Từ năm 2007 chúng tôi có cơ may được tiến hành điều tra, nghiên cứu hệ thống các di tích nhà Trần ở Đông Triều và đặt nó trong không gian văn hóa chung của vùng đất An Sinh xưa, vùng đất mà dưới thời Trần là ấp thang mộc của An Sinh vương Trần Liễu, trong đó chúng tôi đặc biệt chú tâm đến hệ thống di tích chùa, am, tháp của Thiền Phái Trúc Lâm ở khu vực này, trong đó tìm hiểu và giải quyết vấn đề vị trí của am Ngọa Vân được chú trọng đặc biệt. Để khảo cứu vấn đề này chúng tôi căn cứ vào các nguồn tư liệu:
- Các sử liệu bằng chữ viết có liên quan như: Đại Việt sử ký toàn thư (Toàn thư); Tam tổ thực lục (Tam tổ); Tam tổ hành trạng; trần triều thánh tổ các xứ địa đồ (Trần triều), các tài liệu văn bia; các sách địa chí, vv…;
- Tài liệu khảo cổ học: Điều tra, nghiên cứu hiện trường, thu thập tư liệu, đối chiếu và so sánh với các tài liệu chữ viết. Việc điều tra được tiến hành trên một khu vực rộng kéo dài từ Khu di tích danh thắng Yên Tử (Uông Bí, Quảng Ninh) (sau đây gọi tắt là Yên Tử) ngày nay đến Côn Sơn (Hải Dương), trong đó tập chung chính vào khu vực vòng cung Đông Triều thuộc địa phận Uông Bí, Đông Triều theo địa lý hiện đại. Kết quả nghiên cứu này đã được trình bày một phần trong bài viết “Am Ngọa Vân qua các bằng chứng khảo cổ học”, trong bài viết này chúng tôi tiếp tục cung cấp các nguồn tư liệu và củng cố, mở rộng một số kết luận đã được nên đồng thời khẳng định vị trí và vai trò của quần thể di tích Ngọa Vân trong lịch sử phát triển của Phật giáo Việt Nam.
“Tháng 8 năm 1299 từ phủ Thiên Trường Trần Nhân Tông xuất gia vào núi Yên Tử tu hành khổ hạnh” (Toàn thư, tr546), “lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, khi tu trên đỉnh Tử Tiêu (Vân Tiêu-TG) ngài xưng là Trúc Lâm Đại Sĩ (Tam tổ, tr19, tr.34) . Sau thời gian tu hành khổ hạnh tại Yên Tử, Ngài xuống núi, đi khắp xóm làng, dậy dân chúng phá bỏ dâm từ và thực hành thập thiện, ban Thu*c chữa bệnh. Tìm người nối dòng pháp, Ngài gặp được Pháp Loa (Toàn thư, tr560; Tam tổ, tr20; tr38) .
Năm Bính Ngọ, niên hiệu Hưng Long thứ 14 (1306), Ngài giao cho Pháp Loa làm chủ giảng tại chùa Siêu Loại và nhận Huyền Quang làm thị giả (Tam tổ, tr39).
“Tháng 5, năm Đinh Mùi, niên hiệu Hưng Long thứ 15 (1307) Điều Ngự lên ở trên một am trên ngọn Ngọa Vân (卧 雲 峯 - Ngọa Vân Phong) ” (Tam tổ, tr40). Việc Trần Nhân Tông lên tu ở Ngọa Vân ngoài ghi chép của Tam tổ hiện chưa thấy tài liệu nào nhắc tới việc này. Như vậy, đây là lần đâu tiên địa danh Ngọa Vân được nhắc tới đồng thời qua đây cũng có thể suy đoán, Trần Nhân Tông lên tu tại Ngọa Vân từ tháng 5 năm Đinh Mùi (1307).
Cũng theo ghi chéo chép này của Tam tổ thì, Ngọa Vân là tên một ngọn núi (卧 雲 峯 - Ngọa Vân Phong), am trên ngọn núi không được nhắc tên, nhưng chúng ta thấy tên am nơi Điều Ngự tu sau này đều được gọi là am Ngọa Vân, tức là lấy tên ngọn núi để gọi tên am. Đây là hiện tượng khá phổ biến trong cách đặt tên chùa, am của Thiền phái Trúc Lâm như: am Tử Tiêu được xây dựng trên ngọn Tử Tiêu, chùa Trù Phong (chùa Hồ Thiên) được xây dựng trên núi Trù Phong,…
Ngày 1 tháng 11, lúc nửa đêm, sao trời tỏ rạng, Điều Ngự hỏi “Bây giờ là mấy giờ, Bảo Sát đáp, giờ Tý, Điều Ngự nói, “Đây là lúc ta đi”, nói xong liền nằm theo thế sư tử, an nhiên viên tịch” . Bảo Sát hỏa thiêu Điều Ngự ngay tại am Ngọa Vân, Pháp Loa tới tưới nước thơm lên hỏa đàn thu ngọc cốt và xá lợi. Vua Trần Anh Tông liền tôn hiệu là (Tam tổ, tr 33-34) .
Về ngày hóa của Điều Ngự Trần Nhân Tông các tài liệu có sự không đồng nhất. Toàn thư chép “Ngày mồng 3 (tháng 11 -1308), Thựơng hoàng (Trần Nhân Tông – TG) băng ở am Ngọa Vân, núi Yên Tử, bấy giờ Thượng hoàng xuất gia ở ngọn Tử Phong núi Yên Tử (tr.570)”; Tam tổ chép “Giờ tý (tức từ 23 giờ đến 01 giờ) ngày 1/11, đến đêm thứ 2 Bảo Sát phụng di chúc hỏa thiêu ngay nơi am ấy”. Ngoài ghi chép của Toàn thư và Tam Tổ, trong bia Thanh Mai Viên Thông tháp bi là tấm bia ghi chép hành trang của tổ thứ hai của đệ nhị tổ Pháp Loa dựng năm năm Đại Trị thứ 5 (1362) cũng chép ngày hóa của Phật Hoàng là ngày mồng 1. Do vậy chúng tôi cho rằng ghi chép của bia Thanh Mai Viên thông tháp bi và Tam tổ là đáng tin cậy và việc Toàn thư chép ngày kỵ của Phật Hoàng chậm hơn so với sách Tam Tổ có thể là do tin tức được chuyển về kinh đô chậm.
Như vậy, qua các ghi chép có thể xác định, ít nhất từ tháng 5 năm 1307 Điều Ngự bắt đầu tu tại am Ngọa Vân trên ngọn Ngọa Vân, ngài “nhập niết bàn” tại Ngọa Vân vào ngày mồng 1 tháng 11 năm Mậu Thân (1308) và sau đó, các đệ tử của ngài tổ chức hỏa thiêu rồi thu xá lỵ và ngọc cốt của Ngài ngay tại am Ngọa Vân, hay nói cách khác Ngọa Vân là điểm kết thúc của hành trình tu luyện, nhập diệt theo thế sư tử nằm của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông. Trong hành trình đó thì Yên Tử là nơi Phật Hoàng tu luyện, giảng pháp, độ tăng và Ngọa Vân là nơi kết thúc trọn vẹn quá trình tu luyện và thành Phật của Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Do đó, Ngọa Vân chính là thánh địa của Thiền phái Trúc Lâm.
Am Ngọa Vân ở đâu là vấn đề được thảo luận trong nhiều thập kỷ qua. Năm 2008, trong bài “Am Ngọa Vân qua bằng chứng khảo cổ học” [1] chúng tôi đã chứng minh và bước đầu làm sáng tỏ vấn đề này [2] . Ở đây chúng tôi muốn cung cấp thêm thông tin và làm rõ hơn kết luận đã nêu ra về vị trí của am Ngọa Vân.
Sách Toàn thư và nhiều tài liệu khác đều ghi am Ngọa Vân thuộc “núi Yên Tử” (Yên Tử Sơn (安 子 山)). Tuy nhiên chúng tôi cho rằng khái niệm Yên Tử sơn (núi Yên Tử) cần phải hiểu theo hai khía cạnh, khía cạnh là một vùng văn hóa và khía cạnh địa lý. Ở cả hai khía cạnh này, núi Yên Tử phải/ nên được hiểu là một khu vực rộng lớn tương ứng với một phần của vòng cung Đông Triều chạy dài từ Uông Bí, qua Đông Triều đến Chí Linh, ở trên đó có bao nhiêu ngọn núi như: Tử Tiêu (Vân Tiêu) Hoa Vân (Hoa Yên); Bạch Vân (Mây trắng); Trù Phong, Ngọa Vân, vv.. với điểm cao nhất là đỉnh Bạch Vân nơi có chùa Đồng (cao 1068m). Điều đó có nghĩa là Yên Tử theo cách hiểu của chúng ta hôm nay chỉ là một phần của không gian, địa lý của Yên Tử sơn xưa mà thôi. Vậy trong không gian rộng lớn đó, Ngọa Vân nằm ở đâu.
Sách Tam tổ có đoạn “Ngày 18, đến chùa Tú Lâm, núi Kỳ Đặc ở Yên Sinh, … Tỳ kheo Tử Doanh và Hoàng Trung đưa lên Am Ngọa Vân” (Tam tổ, tr31), đoạn này cho thấy Ngọa Vân thuộc An Sinh.
Các tài liệu văn bia và địa chí cho chúng ta những thông tin về mặt địa lý khu vực, từ đó có thể xác định vị trí của Ngọa Vân. Bia Trần Triều bi ký dựng tại đền An Sinh (nay thuộc xã An Sinh, huyện Đông Triều), bia dựng năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), tâm bia này khắc lại nội dung văn bia được dựng năm Chính Hòa thứ 10 (1689) đời vua Lê Hy Tông, bia có khắc một số sắc chỉ của các chúa Trịnh phong cho dân xã An Sinh là “dân hộ nhi” được miễn các loại thuế phu dịch để phụng sự lăng mộ và “thờ phụng năm vị hoàng đế triều Trần tại điện An Sinh (nay là đền An Sinh) Sách Trần chiều thánh tổ các xứ địa đồ , một cuốn sách do Tiên chỉ xã Đốc Trại là Dương Văn Minh sao lại ngày 19 tháng 10 năm Bảo Đại thứ 17 (1944) có vẽ lược đồ giới hạn chùa Ngọa Vân cho biết chùa này thuộc xã Đốc Trại tổng Mễ Sơn huyễn Đông Triều, phủ Kinh Môn.
Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924) nhân dịp lễ mừng vua Khải Định 40 tuổi, vua đã cấp sắc phong thần cho 8 vị hoàng đế nhà Trần được làm thành hoàng của xã Đốc Trại trong đó có 7 vị có bài vị thờ ở đình Đốc Trại, riêng vua Trần Nhân Tông mặc dù cũng được phong thành hoàng nhưng không có bài vị đặt ở đình vì vua Trần Nhân Tông đã được thờ ở chùa Ngọa Vân cũng thuộc bản xã (tức Thu*c xã Đốc Trại). Theo thần tích xã An Sinh và thần tích xã Đốc Trại thì, lăng tẩm các vua Trần và chùa chùa Ngọa Vân vốn trước thuộc đất xã An Sinh, sau thuộc về xã Đốc Trại. Như vậy, đến thời Nguyễn xã An Sinh thuộc tổng Mễ Sơn, huyện Đông Triều, xã Đốc Trại được thành lập trên phần đất lăng tẩm của các vua Trần vốn là một phần của xã An Sinh, khi thành lập xã Đốc Trại thì chùa Ngọa Vân nằm thuộc về địa giới của xã Đốc Trại[3] .
Khảo các tài liệu địa lý khác như: sách Các trấn tổng xã danh bị lãm; Đồng Khánh dư địa chí, Đông Triều huyện chí, Danh mục các làng xã Bắc Kỳ của Ngô Vi Liễn chúng ta thấy, từ đầu thế kỷ 19 khu vực Thượng Yên Công và Nam Mẫu tức là khu di tích và danh thắng Yên Tử ngày nay vẫn thuộc địa giới huyện Đông Triều nhưng thuộc tổng Bí Giang; An Sinh, Đốc Trại thuộc tổng Mễ Sơn. Với cứ liệu này ta có thể xác định địa giới hành chính của An Sinh và sự biến đổi của nó một cách tương đối chính xác. Nếu dưới thời Trần, đất An Sinh bao gồm cả khu di tích danh thắng Yên Tử thì ít nhất đến thời Lê xã An Sinh chỉ còn tương đương với địa giới các xã Bình Khê, An Sinh, Tân Việt, Việt Dân, một phần của xã Tràng An huyện Đông Triều ngày nay. Dưới thời Lê, Ngọa Vân nằm trong địa giới xã An Sinh, điều ấy có nghĩa là Ngọa Vân không nằm trong khu Nam Mẫu tức khu vực Yên Tử ngày nay. Do vậy, giả thuyết cho rằng Ngọa Vân nằm trong khu di tích danh thắng Yên Tử có thể được loại trừ.
Như đã trình bày ở trên, xã Đốc Trại được thành lập trên cơ sở tách ra từ xã An Sinh. Sau khi thành lập xã Đốc Trại thì Ngọa Vân thuộc địa phận của xã Đốc Trại. Xã Đốc Trại thời Nguyễn nay là làng Trại Lốc xã An Sinh và một phần thôn Tây Sơn xã Bình Khê của huyện Đông Triều. Bằng các tài liệu lịch sử địa lý chúng ta đã xác định được vị trí của Ngọa Vân thuộc địa giới của xã Đốc Trại thời Nguyễn, nay thuộc địa phận hai thôn Trại Lốc xã An Sinh và Tây Sơn xã Bình Khê.
Như vậy, có thể khẳng định, am Ngọa Vân dưới thời Trần thuộc phạm vi ấp thang mộc của An Sinh vương Trần Liễu, từ thời Lê đến đầu thời Nguyễn thuộc xã An Sinh huyện Đông Triều phủ Kinh Môn, khi xã đốc Trại được thành lập (khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20) thì Ngọa Vân thuộc địa phận xã Đốc Trại tổng Mễ Sơn, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, nay thuộc địa bàn hai xã An Sinh và Bình Khê huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Ngày nay, trên núi Vây Rồng thuộc thôn Tây Sơn còn lại dấu vết am, tháp chùa được gọi là chùa Ngọa Vân, đó có phải là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành và hóa Phật?
Các cuộc điều tra được tiến hành ở nhiều địa điểm từ khu vực Yên Tử, các di tích chùa tháp khu vực xã Tràng Lương, khu vực chùa Hồ Thiên và khu vực chùa Ngọa Vân đã cung cấp các bằng chứng quan trọng làm sáng tỏ vấn đề này, trong đó các tư liệu thu được tại chùa – am Ngọa Vân thuộc thôn Tây Sơn xã Bình Khê là đáng chú ý nhất. Tại đây đã tìm thấy hệ thống di tích, di vật có niên đại từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 20. Trong đó tiêu biểu có thể kể đến:
- Dấu tích am Ngọa Vân: Am Ngọa Vân được xây là kiến trúc được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XX. Kiến trúc có mặt bằng hình chữ nhật, tường gạch, mái uốn vòm, hồi phía Nam mở 1 cửa, trên đề ba chữ Hán Ngọa Vân Am (卧 雲 庵, tức là Am Ngọa Vân).
Các sách: Đại
Qua các tài liệu kể trên có thể thấy, am Ngọa Vân là kiến trúc được xây lại sau khi kiến trúc trước đó đã bị sập đổ, trong am có thờ tượng Phật Hoàng nhập Niết bàn, bức tượng đó nay không còn, người ta đã làm pho tượng mới để thay thế pho tượng cũ đã mất.
- Tháp Phật Hoàng: Cũng tại đây, ngoài dấu tích am Ngọa Vân hiện còn lại hai tòa tháp bằng đá, tháp thứ nhất là Phật Hoàng tháp và tháp thứ hai là Đoan Nghiêm tháp. Phật Hoàng tháp có mặt bằng hình vuông, một bệ, hai tầng, tầng 1 giống như một khám thờ, mở 1 cửa ở phía Nam, trong lòng đặt bài vị bằng đá xanh, bài vị ghi “Nam mô đệ nhất tổ Trúc Lâm đầu đà Tĩnh tuệ giác hoàng Trần triều đệ tam Nhân Tông Hoàng đế Điều ngự vương Phật - Nam mô a di đà Phật. Bài vị thờ Điều ngự vương Phật Đầu đà Tĩnh tuệ giác hoàng, tổ thứ nhất phái Trúc Lâm, vua thứ 3 triều Trần Hoàng đế Nhân Tông” Ngoài ra, trước mặt tháp còn có tấm bia đá dựng năm Minh Mệnh thứ 21, trên bia ghi “Minh Mạng nhị thập nhất niên, cửu nguyệt, sơ lục nhật phụng, Trần triều Nhân Tông hoàng đế lăng sắc tạo”. Nghĩa là: ngày mồng 6 tháng 9 năm Minh Mệnh thứ 21 (1840), phụng sắc tạo (bia) lăng hoàng đế Trần Nhân Tông ”. Năm 1840, vua Minh Mệnh đã có một sắc chỉ yêu cầu các địa phương có lăng tẩm của các triều trước phải dựng bia để ghi nhớ vị trí, đồng thời cấp đất và giao cho dân làng trông coi và thờ phụng lăng tẩm. Lăng tẩm các vua nhà Trần ở An Sinh đều được dựng bia giống như ở Phật Hoàng tháp.
Sách Toàn thư và Tam tổ cho biết, sau khi Phật Hoàng Trần Nhân Tông hóa Phật, các đệ tử của ông cho hỏa thiêu ngay tại am Ngọa Vân, một phần xá lỵ được giữ tại Ngọa Vân, số xá lỵ còn lại và ngọc cốt rước xuống thuyền vua đưa về kinh đô Thăng Long, sau đó ngọc cốt đưa về an trí tại lăng Quy Đức (còn gọi là Đức lăng) phủ Long Hưng, nay là thôn Tam Đường, xã Tiến Đức huyện Hưng Hà, Thái Bình.
Tại Ngọa Vân, Pháp Loa cho xây bảo tháp Phật Hoàng (Phật Hoàng tháp) lưu giữ một phần xá lỵ của Ngài. Tuy nhiên, tháp Phật Hoàng hiện còn là công trình được xây dựng vào đầu thế kỷ 18. Theo văn bia Trùng tu Ngọa Vân tự bi ký dựng năm Vĩnh Thịnh thứ 3 đời vua Lê Dụ Tông (1707) cho biết, nhờ sự phát tâm công đức của tín chủ Diệu Tín, một người dạy hát ở cung Thị Nội và bà Dương Thị
Trinh, đệ nhất cung tần của cung Thị Nội nhà sư trụ trì chùa Ngọa Vân là Thiền sư Đức Hưng, hiệu là Viên Minh đã cho trùng tu chùa Ngọa Vân. Bài vị đặt trong tháp Đoan Nghiên cho biết tháp Đoan Nghiêm chính là tháp mộ của Thiền sư Đức Hưng, so sánh về cấu trúc, hình dáng, đặc biệt là bài vị đặt trong hai tòa tháp cho thấy Đoan Nghiêm Tháp và Phật Hoàng tháp được xây dựng cùng thời với nhau. Từ đó có thể suy đoán rằng, có lẽ đến đầu thế kỷ XVIII tháp Phật Hoàng do đệ nhị tổ Pháp Loa xây dựng đã bị đổ nát nên Thiền sư Đức Hưng đã cho xây dựng lại Phật Hoàng tháp như chúng ta hiện thấy . Hiện nay chúng ta chưa tìm thấy dấu vết tháp Phật Hoàng do Pháp Loa xây dựng, hi vọng các nghiên cứu khảo cổ học tại đây sẽ tìm thấy dấu vết của Phật Hoàng tháp được xây dựng dưới thời Trần.
Bên cạnh các di tích, tại đây cũng còn lại nhiều loại hình di vật có niên đại từ thời Trần cho đến thời Nguyễn. Đáng lưu ý, tại một số vị trí như chùa Ngọa Vân, am Ngọa Vân, Đô Kiệu còn tìm thấy những viên ngói mũi sen thời Lê Trung hưng có in nổi hai chữ Vân Phong (
Một di vật đặc biệt quan trọng khác ở chùa – am Ngọa Vân là tấm bia Trùng tu Ngọa Vân tự bi ký (bia ghi chép về việc trùng tu chùa Ngoạ Vân). Bia hiện được dựng ở phía trước am Sơn thần. Bia làm bằng đá xanh gồm 2 phần đế và thân, đế bia hình chữ nhật, cao 20cm, dài 129cm, rộng 52cm; thân bia rộng 91cm, cao 125cm, diềm thân trang trí văn mây, trán bia hình bán nguyệt trang trí mặt nguyệt ở gữa, hai bên văn mây có hình rồng. Bia được dựng vào năm Vĩnh Thịnh thứ 3 (1707). Hai mặt trước, sau khắc các bài minh:
- Mặt trước (mặt chính) Trùng tu Ngọa Vân tự (重修卧雲寺碑記), nội dung bài văn ở mặt này có thể vắn tắt như sau: chùa Ngọa Vân trên núi Bảo Đài là nơi mà cách đây hơn 400 năm vua Trần Nhân Tông chọn nơi cảnh Phật cõi thiêng này để dựng am tu hành, trải qua thời gian bị quên lãng, nay nhà sư Trụ trì chùa Ngọa Vân là Thiền sư Đức Hưng, tự là Viên Minh với sự phát tâm công đức của tín chủ Diệu Tín, một người dạy hát ở cung Thị Nội và bà Dương Thị Trinh, đệ nhất cung tần của cung Thị Nội đã trùng tu và xây dựng “gác chuông và tăng phòng, tổng cộng là 25 gian, làm hai tòa bảo điện, dựng một tấm bia đá, làm thêm Kim Am, Hương Vân am, Giải Thoát am, tất thẩy đều kiên cố, thâm nghiêm”
-Mặt sau ghi chép việc những người phát tâm công đức với tựa đề Công Đức Bi ký (功德碑記). Ngoài ra, đáng lưu ý ở mặt này còn khắc thêm Sắc chỉ của chúa Trịnh ban hành ngày 24 tháng 10 năm Chính Hòa thứ 10 (1689) chỉ thị cho dân xã An Sinh trông nom, thờ phụng lăng tẩm các vua Trần, chùa Ngọa Vân, chùa Tư Phúc và được miễn trừ sưu sai, tạp dịch.
Qua nội dung ghi chép của Văn bia chúng ta không chỉ biết được việc trùng tu chùa Ngọa Vân vào đầu thế kỷ XVIII mà nó còn cho chúng ta biết chùa Ngọa Vân chính là nơi đức vua Trần Nhân Tông đã đến đây dựng am tu hành. Tính từ khi vua Trần Nhân Tông lên tu ở am Ngọa Vân (năm 1307) đến khi chùa được trùng tu (1707) đúng vừa tròn 400 năm. Hơn nữa, nội dung văn bia còn cho biết thêm chùa Ngọa Vân được xây dựng trên núi Bảo Đài.
Núi Bảo Đài không được nói đến trong hành trạng của Phật hoàng Trần Nhân Tông nhưng trong di sản thơ ca của Ngài có bài Đăng Bảo Đài Sơn tức là Lên núi Bảo Đài
“Lên núi Bảo Đài
Đất vắng đài thêm cổ,
Ngày qua xuân chưa nồng.
Gần xa mây núi ngất,
Nắng rợp ngõ hoa thông.
Muôn việc nước trôi nước,
Trăm năm lòng nhủ lòng.
Tựa lan, nâng sáo ngọc,
Đầy ngực ánh trăng trong.”[4]
Như vậy, qua bia Trùng tu Ngọa Vân tự bi và bài thơ Lên núi Bảo Đài chúng ta còn biết thêm Ngọa Vân (卧 雲 峯 - Ngọa Vân Phong) là một đỉnh núi trên núi Bảo Đài. Đồng thời có thể suy đoán rằng núi Bảo Đài chính là núi Vây Rồng như cách gọi hiện nay.
Với các nguồn tư liệu khác nhau, đặc biệt các tư liệu khảo cổ học nêu trên chúng ta có thể khẳng định am Ngọa Vân được xây dựng trên đỉnh Ngọa Vân núi Bảo Đài trên dãy Yên Tử, nay gọi là núi Vây Rồng nay thuộc địa bàn hai xã An Sinh và Bình Khê huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
Lâu nay nhiều người cho rằng Ngọa Vân chỉ là một am nhỏ nơi vua Trần Nhân Tông tu hành giai đoạn cuối đời, điều đó đúng nhưng chưa đủ. Bởi lẽ, có thể ban đầu, khi Trần Nhân Tông lên Ngọa Vân để tu hành thì ở đây chỉ có những am nhỏ, về sau nhiều công trình kiên cố có quy mô lớn được xây dựng, đặc biệt là sau khi Điều Ngự hóa Phật.
Phan Huy Chú trong sách Lịch triều hiến chương loại chí khi đánh giá về vua Trần Anh Tông ông đã viết “Vua khéo nối nghiệp trước, thương dân, lập chích, đời được yên vui, chính trị tốt đẹp, chế độ rực rỡ, đáng khen. Nhưng vua họp thầy tu ở núi Yên Tử, Các cuộc điều tra, nghiên cứu tại khu vực Ngọa Vân đã phát hiện được 15 điểm có các dấu vết nền móng kiến trúc chùa, am, tháp có niên đại từ thời Trần đến đầu thế kỷ 20, các di tích này tập trung thành 4 khu gồm Ngọa Vân, Thông Đàn – Đô Kiệu, Đá Chồng và Ba Bậc, trong đó Ngọa Vân được xây dựng trên núi Bảo Đài là trung tâm (xem bảng thống kê) .
Số điểm di tích chắc chắn sẽ không chỉ dừng ở con số 15 vì còn nhiều khu vực hiện chưa có điều kiện để khảo sát kỹ. Trong số 15 điểm điểm di tích có 10/15 điểm đã tìm thấy dấu tích của thời Trần; 14/15 điểm có dấu vết của thời Lê (chủ yếu là thời Lê Trung hưng) và 3/15 điểm có dấu vết của thời Nguyễn.
Thời Lê, đặc biệt là thời Lê Trung Hưng Ngọa Vân được mở rộng, trong Khu Đá Chồng hoàn toàn được mở rộng vào giai đoạn này. Đá Chồng là một khu lớn với một tổ hợp công trình chùa tháp lớn với hồ nước phía trước, vườn tháp, khu chính điện và khu tịnh thất ở phía sau. Bên cạnh các công trình kiến trúc thì tại đây cũng đã tìm thấy dấu vết của sân vườn cho thấy đây là một tổ hợp kiến trúc, cảnh quan rất lớn trong quần thể Ngọa Vân dưới thời Lê Trung Hưng.
Thời Nguyễn, mặc dù dấu vết của giai đoạn này không nhiều 03/15 điểm. Theo kết quả điều tra, phỏng vấn người dân thì dưới thời Nguyễn, hầu hết các kiến trúc chùa (chủ yếu kiến trúc khung gỗ) xây dựng dưới thời Lê Trung hững đã bị đổ nát hoàn toàn; Một số tháp đá ở khu Đá Chồng, Ba Bậc, Thông Đàn vẫn còn tồn tại đến khoảng thập niên 70 của thế kỷ 20 mới bị đổ sập do nạn đào phá tìm kiếm của. Như vậy, có thể nói đến Thời Nguyễn về cơ bản Ngọa Vân đã trở thành hoàn phế. Việc trùng tu chỉ diễn ra ở khu vực chùa, am trong khu Ngọa Vân tức là khu Trung tâm của Ngọa Vân mà thôi. Việc xây dựng cũng chỉ diễn ra trên quy mô nhỏ, thậm chí việc xây dựng cũng đã làm biến đổi chức năng của một số khu vực.
Trong hành trình tu hành khổ hạnh, đắc đạo, thuyết pháp, độ tăng giáo hóa chúng sinh rồi an nhiên hóa Phật của Trần Nhân Tông là một chuỗi các sự kiện mô phỏng hành trình tu luyện, thành phật của Đức Phật Thích-ca-mâu-ni, trong hành trình đó Yên Tử là nơi Phật Hoàng tu hành, thuyết pháp, độ tăng và Ngọa Vân chính là điểm kết thúc trọn vẹn quá trình tu hành, thành Phật của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm. Nói cách khác Ngọa Vân chính là Thánh địa của Thiền phái Trúc Lâm nói riêng, Phật giáo Việt
Với vai trò là Thánh địa Phật giáo, Ngọa Vân gắn liền với sự thăng trầm của lịch sử Phật giáo Việt
- Tiếp tục nghiên cứu và làm rõ hơn nữa vị trí và vai trò của quần thể di tích Ngọa Vân trong lịch sử phát triển của Thiền phái Trúc Lâm nói riêng cũng như lịch sử phát triển của Phật giáo Việt Nam nói chung.
- Tại sao Ngọa Vân mới là điểm kết thúc hành trình tu hành, thành Phật của Phật hoàng Trần Nhân Tông chứ không phải là Yên Tử? Việc lựa chọn Ngọa Vân là nơi kết thúc hành chình tu hành thành Phật của Phật hoàng có ý nghĩa như thế nào trong việc phát triển và mở rộng của Trúc Lâm đến Thanh Mai, Côn Sơn sau này? Cách ứng xử đó của Phật hoàng muốn nói với chúng ta điều gì? Hiểu rõ được vấn đề này, chắc hản sẽ cho chúng ta hiểu đầy đủ hơn về tư tưởng, nhân cách và tầm vóc của Ngài.
Hà Nội, Đầu Đông 2013
1. Cổ tích danh lam . Tư liệu Viện Hán Nôm.
2. Đông Triều huyện chí . (chữ Hán). Tư liệu Ban Quản lý các Di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh.
3. Đại Việt sử ký toàn thư (2006) . Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
4. Tam tổ thực lục (bản dịch của Thích Phước Sơn) (1995). Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam
5. Trần triều thánh tổ các xứ địa đồ (chữ Hán). Tư liệu Viện Thông tin Khoa học Xã hội.
6. Thần tích xã Đốc Trại, tổng Mễ Sơn, huyện Đông Triều . Hồ sơ số TT-TSFQ4018/IX, 18. Viện Thông tin KHXH.
7. Thần tích, thần sắc làng An Sinh, tổng Mễ Sơn, huyện Đông Triều . Hồ sơ số TT-TSFQ4018/IX, 18. Viện Thông tin KHXH.
8. Nguyễn Văn Anh (2008). Am Ngọa Vân qua các bằng chứng khảo cổ học. T/c Nghiên cứu Phật học, Số 5/2008. tr28-35.
9. Nguyễn Văn Anh (2011). Đền Thái, đình Đốc Trại và sự hình thành các Trại ở An Sinh. T/c Khảo cổ học, số 5/2011, tr.48-52.
10. Nguyễn Văn Anh (2013). Các nơi lưu giữ xá lỵ của Phật Hoàng Trần Nhân Tông. T/c Nghiên cứu Phật học số . tr12-13.
11. Nguyễn Văn Anh (2013). Am Ngọa Vân . Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
12. Phan Huy Chú (2006). Lịch triều hiến chương loại chí . Nxb Giáo Dục, Hà Nội.
13. Nguyễn Thanh Giản. Trần triều lăng tẩm đồ mạn ký . Chữ Hán, bản dịch của Hoàng Giáp. Tư liệu Viện Hán Nôm.
14. Hoàng Giáp (2003). Cụm bia lăng mộ các vua Trần tại đền An Sinh, Đông Triều, Quảng Ninh. In trong Thông báo Hán Nôm học năm 2002. Viện Hán Nôm, Hà Nội.
15. Tống Trung Tín, Bùi Minh Trí, Nguyễn Văn Anh (2008). Báo cáo kết quả điều tra, khảo sát di tích chùa Hồ Thiên – Ngọa Vân năm 2007-2008 . Tư liệu Viện Khảo cổ học.
[1] Xem thêm: Nguyễn Văn Anh Am Ngọa Vân qua bằng chứng khảo cổ học . T/c Nghiên cứu Phật học số 5/2008. tr28-35.
[2] Tại Hội thảo “Đông Triều với lịch sử nhà Trần” do Ban quản lý các di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh, UBND huyện Đông Triều tổ chức vào tháng 10/2008 tại Đông Triều. Chúng tôi đã trình bày về vấn đề này và nhận được sự chia sẻ của các đại biểu.
[3] Xem thêm Nguyễn Văn Anh. Đền Thái, đình Đốc Trại và sự hình thành các Trại ở An Sinh . T/c Khảo cổ học số 5/2011, tr48-52.
[4] Bản dịch của Ngô Tất Tố.