Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho ít nhất 70% dân số trong năm nay, tiến công trong mặt trận mua vắc xin là chưa đủ.
Chúng ta cũng cần tinh thần tiến công mạnh mẽ tương tự trong việc chuẩn bị cơ sở hậu cần và nguồn nhân lực để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng diện rộng càng sớm càng tốt ngay từ bây giờ. Thực tế là tốc độ tiêm chủng vắc xin ở Việt Nam gần đây cho thấy nỗi lo lớn.
Theo số liệu của Bộ Y tế, những ngày gần đây đều dưới 50.000 người được tiêm chủng, thậm chí ngày 6-6 chỉ có 5.244 người... Nếu tính ngày nhiều nhất đã thực hiện tiêm chủng tại Việt Nam từ trước đến nay là trên 200.000 mũi tiêm, theo các chuyên gia, phải mất tròn 1 năm nữa mới tiêm đủ cho trên 70 triệu người.
Còn theo dữ liệu của Reuters, tính đến ngày 8-6 Việt Nam đã tiêm ít nhất 1.248.559 liều vắc xin COVID-19, chiếm 0,6% dân số (tiêm đủ 2 liều).
Trong tuần qua, Việt Nam tiêm trung bình mỗi ngày 16.545 liều. Với tốc độ này, Việt Nam cần 1.167 ngày (hơn 3 năm) để tiêm đủ vắc xin cho 10% dân số.
Câu chuyện ở Nhật Bản có thể là kinh nghiệm tham khảo đáng giá cho Việt Nam. Nhật đã sớm mua được 344 triệu liều vắc xin, đủ cho toàn bộ dân số (khoảng 126 triệu người) trong năm 2021.
Nhật Bản bắt đầu tiêm chủng diện rộng vào tháng 2 năm nay, nhưng đến giữa tháng 5 chỉ khoảng 1% dân số được tiêm chủng đầy đủ vì... thiếu nhân lực tiêm chủng đã qua đào tạo. Người Nhật chỉ tin tưởng bác sĩ, y tá tiêm cho họ nhưng lực lượng này lại thiếu trầm trọng.
Nhật sau đó nới lỏng quy định y tế để tăng nhân lực tiêm vắc xin covid-19 cho người dân với mục tiêu 1 triệu liều mỗi ngày. theo báo nikkei asia, chính phủ nhật đã mở rộng quy định pháp lý để cho phép các nhân viên y tế cấp cứu và kỹ thuật viên phòng thí nghiệm cũng tham gia công tác tiêm chủng.
Nhờ linh hoạt điều chỉnh quy định và quyết tâm cao, tiêm chủng tại Nhật Bản đã tăng tốc. Theo dữ liệu cập nhật ngày 8-6 của Hãng tin Reuters, Nhật đã tiêm hơn 17 triệu liều, tương đương 6,8% dân số (tiêm đủ 2 liều). Trong tuần qua, Nhật trung bình tiêm chủng hơn 624.000 liều/ngày. Với tốc độ này, chỉ cần 41 ngày để tiêm đủ cho 10% dân số.
Trong khi đó, rút kinh nghiệm từ thất bại trong chiến dịch tiêm vắc xin h1n1 năm 2009 khi số vắc xin bị vứt bỏ nhiều hơn số người được tiêm chủng, pháp đã đầu tư lớn cho chương trình tiêm chủng.
Nước này đang tăng tốc tổ chức khâu hậu cần chuẩn bị cho chiến dịch tiêm chủng hàng loạt, từ mua sắm tủ đông siêu cấp cho đến xây dựng đội ngũ y bác sĩ, bồi dưỡng cho nhân lực tham gia phân phối vắc xin và tiêm chủng... Đơn cử như vắc xin Pfizer (Việt Nam có đặt mua 31 triệu liều) đặt ra nhiều thách thức cho công tác hậu cần, khi cần được bảo quản ở nhiệt độ -70°C với tủ đông chuyên dụng.
Từ thực tế của các nước cho thấy tìm mua vắc xin tuy vất vả, gian nan nhưng mua được, có vắc xin cũng chỉ là một nửa của câu chuyện đưa cuộc sống trở lại bình thường bằng vắc xin.
Có vắc xin nhưng hậu cần tiêm ngừa chưa sẵn sàng, vắc xin nằm kho gây lãng phí, còn gây biến chứng, hậu quả có thể khôn lường khiến sợ vắc xin. Vì thế, ngay lúc này chúng ta phải bắt tay vào chuẩn bị hậu cần cho tiêm vắc xin, không khéo trở tay không kịp.
QUỲNH TRUNG
Chủ đề liên quan:
covid-19 mua vắc xin tiêm vắc xin tiêm vắc xin vắc xin phòng Covid-19 Vacxin covid