Khoa học hôm nay

Nghỉ tết 3 tháng, học trò lớp 1 nhiều bé đánh vần không nổi, quên ráo phép tính

MangYTe - Sau hơn 3 tháng nghỉ tết, học sinh lớp 1 ở TP.HCM vừa trở lại trường bắt đầu học kỳ 2 khi quỹ thời gian năm học còn rất eo hẹp. Nhiều trường tiểu học cho biết số học sinh quên đọc, quên viết không phải là ít.

Giáo viên Trường tiểu học Lê Đức Thọ (Q.Gò Vấp, TP.HCM) cầm tay tỉ mỉ hướng dẫn học sinh lớp 1 luyện viết trong tuần đầu trở lại trường - Ảnh: VĂN BÌNH

Có trường mỗi lớp có tới 4-5 em thuộc diện này. Làm gì để tránh tình trạng "tốt nghiệp" lớp 1 học sinh vẫn chưa đọc thông viết thạo như lo ngại của Sở GD-ĐT TP.HCM thời hậu COVID-19?

"Quên tuốt" các kỹ năng

Vừa qua, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có văn bản báo cáo UBND TP về những đánh giá tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với ngành giáo dục TP.HCM. Theo sở, dịch bệnh tác động tới việc dạy, học và đảm bảo chất lượng giáo dục; đặc biệt ở bậc tiểu học, dự kiến sẽ có một bộ phận nhỏ học sinh lớp 1 gặp khó khăn để đạt yêu cầu đọc thông viết thạo.

Trường tiểu học Lê Đức Thọ (Q.Gò Vấp, TP.HCM) là trường theo mô hình tiên tiến hội nhập, sĩ số học sinh chỉ 30 em/lớp; phụ huynh phần lớn quan tâm kỹ đến con cái, đó là một lợi thế. Tuy nhiên, hơn 3 tháng nghỉ phòng dịch COVID-19 đã làm đứt đoạn một số kỹ năng, thói quen học tập của học sinh, nhất là học sinh lớp 1.

Cô Nguyễn Anh Thụy, khối trưởng khối 1 Trường tiểu học Lê Đức Thọ, chia sẻ: "Lúc học online, có em chịu học bài, có em thì ba mẹ nhờ giáo viên chủ nhiệm gọi điện để giảng bài trực tiếp mới chịu học. Từ khi trở lại trường, khó khăn đầu tiên đó là vẫn còn nhiều bạn ham chơi, còn nhớ ba mẹ, vào lớp không chịu học...

Đến khi bắt đầu ôn tập thì nhiều em quên chữ, viết chậm, đọc chậm, và quên tuốt các kỹ năng viết chữ, các phép tính... Trong bốn lớp 1 ở đây, mỗi lớp có một vài em như vậy".

Mục tiêu của chương trình lớp 1, đặc biệt ở môn toán, tiếng Việt là học sinh sẽ đọc thông viết thạo, hiểu và làm được các phép tính cơ bản trong phạm vi 100 khi học xong chương trình. Theo một số thầy cô, dạy một học sinh yếu làm toán dễ dàng hơn nhiều so với dạy kèm học sinh yếu đọc, yếu viết.

"Đa số học sinh trong lớp là con công nhân, từ nơi khác đến TP lập nghiệp. Con về quê hơn 3 tháng nghỉ dịch, học online hay truyền hình chỉ là phương thức để an tâm và cho có. Học sinh đầu cấp ở đây quá đông, gần 50 em/lớp, có em quên chữ cái, đọc trơn (đọc từ không phải đánh vần - PV) lựng khựng. 'Cầm tay' ôn lại cho các em là một nỗi khổ, nỗi lo cho các cô" - cô giáo N.T.T.X. (giáo viên một trường tiểu học ở Q.12) nói.

Cô Nguyễn Thị Thảo, giáo viên chủ nhiệm lớp 1/3 Trường tiểu học Hòa Bình (Q.1), cũng cho biết lớp cô có 4-5 em quên hẳn kiến thức: "Có tới 4-5 em quên bẵng chữ viết, phép tính, đánh vần, ghép chữ... Tôi phải cho bắt đầu lại những từ, những chữ, những phép toán đơn giản nhất, trước hết để kích thích lại tinh thần học tập của các em trước khi học chương trình mới".

Đặc thù của tiểu học là giáo viên dạy hầu hết các môn, nên sự phối hợp của phụ huynh quyết định một phần rất quan trọng đến kết quả học tập. Nếu không, giáo viên khó mà "ôm" hết được học sinh chậm tiến.

Thầy Dương Trần Bình (hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Đức Thọ)

Cần phụ huynh hỗ trợ

Kết nối liên tục với phụ huynh, thời gian này cô Nguyễn Anh Thụy đề nghị cha mẹ cần sát sao, dành cho các em ít nhất 1 tiếng vào buổi tối.

"Hằng ngày, giờ ra chơi giáo viên kèm thêm, hoặc giờ chuyển tiết, những giờ học bộ môn, tôi xin giáo viên bộ môn gọi các con lên đọc bài, giúp các con lấy lại kiến thức như các bạn. Hoặc giáo viên cho con đọc bài nào thì buổi tối hôm đó, tôi nhờ phụ huynh cho con đọc lại bài đó và ghi kết quả các con đã làm được những gì ở nhà. Nếu chưa làm được, tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ đến khi nào các con nắm được" - cô Anh Thụy chia sẻ.

Theo thầy Lý Văn Huệ - hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Bình, nhà trường có 180 học sinh của 5 lớp học tại cơ sở 1. Thầy Huệ nói: "Tuần đầu tiên học sinh trở lại trường là tuần ôn tập, tình trạng quên chữ, dù ôn tập nhưng vẫn chưa lấy "đà" kịp, là điều tôi nói trước với giáo viên chủ nhiệm, để thầy cô tự rà soát và lên kế hoạch vực dậy các em chậm tiến".

Theo đó, học thêm giờ ra chơi, xây dựng kế hoạch phụ đạo ở buổi 2, khuyến khích các thầy cô có thể đưa học trò về nhà chỉ thêm... là những cách mà trường thầy Huệ đang thực hiện.

Tương tự, thầy Dương Trần Bình, hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Đức Thọ, cho biết tuần đầu tiên học sinh trở lại trường giáo viên chủ nhiệm có cái nhìn bao quát về quá trình học trực tuyến của con, những gì con đạt được, những gì con làm sai do chưa hiểu, những gì con làm sai do chưa cẩn thận thì căn cứ vào đó, trường xây dựng kế hoạch để hoàn thiện cho học sinh.

Trách nhiệm của phụ huynh

Chuyện đọc thông viết thạo chỉ là một giai đoạn trong cuộc đời mỗi đứa trẻ thôi, có thể học chậm hơn, chứ không quá nghiêm trọng. Phối hợp giữa gia đình, nhà trường, thầy cô là rất cần thiết. Không phải thầy cô nào cũng có kỹ năng dạy online tốt; cũng không phải môn học nào học online cũng tốt.

Giả sử môn tập viết, học online quả là bất khả thi. Việc hỗ trợ của phụ huynh là cực kỳ quan trọng. Một đứa trẻ trưởng thành không chỉ về kiến thức mà nhiều yếu tố khác. Thời gian ở nhà với bố mẹ là khá nhiều, do đó trách nhiệm của bố mẹ vẫn là chính.

Bà Tô Thụy Diễm Quyên (chuyên gia giáo dục của Microsoft)

Hôm nay (18-5) khối mầm non đi học lại

Giáo viên Trường mầm non Thành phố (Q.3, TP.HCM) khử khuẩn vệ sinh trường lớp, dụng cụ học tập, khu vui chơi để chuẩn bị đón học sinh trở lại trường - Ảnh: T.THƯƠNG

Ngày 18-5, học sinh lớp lá (trẻ 5 tuổi) ở TP.HCM trở lại trường. Đây là bậc học cuối cùng đi học lại sau hơn 3 tháng nghỉ học vì dịch COVID-19. Ghi nhận thực tế ngày 17-5 cho thấy các trường đã hoàn thành việc vệ sinh, khử khuẩn trường lớp, đồ chơi, dụng cụ học tập.

Cô giáo H.T., dạy lớp lá của một trường mầm non ở Q.3, chia sẻ: "Giáo viên mầm non chúng tôi chờ đợi ngày đến trường quá lâu rồi, nói là lòng vui như tết thì có gì hơi quá nhưng thật sự được gặp lại các con, được giảng dạy, chúng tôi ai cũng mong đợi".

Ảnh hưởng dịch, có không ít trường ngoài công lập giải thể, do vậy việc tiếp nhận trẻ ở cơ sở đã giải thể là vấn đề các trường, các quận huyện đang tính đến.

Ông Nguyễn Phúc Huy Tùng, trưởng Phòng GD-ĐT Q.2, chia sẻ: "Các trường ở Q.2 sẵn sàng đón học sinh đi học lại. Sau buổi học đầu tiên, các cơ sở phải báo hết con số về phòng, tiếp nhận như thế nào. Hiện tại 17 trường công lập tương đối ổn nhưng 41 nhóm ngoài công lập thì đang lo phập phồng không biết phụ huynh có cho con quay lại học nữa hay không".

Bà Lương Thị Hồng Điệp, trưởng phòng giáo dục mầm non Sở GD-ĐT, cho biết: "Sở đã chỉ đạo rất cụ thể, các quận huyện lấy danh sách và tất cả các trường phải tiếp nhận trẻ khi phụ huynh có nhu cầu. Trường hợp các trường đã đủ hay quá tải số lượng học sinh mà vẫn có phụ huynh đến đăng ký, thì phòng GD-ĐT phải tự cân đối.

TP có 219 phường, xã, ngoài các trường công, tất cả đều có trường tư và nhóm lớp hỗ trợ. Lịch tiếp nhận các con theo sắp xếp của hiệu trưởng mỗi trường, sao cho thuận tiện, trên tinh thần không để phụ huynh gặp khó khăn, không tìm được chỗ học cho con".

Tổ chức học bán trú tại TP.HCM: Nơi mạnh dạn, chỗ nghe ngóng

TTO - Đúng ngày học sinh tiểu học trở lại trường, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có văn bản cho phép các trường thực hiện bán trú. Có trường đã cho học sinh học bán trú ngay, nhưng cũng có trường gần một tuần qua vẫn im lặng nghe ngóng, dè chừng...

THẢO THƯƠNG

Mạng Y Tế
Nguồn: Tuổi trẻ (https://tuoitre.vn/nghi-tet-3-thang-hoc-tro-lop-1-nhieu-be-danh-van-khong-noi-quen-rao-phep-tinh-20200517212034708.htm)

Tin cùng nội dung

  • Sáng 26/8, Bộ GD-ĐT yêu cầu Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam và các bên có liên quan thu hồi cuốn sách “Thực hành kĩ năng sống dành cho học sinh lớp 1” có tựa đề bài học Vượt qua nỗi sợ xuất bản năm 2014. Đồng thời, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân và tập thể có liên quan trong việc liên kết xuất bản cuốn sách trên.
  • Phóng viên báo Sức khỏe Đời sống phỏng vấn nhanh chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy kỹ năng sống cho trẻ em về bài học dạy trẻ em dẫm lên thủy tinh trong cuốn sách Thực hành kỹ năng sống cho học sinh lớp 1 do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành.
  • NXB Giáo dục Việt Nam vừa có phản hồi về những nội dung khiến phụ huynh bức xúc về bài học dạy học sinh lòng dũng cảm bằng cách đi trên thuỷ tinh.
  • Ngày hôm nay (8/6), tờ The Guardian của Anh đã đăng tải 2 bài toán trong chương trình học của học sinh lớp 1 của Hong Kong để thách đố mọi người giải được trong thời gian cho phép là 20 giây.
  • Hỏi chuyện các mẹ về những khó khăn khi con vào lớp 1, hầu hết câu trả lời đều khiến bất cứ ai nghe được cũng gật gù công nhận: Chuyện tưởng nhỏ mà không hề nhỏ chút nào. Đó chính là chuyện về cái nhà vệ sinh ở trường.
  • Con gái tôi năm nay vào lớp 1, được xếp vào lớp của cô. Tôi rất vui mừng vì con tôi được học với cô. Cháu được cô giáo dạy tập viết, tập đọc những chữ, những câu đầu tiên trong đời, là một cái duyên.
  • Khi trẻ vào lớp 1 là thời điểm có rất nhiều thay đổi về tâm S*nh l* ở trẻ. không khí học tập với những người bạn mới lạ
  • Trong khi hầu hết các bé khác đã thuộc làu làu mặt chữ, đọc thông viết thạo để chuẩn bị đi học lớp 1 rồi, thì Tin Tin nhà mình vẫn lờ mà lờ mờ, chữ nhớ chữ không.
  • Vào học chưa được 2 tháng, cô giáo đã kêu con tôi không biết đọc trơn (đọc từ không phải đánh vần), trong khi yêu cầu hết lớp 1, học sinh mới phải đọc thông, viết thạo. Con tôi giờ sợ đến trường vì bị nhồi nhiều kiến thức quá, một phụ huynh chia sẻ.
  • Ba tháng cuối thai kỳ bắt đầu từ tuần 27 cho đến khi kết thúc thai kỳ. Tất cả các cơ quan và phần cơ thể của thai nhi đã hình thành, và đây là thời kỳ mà chúng tiếp tục phát triển và hoàn thiện.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY