Tấn công giả mạo, mật khẩu yếu hay sự bất cẩn có thể dẫn đến việc hộp thư điện tử (e-mail) hay tài khoản ngân hàng bị đột nhập. Chúng ta cũng không thể không nhắc tới các phương pháp theo dõi truyền thống. Một ví dụ điển hình nhất là mới đây, các nhà khoa học ở ĐH Ben - Gurion và Viện Khoa học Weizmann (Israel) đã chứng minh rằng bóng đèn bình thường có thể giúp nghe trộm từ khoảng cách 25 mét.
Để thực hiện nghe trộm, chỉ cần một bóng đèn thường, một chiếc laptop và một thiết bị gọi là cảm biến quang điện, hướng về phía bóng đèn.
Các nghiên cứu cho thấy, cách nghe trộm này mang lại hiệu quả khá cao.
Các nhà khoa học đã có được bản ghi âm khá rõ khi đứng trên cầu và hướng cảm biến quang điện về phía cửa sổ một văn phòng ở cách đó 25 mét.
Họ đã nghe được gì? Đầu tiên là âm nhạc, cụ thể là các nhạc phẩm "Clocks" của ban nhạc Coldplay và "Let it Be" của nhóm Beatles. Tất nhiên, bản ghi âm không quá "sạch", như thể được ghi bởi microphone giấu trong phòng. Tuy nhiên, các phần mềm ứng dụng (Shazam và SoundHound) đã nhận biết được các nhạc phẩm đó.
Các nhà khoa học cũng ghi được nội dung các cuộc trò chuyện. Giao diện lập trình ứng dụng (API) tương ứng do Google Cloud cung cấp còn biến đổi chính xác bản ghi âm thành văn bản.
Công nghệ nghe trộm bằng bóng đèn trong thực tế khá là đơn giản và được gọi là "lamphone". Cảm biến quang điện nói trên thu nhận các rung động nhỏ trên bề mặt thủy tinh của bóng đèn. Các rung động nhỏ này được tạo ra bởi sóng âm của cuộc trò chuyện, phát nhạc hoặc các hoạt động gây âm thanh khác.
Các rung động sau đó được "phiên dịch" thành âm thanh với độ chính xác khá cao. "Mỗi âm thanh trong phòng có thể được bóng đèn "ghi lại" mà không cần công cụ bổ sung" – nhà khoa học BenNassi ở ĐH ĐH Ben-Gurion (Israel) cho biết.
Nghe trộm bằng bóng đèn không phải là phương pháp được sử dụng rộng rãi, nhưng gây chú ý trước hết bởi chi phí thấp và không cần kỹ năng hacker. Thứ cần thiết nhất chỉ là bóng đèn thông thường. Hạn chế của phương pháp này là "khoảng cách nghe được" tương đối ngắn, chỉ khoảng 25 mét.