Vợ chồng chị Linh có hai cậu con trai, lớp 8 và lớp 5 được nghỉ học cách đây 2 tháng. Người giúp việc xin nghỉ từ cuối tháng 3 nên khi hai vợ nghỉ làm chống dịch, cơm nước dọn dẹp nhà cửa do mình người phụ nữ 42 tuổi đảm nhận.
Bữa chính của cả nhà giờ chị gọi là "đại tiệc" bởi có thời gian làm thêm nhiều món ngon. Con trai lớn lên thực đơn và phụ giúp mẹ chuẩn bị. Dịp giỗ Tổ Hùng Vương, chị Linh cùng chồng con gói bốn chiếc bánh chưng. Hai con trai chị vừa xem mẹ gói vừa đùa "Nhà mình năm nay mẹ Tết đến hai lần". Khi ăn chúng xuýt xoa, khen bánh mẹ gói ngon và đẹp hơn ngoài chợ.
Con trai thứ hai của chị Linh thường xuyên tập thể dục bằng máy chạy bộ trong nhà thay vì ra ngoài đá bóng như trước đây. Ảnh: Vương Linh.
Ngày đầu tiên ở nhà chống dịch, sau giờ làm việc, chồng chị Linh rủ vợ lên ngắm vườn rau gác thượng, việc trước đây chỉ có mình chị quan tâm. Nhìn những mầm rau mới nhú, những bông hoa mới tách nụ hé nở, anh Tuấn (chồng chị) thốt lên: "Sống chậm lại mới thấy nhiều điều hay". Trước đây anh làm việc tối ngày. Thứ 7, chủ nhật thường đi chơi golf hoặc đánh tennis, ít thời gian bên vợ con.
Chị Linh cũng đặt mua một chiếc máy chạy bộ để tập thể dục tại nhà. "Vừa chống béo vừa nâng cao sức khỏe, tránh lây nhiễm Covid-19 ", chị nói. Chiều đến chị chia giờ để cả nhà cùng tập thể dục, mỗi người cách nhau 30 phút.
"Lúc đầu nghĩ ở nhà 14 ngày thì chán lắm nhưng hai ngày qua tôi thấy thật hạnh phúc bởi cả gia đình luôn quây quần bên nhau", Linh nói và cho biết chị rất trân trọng những khoảnh khắc quý giá này.
Con gái anh Hải học lớp 5 tại một trường tư thục ở Mỹ Đình, có lịch học online với cô giáo hàng tối. Để hướng dẫn con sử dụng các ứng dụng trực tuyến, anh ngồi cùng con trong mỗi buổi học, từ Toán cho đến Tiếng Việt. "Nhiều hôm phải ôm bụng cười vì sự ngây thơ của bọn trẻ", anh nói.
Anh Hải kể, có hôm cô giáo hỏi học sinh cảm nhận về cây liễu ven hồ "Các con thấy lá liễu giống cái gì? – "Giống cái roi", con gái anh Hải nhanh nhảu phát biểu. Bên cạnh, vợ anh nín cười. Lần khác, cô giáo hỏi về cảm nhận của học sinh khi đọc một đoạn văn, một bạn trong lớp nhận xét: "Con thấy sợ ông tác giả ấy cô ạ, con đọc chả hiểu gì mà ông ấy cũng viết ra được". Cô giáo ngập ngừng một hồi mới giảng được tiếp.
"Hồi đi học, tôi cũng hay nói những câu ngộ nghĩnh như thế. Giờ ngồi xem con học, thấy như quay về tuổi thơ hàng chục năm trước", anh Hải nói. Giờ học nào anh cũng tham gia cùng con, vừa để giám sát, vừa nghe giảng về những kiến thức lâu nay không ai nhắc lạị. Thi thoảng anh còn rủ vợ vào tham dự, hết tiết cả hai ngồi nhắc lại chuyện đi học ngày xưa, rồi hẹn nhau hết dịch đến thăm thầy cô dạy mình thuở nhỏ.
