Dinh dưỡng hôm nay

Nấm rơm - thương nhớ đồng quê

(SKGĐ) Những cơn mưa cuối mùa gợi tôi nhớ về những ngày cùng đám bạn lang thang nhặt nấm trên những ụ rơm quanh nhà, nhớ về bát canh nấm rơm vừa mát vừa bổ mà bà nấu cho tôi năm nào…

Ảnh minh họa

Nấm rơm - giấc mơ tuổi thơ

Ở quê tôi ngày ấy người ta vẫn chưa biết trồng cấy nấm rơm đại trà như bây giờ. Lượng nấm xuất hiện trong bữa ăn mỗi nhà vẫn chủ yếu là nấm mọc tự nhiên trên những ụ rơm thấm nước mưa lâu ngày.

Vào thời điểm nấm mọc rộ, bọn trẻ chúng tôi hay thức dậy từ sáng tinh mơ tranh thủ cắp rổ đi nhặt nấm trước giờ đến trường. Công việc nhặt nấm vốn quen thuộc như đi chăn trâu, cắt cỏ mà đứa trẻ nào cũng thích, cũng tranh giành phần người lớn vì những lúc đó chúng tôi được đặc quyền bới tung cả đống rơm và tha hồ chạy nhảy, lăn lộn trên đó mà không sợ người lớn la mắng.

Cái cảm giác mỗi khi tìm được những chiếc nấm rơm luôn làm tôi thích thú, cả trong mơ cũng vẫn hiện ra. Trong đống rơm rạ ẩm ướt, từng chiếc nấm đội nón bé xinh xinh nhú lên lùm lùm cho tụi nhỏ chúng tôi “săn lùng”. Đứa nào nhanh mắt, nhanh tay thì thu lượm được nhiều, đứa nào chậm chạp thì đến cuối buổi trong rổ chỉ được vài cái nấm lơ thơ nhưng bù lại là được niềm vui và động lực cố gắng cho lần nhặt sau.

Vào những ngày nhặt nấm rơm, trưa tan học tôi thường co giò chạy thẳng về nhà để thưởng thức những món ngon bà chế biến từ nấm. Bà tôi có biệt tài chế biến món ăn rất ngon. Nguyên liệu của bà thường là những loại rau củ có sẵn trong vườn nhà. Từ món canh chua me, tép rang hành, mắm kho quẹt, canh rau dền… bà đều nấu rất ngon, nhưng với tôi chúng vẫn thua xa các món bà nấu từ nấm rơm.

Từ những cái nấm nhỏ xíu chị em tôi nhặt được bà chế biến hôm thì canh nấm rơm, hôm thì nấm rơm chưng trứng, hôm thì nấm rơm xào cải, hôm thì nấm rơm kho chay cùng đậu phụ, lại có cả buổi điểm tâm sáng bằng cháo nấm rơm… Để đến tận bây giờ khi xa quê đã hơn chục năm trời, bà cũng đã mất nhưng kí ức tuổi thơ gắn với những gì thuộc về bà cho đến bây giờ chưa bao giờ phai nhạt…

Từ những câu chuyện bà kể, nụ cười hiền lành bên tô canh nấm đang bóc khói và tôi thì đang xuýt xoa khen ngon. Bà bảo rằng, quê mình nghèo, được bữa thịt là rất hiếm, nên bà ví nấm rơm ngon như thịt và cũng đúng thật, đối với tôi thì luôn là vậy.

Cuộc sống của tôi bây giờ có thể gọi là thành đạt, tôi đã đi nhiều nước, thưởng thức nhiều hương vị món ăn khác nhau nhưng mùi vị mát lành vẫn còn ngái ngái mùi bùn đất xen lẫn rơm rạ bay ra từ góc bếp tro cũ kỹ của bà vẫn còn nguyên vẹn trong tôi như ngày nào.

Giờ đây, ít nhất mỗi tuần/1 lần trên mâm cơm nhà tôi đều có một món ăn chế biến từ nấm rơm. Tuy rằng nấm rơm trồng theo công thức đại trà ngày nay không đậm đà hương vị như ngày xưa nhưng tôi vẫn thường xuyên mua vì nỗi niềm thương nhớ đồng quê và sự bổ dưỡng của chúng.

Nấm rơm giàu dinh dưỡng

Nấm rơm vốn là loại lành không độc, lại bổ dưỡng nên được sử dụng làm thực phẩm phổ biến. Phân tích thành phần dinh dưỡng của nấm rơm, các nhà dinh dưỡng học đã khám phá được: cứ trong 100g nấm rơm khô sẽ có 21-21g đạm; 2,1-4,6g chất béo; 9,9g chất bột đường; 21g chất xơ cùng nhiều yếu tố vi lượng như Ca, Fe, P và các vitamin A, B1, B2, C, D, PP,…

Thành phần đạm có trong nấm rơm chứa đủ các loại acide amine tối cần thiết cho cơ thể, hơn cả trong thịt bò và đậu tương. Là loại giàu dinh dưỡng như vậy, nấm rơm có thể chế biến thành nhiều món ăn khoái khẩu như xào với thịt lợn, thịt bò, nấu canh, nấu lẩu, kho với thịt lợn, hầm với thịt gà, kho chay, nướng với lươn…

Cứ 100g nấm rơm tươi sẽ cung cấp cho cơ thể 31 calo

Ngoài ra, nấm rơm còn có thể được dùng như một dạng thực phẩm chức năng hỗ trợ rất tốt cho người ăn chay trường, người đang mắc các chứng bệnh rối loạn chuyển hóa như: béo phì, rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạnh, đái tháo đường, tăng huyết áp…

Đông y cho rằng nấm rơm có vị ngọt, tính hàn có công năng bổ tỳ, ích khí, tiêu thực, khử nhiệt, tăng sức đề kháng, có khả năng kháng ung thư và làm họ cholesterol máu. Nên trong một số bài thuốc dân gian, nấm rơm tán thành bột làm viên còn được chỉ định dùng chữa chứng thiếu máu.

Món ăn bài thuốc từ nấm rơm

1. Chữa di hoạt tinh, sinh lý yếu: Nấm rơm xào cùng tôm càng, rau dền ăn ngày 1 lần vào bữa ăn thường. Trong 5-7 ngày là một liệu trình.

2. Có tác dụng kích dục, cường dương: Nấm rơm xào với thịt chim sẻ, thịt ếch, ăn ngày 1 lần.

3. Bồi bổ, tăng cường sức khỏe: Canh nấm rơm (200g) nấu với đại táo (5-7 quả), ăn ngày 1 lần. Ăn 5-7 ngày liền.

4. Phòng chống ung thư, bổ tỳ vị: nấm rơm nấu với đậu phụ ăn ngày 1 lần, thường xuyên ăn càng tốt.

5. Bổ gan thận, ích khỉ, tăng sức: Nấm rơm xào với trứng bồ câu hay trứng chim cút.

Theo kinh nghiệm người quê tôi, nấm rơm xào với đậu que hay cải ngọt, kho chay với đậu phụ, nấu canh với rau dền, rau lang không những là món ăn ngon mà còn giúp tránh được các bệnh như tăng huyết áp, táo bón…

Quỳnh Nha

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/dinh-duong/dinh-duong/nam-rom--thuong-nho-dong-que-17259/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY