Khoa học hôm nay

Kiếm hiệp Kim Dung: Uy lực của những tuyệt học trấn phái cấm truyền người ngoài

Trong thế giới võ hiệp Kim Dung có rất nhiều môn phái sở hữu những bộ võ công trấn phái riêng với uy lực vô song nhưng bị cấm truyền thụ cho người ngoài. Nên khiến người trong võ lâm luôn thèm khát và đem lòng chiếm đoạt.

Nhất dương chỉ và Lục mạch thần kiếm

Xuất hiện trong bộ tiểu thuyết Thiên long bát bộ, Nhất dương chỉ và Lục mạch thần kiếm đều là bộ võ công do Hoàng Đế Đoàn Tư Bình của nước Đại Lý sáng tạo ra. Đây được xem là hai tuyệt kỹ võ công trấn phái của Đại Lý Đoàn Gia. Nhưng khác biệt một chút, Nhất Dương Chỉ là bộ chỉ pháp được truyền dạy trong hoàng tộc Đại Lý, còn Lục Mạch thần kiếm thì chỉ có những đệ tử xuất gia của Thiên Long Tự mới được truyền dạy (nhiều vị vua và hoàng tộc Đại Lý khi về già tu hành tại chùa này), vì uy lực của nó quá lớn nên phải tu tập Phật pháp để trung hòa.

Nhất dương chỉ và Lục mạch thần kiếm đều là võ công trấn phái của tộc Đại Lý.

Theo truyện Thiên long bát bộ, Lục mạch thần kiếm được tu luyện dựa trên cách vận hành khí tâm pháp yếu chỉ riêng rồi dùng Nhất Dương chỉ phát triển thành kiếm khí (vô hình) phóng ra từ đầu ngón tay để sát thương đối thủ. Ngoại trừ người sáng tạo là vua khai quốc của Đại Lý Đoàn Tư Bình, nó được xem là môn võ công tối thượng rất khó để luyện được (kể cả sáu cao tăng đắc đạo Thiên Long tự). Sau này nhân vật Đoàn Dự là người tiếp theo có thể sử dụng trọn vẹn cả sáu mạch kiếm khí nhờ vào ngộ tính cao cùng nội lực thâm hậu. Bộ thần kiếm này được sánh ngang với Dịch cân kinh của Thiếu Lâm Tự nên nó thu hút các võ lâm cao thủ chiếm đoạt và tiêu biểu nhất là Đại Luân Minh Vương Cưu Ma Trí (Khưu Ma Trí).

Đả cẩu bổng pháp và Hàng long thập bát chưởng

Đả cẩu bổng pháp và Hàng long thập bát chưởng (Giáng long thập bát chưởng) là hai tuyệt kỹ võ công xuất hiện trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung, được mô tả trong loạt truyện kiếm hiệp gồm Thiên long bát bộ và Xạ điêu tam bộ khúc (Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp và Ỷ thiên đồ long ký). Cả hai đều là võ công trấn phái của Cái Bang, mà chỉ chức vị Bang chủ Cái Bang các đời mới có phẩm chất được truyền thụ lại.

Tiêu Phong cùng với Hàng long thập bát chưởng khiến cho cả võ lâm khiếp sợ.

Về phần uy lực, Đả cẩu bổng pháp được cấu thành từ 36 chiêu thức, mỗi chiêu đều chứa nhiều thức biến hóa khác nhau tạo thành vô số đòn đánh tinh diệu. Khẩu quyết tâm pháp của bộ võ công này được thi triển theo đường lối "Tứ lạng bạt thiên cân" (Bốn lạng bạt ngàn cân), áp dụng theo 8 quyết: buộc, đập, trói, đâm, khều, dẫn, khoá, xoay. Còn đối với Hàng long thập bát chưởng lại thuộc về phần tâm pháp nội công, mạnh hay yếu tùy thuộc vào nội lực của người luyện nên chỉ cần tới 18 chiêu thức là đủ. Tiêu Phong là một trong những bang chủ của Cái Bang đã luyện Hàng long thập bát chưởng đến đỉnh cao khiến cho cả võ lâm e sợ.

Đả cẩu bổng pháp là bộ bổng pháp chỉ có bang chủ đời trước đích thân truyền thụ cho bang chủ đời sau, còn Hàng long thập bát chưởng thì chỉ có những đệ tử Cái Bang từ hàng 9 túi trở lên lập được đại công mới được truyền dạy và mỗi người chỉ được dạy một vài chiêu chứ không được học hết cả pho chưởng pháp, ngoại trừ các đồ đệ truyền nhân của bang chủ.

Hai bộ này vốn được coi là võ học trấn phái quan trọng của Cái Bang, những bậc tiền bối đều cấm các đời Bang chủ Cái Bang truyền lại cho người ngoài, nhưng đến đời Hồng Thất Công, bang chủ thứ 18 của Cái Bang lại phá lệ truyền dạy lại hai bộ võ học này cho Hoàng Dung, Quách Tĩnh và Dương Quá.

Càn khôn đại na di

Xuất hiện trong bộ tiểu thuyết Ỷ thiên đồ long ký, Càn khôn đại na di là bộ võ công tâm pháp trấn phái của Minh Giáo, sử dụng để di chuyển nội lực trong cơ thể, chuyển hướng các chiêu thức của kẻ địch, cũng có thể dùng để di chuyển vật nặng ngàn cân. Tất cả có 7 tầng (cấp độ), theo cố nhà văn Kim Dung viết thì người có tư chất cao thì sẽ mất 7 năm để luyện xong một tầng, còn người có tư chất thấp thì là 14 năm.

Trương Vô Kỵ vô tình luyện được Càn khôn đại na di.

Dương Đỉnh Thiên là giáo chủ đời thứ 33 của Minh Giáo đã luyện được tầng 4 của Càn khôn đại na di tâm pháp và dùng nó để phát quang Minh Giáo. Nhưng sau đó ông bị tẩu hỏa nhập ma rồi qua đời, sau đó Càn khôn đại na di bị thất lạc. Rất may mắn sau đó, Trương Vô Kỵ trong một lần tình cờ đang đuổi theo Thành Côn đã tìm ra bí kíp võ học này. Nhờ có nội lực Cửu dương thần công cực kì thâm hậu nên đã tu luyện đến tầng thứ 7 chỉ trong 1 đêm và giải cứu Minh Giáo trở thành Giáo chủ Minh Giáo đời thứ 34. Cũng nhờ học được tâm pháp Càn khôn đại na di nên sau này chỉ trong thời gian ngắn Trương Vô Kỵ có thể hiểu hết võ công Ba Tư ghi trên Thánh hỏa lệnh.

Theo Quốc Tiệp (Người Đưa Tin)

Mạng Y Tế
Nguồn: Kiến thức (https://kienthuc.net.vn/giai-ma/kiem-hiep-kim-dung-uy-luc-cua-nhung-tuyet-hoc-tran-phai-cam-truyen-nguoi-ngoai-1336738.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY