Kinh tế xã hội hôm nay

Ngày Xuân nghe chuyện Nàng Han giả trai giúp bản Mường đánh giặc

MangYTe - Xuân về, người Thái thuộc xứ Mường Trịnh Vạn xưa (nay là xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) lại quây quần bên nhau kể cho con cháu nghe câu chuyện Nàng Han - người con gái dân tộc xinh đẹp, dũng cảm đã giả trai giúp Mường đánh giặc, giữ yên bờ cõi…

Nàng Han giả trai đánh giặc

Đất Chiềng Ván xưa (nay là bản Lùm Nưa, xã Vạn Xuân) ngày Xuân thật rộn ràng. Trẻ con xúng xính váy áo đi chơi, trai gái hẹn hò nhau dưới những tán đào rực hoa, các già làng ngồi quây quần bên chén trà ấm nóng… Tất cả tạo nên một bức tranh cuộc sống ấm áp, yên ả.

Xuân về, cũng là dịp các bậc cao niên trong làng truyền tai con cháu câu chuyện về Nàng Han. Với bà con bản Lùm Nưa - Nàng Han là biểu tượng về người con gái xinh đẹp, đoan trang, tài giỏi, dũng khí…

Tương truyền rằng, ở đất Chiềng Ván xưa trong một gia đình có hai chị em xinh đẹp như những đóa hoa ban rừng. Cô em đẹp người, ngoan nết, e ấp, dịu dàng. Nàng có mái tóc đen chảy dài như dòng suối và hương thơm lạ kỳ khiến cho trong bản, ngoài Mường đâu đâu cũng nức tiếng ngợi khen. Người chị tên là Nàng Han, không chỉ đẹp người, ngoan nết mà còn rất thông minh và có tài võ nghệ hơn người.

Trò chơi tò lẹ vẫn được lưu giữ trong lễ hội Nàng Han

Đến độ tuổi trăng tròn, Nàng Han thường cưỡi ngựa theo lũ trai Mường vào rừng săn bắn muông thú. Nàng bắn đâu trúng đấy. Nghe tài cưỡi ngựa, bắn cung, múa gươm của Nàng, con trai các bản trên, Mường dưới đua nhau đến Tổng Trịnh Vạn để được đua tài. Nhưng tất cả họ đều thua cuộc.

Cuộc sống thanh bình không được bao lâu, bọn giặc kéo đến cướp bóc, hành hoành nhân dân trong Mường. Lệnh vua ở kinh kỳ truyền đi khắp các bản phải tìm cho được người tài giỏi để diệt giặc giúp dân, giúp nước. Nghe lệnh vua ban, Nàng Han thưa với bố mẹ cho nàng được giúp vua diệt giặc, giữ yên bản, vui Mường. Bố mẹ nàng không đồng ý, bởi Nàng Han con gái. Không chịu cảnh nhìn thấy dân trong Mường bị đe dọa, cướp bóc, hãm hiếp, Nàng Han đã đóng giả trai đến gặp Tạo Mường xin đi dẹp giặc.

Không biết nàng là gái, Tạo Mường ân cần tiếp đón và thử tài cung kiếm như những võ sĩ khác. Trước mặt văn võ bá quan triều đình, nàng trổ tài cung kiếm, ai ai cũng tán phục. Vua ra lệnh ban cho nàng thống lĩnh một đội quân trở về chiến đấu tại chính vùng rừng núi quê nhà, bảo vệ bản Mường. Vâng lệnh Vua, Nàng Han thống lĩnh đội quân trở về quê hương, ngày đêm tập luyện, canh giữ bản làng. Nàng ra quân trận nào thắng trận đó. Không bao lâu, bản làng lại trở nên yên bình, đầm ấm.

Sau khi đánh tan quân giặc, nàng ra hang Mường có dòng suối Nhồng cho ngựa uống nước rồi tắm rửa, vô tình nàng bị lộ thân phận nữ nhi. Bỗng đâu đám tàn binh giặc từ đâu bất ngờ xông tới, chúng trêu chọc khiến nàng vừa tức giận vừa hổ thẹn, vung gươm diệt giặc rồi cả mình và ngựa phi thẳng lên đỉnh núi Phả Thăm rồi bay về trời. Để lại hình ngựa đá in trên đỉnh núi Phả Thăm…

Và nét độc đáo Lễ hội Nàng Han

Để tưởng nhớ công ơn của người con gái dũng cảm diệt giặc giúp bản Mường, vừa là để mọi người trong bản đoàn kết, giúp đỡ tương trợ lẫn nhau; dịp này trai gái trong Mường cùng nhau nhảy sạp, hẹn hò, múa Cá Sa (hát múa quanh cây hoa)…người dân bản Lùm Nưa lại tưng bừng tổ chức lễ hội Nàng Han.