Những ngày ở nhà "cách ly xã hội", chị Mai (vợ anh) còn cũng các bạn tham gia một thử thách mang tên "Hãy là người phụ nữ đẹp theo cách riêng của mình". Trong thử thách, chị Mai đăng từ một đến ba bức hình lên mà chị thấy tự tin, xinh đẹp nhất trang Facebook cá nhân kèm thông điệp "Hiện tôi sức khoẻ tốt và tinh thần vững vàng cho 14 ngày tiếp theo. Xin hứa sẽ luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho những người thân yêu của tôi!".
Theo chị Mai, ngoài việc cùng gia đình ở yên trong nhà, chị còn muốn chia sẻ những năng lượng tích cực và lan tỏa đến mọi người xung quanh, xua tan những thông tin tiêu cực về Covid – 19.
"Những người lâu không tập thì trầy trật lắm, nhưng được cổ vũ, hô hào qua màn hình điện thoại nên qua hết", Duy nói.
Được truyền động lực, các thành viên trong nhóm rủ thêm vợ, bạn bè tập cùng. Sang ngày thứ hai đã có 6 nam, 3 nữ tham gia. "Chúng tôi đều làm hành chính, ít có thời gian trò chuyện. Nhờ luyện tập cùng nhau, các anh chị em vừa thấy khỏe khoắn, có động lực thể dục thể thao, lại gắn bó hơn", anh Duy nói. Họ dự định mỗi ngày, ở mỗi bài tập sẽ tăng thêm 5 cái.
"Cuộc sống của tôi giờ tính bằng ngày, bằng tháng, mà con cháu quây quần còn gì hạnh phúc hơn", người đàn ông bị ung thư phổi giai đoạn cuối nói.
Vợ chồng con trai cả và hai con gái ông Minh đều là giáo viên. "Ăn Tết xong, các con cháu xếp đồ đi, lòng tôi trống rỗng, hụt hẫng. Nhưng đi được hai hôm, lại thấy chúng nó lục đục kéo về, mừng lắm", ông kể. Giữa tháng Ba, hai con rể mở cửa hàng ở Hà Nội cũng gác lại công việc để về ngoại.
Mỗi sớm mai, tỉnh giấc, ông đã nghe thấy tiếng 6 đứa cháu chí chóe ngoài sân. Lũ trẻ rối rít hỏi han khi nghe ông ho từng cơn. Đứa xoa lưng, đứa dìu tay ông ra chõng tre. Hai đứa bé nhất mới hơn một tuổi, cũng lẫm chẫm chạy theo. "Nhìn thấy mấy đứa là ông khỏe", ông cười nói.
Sau bữa sáng, bốn người đàn ông trong gia đình chia làm hai đội chơi cờ tướng. Các con gái, con dâu cùng với mẹ chuẩn bị cơm trưa. Hôm nào cũng rộn rã như chiều 30 Tết. Bữa cơm 14 người được dọn ra giữa sân, chia làm hai lượt, trẻ con ăn trước, người lớn ăn sau.
Mỗi lần ông nạp khí dung cho dễ thở, các con, cháu ngồi xung quanh, đứa bóp tay chân, đứa xoa lưng, kể chuyện ngày bé. Cũng dịp này, hai cháu nội mới biết ông bố giáo viên mẫu mực của mình từng bị bố trói vào cột nhà vì trốn học đi chơi.
Buổi chiều, nhà cách biển chưa đầy 200 mét, đại gia đình rủ nhau đi bộ ra tắm biển, thả diều. Lũ trẻ sống lâu ở thành phố, lần đầu được làm bạn với diều giấy, biết phân biệt cá thờn bơn với cá khoai, cá trích,...
"Dịch bệnh không thể đi làm, nhưng cũng nhờ vậy, gia đình tôi có đủ thời gian bù đắp cho nhau. Mai này, lúc bố tôi nằm xuống, sẽ có đầy những ký ức yêu thương. Phận làm con, chúng tôi cũng không phải ân hận quá nhiều", anh Thành, con trai cả của ông Minh nói.