Một trong những điểm đặc sắc nhất của tiểu thuyết Kim Dung là cách ông mô tả võ công và những cảnh giao chiến rất độc đáo, đầy sáng tạo. Các môn võ được Kim Dung nghệ thuật hóa, cá tính hóa, thậm chí triết lý hóa, do đó không đơn giản “đọc để mua vui” mà còn ẩn chứa bên trong những ý nghĩa sâu sắc.
Hàng Long thập bát chưởng được coi là môn võ công biểu tượng của tiểu thuyết Kim Dung, cũng giống như Tiểu Lý phi đao của Cổ Long và Thiên Sơn kiếm pháp của Lương Vũ Sinh. Tuy nhiên, danh sách những môn võ công lợi hại nhất trong truyện Kim Dung không có tuyệt kỹ của Bắc Cái Hồng Thất Công và đại hiệp Quách Tĩnh.
Cửu Âm chân kinh đóng vai trò lớn trong Xạ điêu tam bộ khúc, lần đầu được nhắc đến trong Xạ điêu anh hùng truyện. Độc giả sớm chứng kiến sự lợi hại của Cửu Âm chân kinh khi đọc đoạn cặp vợ chồng Hắc Phong Song Sát dùng tuyệt kỹ Cửu Âm Bạch Cốt trảo đâm lủng sọ người.
|
Mai Siêu Phong học lén được Cửu Âm chân kinh, trở thành ma đầu. Trong ảnh là Mai Siêu Phong của Anh hùng xạ điêu bản 2017, do Mễ Lộ đóng. |
Theo lời kể của Lão Ngoan Đồng Chu Bá Thông, đây là tác phẩm của kỳ nhân Hoàng Thường, một vị quan đời Tống. Gia đình bị Minh giáo sát hại, Hoàng Thường lên núi tu luyện, giác ngộ được đạo lý võ học Đạo gia, trở thành một cao thủ lợi hại. Nhưng mấy chục năm đã trôi qua, kẻ thù của ông phần lớn đã già và qua đời.
Tỉnh ngộ, Hoàng Thường trút hết kiến thức võ học Đạo gia vào bộ sách Cửu Âm chân kinh gồm hai quyển. Quyển thượng là bí kíp nội công kỳ diệu của Đạo gia, quyển hạ là các môn võ kỳ ảo như Cửu Âm thần trảo và Thôi Tâm chưởng.
Trong cuộc Hoa Sơn luận kiếm đầu tiên, Trung Thần Thông Vương Trùng Dương đánh bại Đông Tà, Tây Độc, Nam Đế và Bắc Cái và giành được Cửu Âm chân kinh, nhưng ông không luyện tập mà giao lại cho Chu Bá Thông.
Sau này, nhờ duyên kỳ ngộ mà vợ chồng Quách Tĩnh - Hoàng Dung, Dương Quá - Tiểu Long Nữ, Chu Chỉ Nhược đều luyện tập Cửu Âm chân kinh. Trong Ỷ Thiên Đồ Long ký, hậu duệ của Dương Quá và Tiểu Long Nữ cũng luyện thành môn võ công thần kỳ này, dễ dàng đánh bại Chu Chỉ Nhược.
Cửu Dương thần công là bí kíp nội công thâm sâu, xuất hiện trong Ỷ Thiên Đồ Long ký. Cuốn Cửu Dương chân kinh được chép bên mép cuốn Lăng Già kinh, được Giác Viễn thiền sư phát hiện ở Tàng Kinh Các, Thiếu Lâm Tự. Trước khi qua đời, Giác Viễn thiền sư niệm kinh này, do đó cả Trương Tam Phong, Quách Tương và Vô Sắc thiền sư đều học được một phần.
|
Nhờ luyện thành Cửu Dương thần công, Trương Vô Kỵ dễ dàng học Càn Khôn Đại Na Di tâm pháp và Thái Cực quyền. Trong ảnh là Trương Vô Kỵ do Đặng Siêu thủ vai trong Ỷ Thiên Đồ Long ký bản 2009. |
Về sau, Trương Tam Phong sáng lập phái Võ Đang lừng danh, Quách Tương xuống tóc đi tu, tạo dựng phái Nga Mi đều nhờ vào căn bản của Cửu Dương thần công. Nhưng người học được đầy đủ nhất là Trương Vô Kỵ nhờ tình cờ phát hiện bí kíp trong bụng con khỉ lớn sống nơi hẻm núi.
Cửu Dương thần công là bí kíp luyện nội lực hùng hậu vào loại bậc nhất thiên hạ. Nhờ Cửu Dương thần công, Trương Vô Kỵ dễ dàng hóa giải chất độc âm hàn của Huyền Minh thần chưởng, đồng thời nhanh chóng luyện thành các võ công độc đáo như Càn Khôn Đại Na Di tâm pháp và Thái Cực quyền, trở thành “thiên hạ đệ nhất nhân”.
Độc Cô cửu kiếm là kiếm thuật tối thượng, do Độc Cô Cầu Bại sáng tạo. Theo lời kể của Phong Thanh Dương trong Tiếu ngạo giang hồ, Độc Cô Cầu Bại là kiếm khách vô địch thiên hạ, tung hoành giang hồ cả một đời mà không hề bại trận. Được Phong Thanh Dương truyền thụ võ công này, Lệnh Hồ Xung lập tức trở thành đại cao thủ kiếm thuật, thậm chí đánh bại cả Xung Hư đạo trưởng, chưởng môn Võ Đang.
Độc Cô cửu kiếm bao gồm 9 thức, có thể dùng để đối phó với mọi loại vũ khí và võ công trong thiên hạ. Đỉnh cao của Độc Cô cửu kiếm chính là nguyên lý “vô chiêu thắng hữu chiêu”. Phong Thanh Dương lập luận sử dụng kiếm thuật phải như nước chảy mây trôi tùy theo ý muốn, không bị gò bó, lệ thuộc theo chiêu thức cố định.
|
Lệnh Hồ Xung (trong ảnh do Hoắc Kiến Hoa vào vai ở Tiếu ngạo giang hồ bản 2012) học được Độc Cô cửu kiếm, trở thành cao thủ kiếm thuật. |
Ông nói với Lệnh Hồ Xung: “Chiêu số là phần tĩnh, người phát chiêu mới là động… Chiêu thức dù có cao đến đâu mà để đối phương tìm ra đường lối là có thể nhận ra kẽ hở phá mình ngay. Còn như đã không có chiêu thức thì địch nhân phá vào đâu?”.
Trong Thần điêu hiệp lữ, Dương Quá cũng tình cờ tìm thấy mộ của Độc Cô Cầu Bại, học được triết lý kiếm thuật của ông, cuối cùng thực sự trở thành bậc cao thủ hàng đầu chốn giang hồ.
Trong Tiếu ngạo giang hồ, ba đại cao thủ là Lệnh Hồ Xung, Nhậm Ngã Hành và Hướng Vân Thiên cùng Nhậm Doanh Doanh lên Hắc Mộc Nhai để tiêu diệt Đông Phương Bất Bại, giáo chủ Nhật Nguyệt thần giáo. Nhưng Đông Phương Bất Bại chỉ bằng một chiếc kim thêu cũng đủ sức đánh cho Lệnh Hồ Xung, Nhậm Ngã Hành và Hướng Vân Thiên tơi bời.
“Thân thủ Đông Phương Bất Bại chập chờn như bóng ma, chợt tả chợt hữu, thoắt phía trước, thoắt sau lưng”, Kim Dung mô tả. Chỉ khi Nhậm Doanh Doanh dùng mưu khiến Đông Phương Bất Bại xao nhãng, bộ ba đại cao thủ mới có thể đánh bại được y. Chừng đó đủ cho thấy sự lợi hại của Quỳ Hoa bảo điển.
|
Đông Phương Bất Bại (do Trần Kiều Ân thể hiện trong bản phim năm 2013) luyện Quỳ Hoa bảo điển, trở thành vô địch. |
Nguyên tắc luyện tập của Quỳ Hoa bảo điển là “dẫn đao tự cung” (tự thiến). Võ công này tình cờ được truyền đến Nam Thiếu Lâm, rồi khiến phái Hoa Sơn chia rẽ thành phe Kiếm tông và Khí tông trước khi rơi vào tay Nhật Nguyệt thần giáo.
Độ Nguyên thiền sư của Nam Thiếu Lâm lén học võ công này, gọi là Tịch Tà kiếm phổ. Sau đó hoàn tục gia nhập giang hồ, đổi sang họ Lâm và trở thành cao thủ nổi tiếng. Ngoài Đông Phương Bất Bại, chưởng môn Hoa Sơn Nhạc Bất Quần vì tham vọng cũng tự thiến để luyện Tịch Tà kiếm phổ, đi vào đường tà.
Gã con rể Lâm Bình Chi cũng lén học để báo thù, cuối cùng giết ch*t người vợ Nhạc Linh San đáng thương.
Trong Thiên long bát bộ, các thành viên hoàng tộc Đại Lý đều tinh thông võ thuật. Nước Đại Lý có hai độc môn công phu là Nhất Dương chỉ và Lục Mạch thần kiếm. Trong đó, Lục Mạch thần kiếm là võ công có uy lực cực lớn. Đây là tuyệt kỹ sử dụng vô hình kiếm khí phát ra từ đầu ngón tay để tấn công đối thủ.
Vương tử Đoàn Dự tình cờ học được công phu này, nhưng lúc sử dụng được, lúc không vì bản tính hiền lành của chàng. Khi tận mắt chứng kiến Đoàn Dự dùng Lục Mạch thần kiếm đánh bại Mộ Dung Phục, Tiêu Phong hiểu đó là võ công vô địch, đến bản thân chàng với Hàng Long thập bát chưởng dũng mãnh cũng không chống nổi.
Đây là môn nội công tối thượng của Thiếu Lâm tự, được Kim Dung nhắc đến trong Thiên long bát bộ và Tiếu ngạo giang hồ. Tương truyền đây là công phu do chính Đạt Ma sư tổ sáng tạo ra sau khi diện bích 9 năm. Ở Tiếu ngạo giang hồ, Lệnh Hồ Xung nhờ Phương Chứng đại sư truyền thụ Dịch Cân kinh nên đã hóa giải được những tổn hại do Hấp Tinh đại pháp gây ra với cơ thể.
Còn trong Thiên long bát bộ, Du Thản Chi tình cờ học được một phần Dịch Cân kinh, do đó hóa giải được chất kịch độc Băng Tằm, đồng thời sở hữu nội công thượng thừa trong cơ thể.
Dương Quá là nhân vật rất đặc biệt trong số các hiệp khách do Kim Dung xây dựng. Chỉ một mình chàng có khả năng sáng tạo võ công của riêng mình. Đó là bộ Ảm Nhiên Tiêu Hồn chưởng.
|
Dương Quá (do Huỳnh Hiểu Minh thể hiện trong bản phim năm 2006) là nhân vật chính duy nhất trong truyện Kim Dung có khả năng tự sáng tạo võ công. |
Dương Quá nghĩ ra môn công phu này trong tâm trạng sầu khổ, tuyệt vọng khi chờ đợi Tiểu Long Nữ suốt 16 năm. Tên của những chiêu thức trong Ảm Nhiên Tiêu Hồn chưởng đều xuất phát từ những đau khổ mà chàng trải qua trong cuộc sống.
Lúc gặp Tiểu Long Nữ, tâm trạng vui vẻ, Dương Quá không thể sử dụng được võ công này. Do đó, chàng suýt mất mạng dưới chưởng của Kim Luân pháp vương trong cuộc chiến ở thành Tương Dương.
Nhờ Ảm Nhiên Tiêu Hồn chưởng, Dương Quá đã đánh bại được Kim Luân pháp vương, kẻ mang trong mình Long Tượng Bát Nhã công, công phu bí truyền của phái Mật Tông ở Tây Tạng, có sức mạnh như rồng như voi.
Chủ đề liên quan:
Các môn võ Kim Dung môn võ công lợi hại nhất tiểu thuyết tiểu thuyết Kim Dung võ công