Lão Tử viết: “Đạo của bậc Thành nhân là làm mà không tranh”. Một trong ba nguyên lý tu dưỡng tối cao của Phật gia chính là NHẪN. Nhẫn nhịn không tranh biện mới là cảnh giới tu dưỡng cao nhất của đời người.
Ở một cơ quan nọ, có một sếp mới lên thay sếp cũ vào một ngày đẹp trời. Đám nịnh thần sum xuê nịnh hót để lấy lòng vị sếp mới sẵn sàng hắt hủi vị sếp cũ trong sự thờ ơ vô cảm. Họ sẵn sàng tỏ ra vui mừng khi thấy sếp mới "dở trò" với sếp cũ...Họ đắc thắng cho rằng mình là người "tức thời"...Trong khi, người ngay thẳng chung tình bỏ đi trong sự nhẫn nhịn hay biết trước căn cơ của sự trí trá cũng có ngày xảy đến với đám nịnh thần vô lại.
Rồi một ngày kia cũng đến! Khi vị sếp mới với bản tính thích nịnh hót nhưng cũng thích oai, thích giữ thể diện nên chợt nhận ra đám ninh thần ô hợp vô tích sự kia chỉ biết nói leo không làm nên trò trống gì cho đời...Ông ta chợt nhận ra câu nói của người xưa "Nhiệt tình cộng với ngu dốt thành đại phá hoại", những hạng người đó mới thực sự là kẻ thù của chính ông ta.
Những kẻ ninh thần bây giờ mới nhận ra mình đã mất tất cả. Mất tấm chân tình với vị sếp cũ, cả sự tin tưởng của sếp mới và nhận về sự coi khinh của người đời. Hóa ra mất chính mình mới là mất tất cả. Vì miếng cơm manh áo sự mưu vọng tầm thường của bản thân mà bất chấp mọi việc lừa thầy phản bạn:
Những kẻ như vậy dẫu họ có là thượng thư, công khanh, thượng đẳng cũng chẳng được xem trọng trong con mắt của người đời và sự gạn đục khơi trong của thời gian!
Vị sếp ưa nịnh rồi cũng nhận ra người trung thực thẳng thắn biết căn cơ trước sau chính là bạn mình, là người đồng hành thủy chung dù khó khăn thử thách và muôn điều nói ngang tai. Vì vậy ông đã quyết định trả lại tất cả sự giả dối cho đám nịnh thần bằng cách cho họ không tham chính vào những công việc quan trọng, chỉ cho họ tham gia những việc vốn an nhàn phù hợp với kẻ lười biếng.
Kể ra người ta cũng thấy sự phũ phàng của vị sếp mới! Cũng chỉ vì ông ta không thuộc bài học xưa cũ cổ nhân đã dạy mà gây ra bao sự đáng thương cho người khác: "Người khen ta chưa chắc đã là bạn ta. Kẻ chê ta chưa chắc đã là kẻ thù của ta".
Thật vậy, người nhẫn nhịn không tranh biện bởi họ còn đang phải…miệt mài làm việc. Kẻ tiểu nhân làm ít nên rảnh rỗi nói nhiều, về bản chất thực sự không phải có năng lực. Người trân quý thời gian hữu hạn, một khi qua đi không trở lại nên dốc lòng toàn tâm toàn trí vào công việc, không muốn phí tiếc cho việc tranh cãi đúng sai. Tâm tranh đấu hơn thua cao thấp họ đã buông bỏ từ lâu…
Kẻ không hiểu chuyện, quen nịnh thần thường khoa ngôn xảo ngữ nhưng thực ra mọi việc đều để người khác làm cả.Người hiểu chuyện không nhất định là kẻ học rộng. Người học rộng lại cũng không nhất định là người thông thái trí huệ. Bởi thứ quyết định trí tuệ của một người không phải ở tri thức tích lũy nhiều bao nhiêu mà là ở tâm thái cảnh giới tư tưởng cao bao nhiêu. Người cầu thị luôn tu dưỡng để đạt tới việc nói là một loại năng lực, còn im lặng là trí huệ.
Vậy há chẳng phải sống trên đời, không cần tranh cãi với kẻ không hiểu chuyện cũng là cách đỡ lãng phí thời gian vô tích sự hay sao?
Chủ đề liên quan:
Cấm biếu chào đời hình thức hy vọng sống kỳ diệu nhân dân quà tết quân đội quân đội nhân dân quân đội nhân dân việt nam song thai tặng tặng quà tặng quà tết Tết 2020 việt nam