Tờ mờ sáng mùng 5 Tết âm lịch, người dân khắp nơi đã đổ về bản Lùm Nưa cùng trẩy hội Nàng Han. Khi tiếng công chiêng vang lên hòa vào đó là những điệu hát Khắp làm say đắm lòng người của bà con đồng bào Thái.

Lễ hội Nàng Han hàm chứa nhiều giá trị văn hóa

Trong lễ vật của lễ hội Hàng Han gồm có một con trâu trắng nếu không có trâu trắng thì có thể thay bằng con dê , một con lợn, một con chó, 13 chai rượu, 2 chĩnh rượu cần và vài chục con ngan vịt, gạo nếp. Số lễ vật này làm thành 13 mâm lễ . Một mâm lễ tại đền thờ gia tộc họ Cầm Bá, báo với ông tổ họ Cầm Bá xin phép cho con cháu bản Lùm Nưa được mở lễ hội Nàng Han. 10 mâm lễ và 1 chĩnh rượu đặt trong hang Mường. Hai mâm lễ dành cho các bà tày làm lễ cầm vía ban lộc và buộc chỉ ngũ sắc cho những người dự lễ tại bản. Một chĩnh rượu cần để làm lễ rượu cần tại bản.

Lễ vật đặt tại Hương án (được làm bằng tre nứa có 3 tầng) trong hang Mường được xếp thành 4 bậc hướng về tượng đá hình Nàng Han trên vách hang Mường. Trong 10 mâm lễ có 1 số mâm được đan bằng nứa thưa hình vuông dưới lót lá chuối rồi đặt lễ vật lên trên với các vị trí sắp đặt khác nhau.

Lễ vật bậc trên cùng 5 mâm có đầu dê thủ lợn ở giữa, các mâm còn lại gồm có xôi và một chai rượu. Mâm có đầu dê (trước đây là thủ trâu) dùng để tế các thần linh trên trời và thần linh trên các đỉnh núi cao. Mâm có thủ lợn dùng để cúng Nàng Han và nàng tóc thơm em gái nàng han. Lễ vật bậc thứ 2 có 3 mâm xôi thịt dê, thịt lợn rượu, bậc này để tế các vị thần cây đa, vị thần cai quản đất đai mồ mả, gia súc của cải. Lễ vật bậc thứ 3 có 2 mâm xôi, vịt và một mâm nguyên một con chó thui chín. Lễ vật bậc thứ 4 bậc dưới cùng là một chĩnh rượu cần. Người Thái rất quý trọng nước và rượu cần, bởi rượu cần là biểu hiện sự tinh túy của nước. Rượu cần và nước trở thành phẩm vật quý dâng lên thần linh của người Thái.

Chủ lễ là 4 bà tày trong đó có một bà tày gốc - người chuyên lo tổ chức lễ xứa pha thờ trời trên Phả Thăm. Còn có 3 bà tày phụ giúp cho bà tày gốc việc tế lễ tại hang Mường, đại lễ cầm vía và đại lễ rượu cần. Sau khi tế lễ tại hang Mường kết thúc, các bà tày làm lễ ta ơn tại bản, cuối cùng là ban lộc và buộc chỉ ngũ sắc cầu may cầu phúc cho những người dự lễ.

Mỗi dân tộc, mỗi vùng đất ở xứ Thanh đều mang trong mình những giá trị văn hóa đặc sắc riêng và về với lễ hội Nàng Han của đồng bào Thái xã Vạn Xuân du khách như được hòa mình vào những điệu múa, tiếng trống chiêng rộn rã, sống lại nhiều ký ức vấn vương, đồng vọng.

Gia Hân

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/xa-hoi/ngay-xuan-nghe-chuyen-nang-han-gia-trai-giup-ban-muong-danh-giac-20200114222838717.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY