mũi. Ngoài ra, mặt nạ có các phin lọc thay thế hàng ngày, có thể thay phin lọc sau mỗi ngày sử dụng. Còn vệ sinh mặt nạ chỉ cần lấy cồn 70 độ lau bề mặt là được.

Tuy nhiên, khi xem hình ảnh chiếc mặt nạ chống độc, chống bụi đeo để chống virus SASR-CoV-2, BS Trương Hữu Khanh – chuyên gia truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP. HCM, cho rằng chiếc mặt nạ này cũng không có tác dụng gì nhiều, không đảm bảo bạn đeo nó sẽ phòng được virus SASR-CoV-2.

Bác sĩ Khanh cho biết việc sử dụng khẩu trang, mặt nạ phòng chống Covid-19 là cần thiết nhưng đều phải đảm bảo là chặn được virus từ giọt bắn của người tiếp xúc với mình ở vị trí gần và thở được.

Nếu sử dụng các loại mặt nạ quá chuyên dụng, người đeo sẽ cảm thấy khó chịu, thậm chí có thể gây dị ứng, mẩn da.

Theo bác sĩ khanh, ngay cả khẩu trang n95 cũng chỉ được khuyến khích dùng cho các nhân viên y tế tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. đeo khẩu trang y tế n95 rất khó chịu chưa nói đến kiểu mặt nạ nhựa chống độc như trên. 

Người dân đeo mặt nạ chống bụi, chống độc. Ảnh báo TP

Nhiều người cũng lo lắng hỏi bác sĩ khanh có nên sử dụng mặt nạ chống độc khi làm việc vì e ngại virus lây qua không khí. thực chất, virus lây qua không khí nhưng ở không khí tù túng, phòng kín còn ở ngoài trời, đi đường thì chỉ cần khẩu trang vải, khẩu trang y tế 4 lớp là đủ.

Bác sĩ Khanh khuyến cáo người dân không nên quá cầu kỳ phương tiện bảo hộ. Chỉ cần tuân thủ khẩu trang đúng cách, khử khuẩn đúng cách thay vì bịt kín mít người nhưng lại không thực hành đúng.

Ngoài ra, PGS Nguyễn Viết Nhung – Giám đốc BV Phổi Trung ương, cũng cho biết không cần thiết đeo mặt nạ chống độc. Mặt nạ như trên là dành cho những công nhân làm ở khu vực hoá chất, nồng độ bụi cao, còn với virus Sars-CoV-2 chỉ cần tuân thủ khoảng cách an toàn 2 mét, khẩu trang đúng, đeo khẩu trang phải đảm bảo đeo phủ kín mũi, cằm, không sờ tay lên mặt vì như vậy là cầu nối đưa virus vào cơ thể.

Khi đến các khu vực đông người như bệnh viện, cơ sở y tế tiêm chủng thì có thể đeo thêm kính che giọt bắn. Tuy nhiên, kính che giọt bắn cũng phải đảm bảo yếu tố an toàn, đeo suốt quá trình, không sờ tay lên kính che giọt bắn.

Từ khi có dịch Covid-19 xảy ra, có nhiều loại khẩu trang khác nhau được ra đời. BS Khanh cho biết ngay cả khẩu trang nhựa trong suốt có van hơi, các loại khẩu trang với quạt gió cũng được nhiều người chào bán. Tuy nhiên, không có tác dụng vì van hơi vẫn là nơi virus tấn công vào được.

Ngay cả CDC Hoa Kỳ cũng khuyến cáo không sử dụng khẩu trang, mặt nạ chống virus có van thở hoặc lỗ thông hơi. Thay vì sử dụng các loại khẩu trang, mặt nạ chống dịch cầu kỳ thì cộng đồng chỉ cần sử dụng khẩu trang thông thường và sử dụng đúng, khi chọn khẩu trang, chọn cái vừa khớp với khuôn mặt  – BS Khanh nhấn mạnh.

Mạng Y Tế
Nguồn: Infonet (https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/suc-khoe/mat-na-chong-doc-chong-bui-co-chong-duoc-covid-19-391501.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY