Đường huyết chỉ hàm lượng đường trong máu có vai trò cung cấp năng lượng nuôi các tế bào, đảm bảo chức năng của hệ thần kinh và não bộ. Khi đường trong máu không ổn định, tăng hay giảm đều có thể gây ảnh hưởng tiêu cực cho sức khỏe.
Cơ thể chúng ta hấp thụ đường thông qua các thức ăn có nhiều carbohydrate, được cung cấp từ thực phẩm giàu tinh bột như: gạo, bánh mì, ngũ cốc, ngô, khoai, sắn, các loại đồ ngọt… Cơ thể phân hủy carbohydrate thành glucose, được vận chuyển trong máu đến não và các cơ quan khác để tạo năng lượng.
Glucose đi vào các tế bào với sự trợ giúp của insulin - một loại hormone do tuyến tụy sản xuất. Insulin cho phép glucose đi vào tế bào và cung cấp nhiên liệu mà tế bào cần. Glucose dư thừa được lưu trữ trong gan và cơ bắp dưới dạng glycogen.
Khi chúng ta không ăn trong vài giờ, lượng đường trong máu giảm xuống, cơ thể sẽ ngừng sản xuất insulin. Một loại hormone khác từ tuyến tụy được gọi là glucagon báo hiệu cho gan phá vỡ glycogen được lưu trữ và giải phóng glucose vào máu. Điều này giữ cho lượng đường trong máu ổn định cho đến khi chúng ta ăn lại.
Cơ thể chúng ta cũng có khả năng tạo ra glucose. Khi nhịn ăn kéo dài, cơ thể có thể phân hủy chất béo dự trữ và sử dụng các sản phẩm phân hủy chất béo làm nhiên liệu thay thế.
Đối với người bị đái tháo đường, cơ thể có thể không tạo ra insulin hoặc có thể phản ứng kém hơn với insulin. Kết quả là glucose tích tụ trong máu và có thể đạt đến mức cao nguy hiểm. Để khắc phục vấn đề này, người bệnh có thể dùng insulin hoặc các loại thuốc khác để giảm lượng đường trong máu.
Nhưng sử dụng quá liều insulin hoặc thuốc trị đái tháo đường có thể khiến lượng đường trong máu giảm quá nhiều dẫn đến hạ đường huyết. Hạ đường huyết cũng có thể xảy ra nếu người bệnh ăn ít hơn bình thường, hay bỏ bữa, uống rượu, tập thể dục nhiều hơn bình thường…
Hạ đường huyết ở những người không mắc bệnh đái tháo đường nguyên nhân có thể do: nghiện rượu, suy dinh dưỡng, rối loạn ăn uống, chán ăn, viêm gan nặng, xơ gan, nhiễm trùng nặng…
2. Dấu hiệu nhận biết hạ đường huyết
Một người bị hạ đường huyết thường có dấu hiệu:
Mệt mỏi
Run rẩy hoặc bồn chồn
Chóng mặt
Đau đầu
Cảm thấy đói hoặc buồn nôn
Khó chịu hoặc lo lắng
Tim đập nhanh
Ngứa ran hoặc tê môi, lưỡi hoặc má, da tái xanh…
Hạ đường huyết nặng có thể có triệu chứng: nhầm lẫn, có hành vi bất thường hoặc cả hai, mất phối hợp, nói lắp, nhìn mờ… Nặng hơn nữa có thể gây co giật, thậm chí hôn mê.
Những dấu hiệu trên có thể xảy ra khi người bệnh bị đói do nhịn ăn, ăn muộn, bỏ bữa hoặc có khi xảy ra vào ban đêm rất nguy hiểm, đặc biệt đối với người bệnh đái tháo đường.
3. Cách xử trí nhanh khi bị hạ đường huyết?
Hạ đường huyết nhẹ thường có thể được điều trị bằng các loại carbohydrates có tác dụng nhanh. Đây là những loại carbohydrate đơn giản không cần phải chia nhỏ trong quá trình tiêu hóa.
Vì vậy, ngay khi có dấu hiệu bị hạ đường huyết, cách tốt nhất là ăn các thực phẩm giúp làm tăng lượng đường trong máu để nhanh chóng nâng đường huyết lên.
Theo ThS.BS Nguyễn Thu Yên, chuyên khoa Nội tiết - Đái tháo đường, cách xử trí khi bị hạ đường huyết đối với trường hợp hạ đường huyết nhẹ và người bệnh vẫn tỉnh táo. Thực hiện nguyên tắc 15/15: Khi phát hiện các triệu chứng của hạ đường huyết nên test ngay đường máu mao mạch nếu có thể. Khi đường máu< 3,9 mmol/l nên làm theo các bước sau:
- Bước 1: Ăn hoặc uống 15g carbohydrate
- Bước 2: Đợi 15 phút
- Bước 3: Kiểm tra lại đường máu
- Bước 4: Nếu đường huyết < 3,9 mmol/l, cần xử trí lặp lại bước 1-4. Nếu đường huyết >= 4mmol/l: ăn bữa chính hoặc bữa phụ nếu đã đến bữa ăn
Lưu ý: 15g carbohydrate tương đương với 1 trong những thứ sau:
1 viên glucose
Uống nửa ly nước trái cây hay nửa lon nước ngọt
1 muỗng canh đường hoặc 1,5 muỗng canh mật ong (ăn hoặc pha trong nước uống)
Nhai 5 - 6 viên kẹo hay bánh quy ngọt
Nửa quả cam hoặc nửa quả chuối
1 lát bánh mỳ sanwich
Nửa ly nước trái cây tương đương 15g carbohydrate.
Để phòng ngừa hạ đường huyết, chúng ta không nên nhịn đói, ăn quá muộn hoặc nhịn ăn và hoạt động thể lực quá mức, đặc biệt là không bỏ bữa sáng. Đối với những người dễ có lượng đường trong máu thấp nên ăn các bữa ăn nhỏ và ăn nhẹ trong ngày. Nên ăn khoảng 3 - 4 giờ một lần.
Đối với bệnh nhân đái tháo đường cần tuân thủ đúng chỉ định điều trị của bác sĩ về dùng thuốc và chế độ ăn uống. Thường xuyên kiểm tra đường huyết. Luôn mang theo đồ ăn nhẹ như bánh, kẹo, trái cây, viên glucose… để có thể dùng ngay khi có biểu hiện hạ đường huyết.
Theo Thời đại plus
Link bài gốc Lấy link
https://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/nen-an-gi-uong-gi-khi-bi-ha-duong-huyet-d466550.htmlTheo Thời đại plus
Chủ đề liên quan:
ăn gì khi hạ đường huyết hạ đường huyết hạ đường huyết ăn gì hạ đường huyết nên uống gì uống gì khi hạ đường huyết