Kinh tế xã hội hôm nay

Người say mê trong từng vai của cuộc sống

19 tuổi, cô gái trẻ Ðào Hồng Vân về làm việc tại Viện Dược liệu - Bộ Y tế, mang theo cả niềm đam mê những cây Thu*c Nam
19 tuổi, cô gái trẻ Ðào Hồng Vân về làm việc tại Viện Dược liệu - Bộ Y tế, mang theo cả niềm đam mê những cây Thu*c Nam, vốn quen thuộc với người Việt nhưng không phải ai cũng tỏ tường công dụng của chúng. Chẳng hạn như lá nhọ nồi đun lên trộn cùng tóc rối sao kỹ tán vụn chữa sốt xuất huyết, lá diếp cá giã nhuyễn lọc uống sống dùng cho bệnh nhân sởi...

Nhiệt huyết với nghề khiến cô gái trẻ ngày ấy đã miệt mài trong suốt 36 năm với vị trí của một kỹ thuật viên Phòng Hóa thực vật, Viện Dược liệu - một công việc khá thầm lặng trong hành trình tìm ra những hoạt chất để làm thành Thu*c chữa bệnh cho con người cũng như trong nhiều công trình nghiên cứu khoa học về dược từ cấp cơ sở đến cấp Bộ, cấp Nhà nước.

Công việc của một kỹ thuật viên chuyên ngành dược liệu là hàng trăm thử nghiệm kéo dài có khi đến vài năm cho một công trình nghiên cứu, trong phòng thí nghiệm hóa thực vật. Đó là những thử nghiệm đòi hỏi độ chính xác đến mức khắc nghiệt. Để tìm ra được giải pháp tối ưu trong việc chiết xuất và tinh chế những hoạt chất tinh khiết có tác dụng dược lý cao từ dược thảo, có thể làm thành Thu*c chữa bệnh, công việc thực nghiệm cần phải được tiến hành một cách cần mẫn, sáng tạo. Chẳng hạn như việc thăm dò dung môi trên sắc ký lớp mỏng hoặc sắc ký giấy. Người trực tiếp làm những thử nghiệm này đồng thời cũng phải tự quyết dùng loại dung môi nào, với số lượng là bao nhiêu. Đôi khi việc pha dung môi hóa chất sai tỷ lệ có 0,1% thì đã không ra được kết quả. Công việc này đòi hỏi sự tinh tế và cả bề dày kinh nghiệm của kỹ thuật viên. Suy cho cùng nghề nào cũng vậy, khi con người ta làm hết lòng với cái tâm thực sự của mình thì đều cảm nhận được niềm vui do công việc mang lại và đa phần đều cho kết quả tốt. Đêm ngủ, con người say nghề ấy vẫn mơ thấy các tinh thể (chiết xuất từ thảo dược). Đến cơ quan, việc đầu tiên là mở tủ lạnh để xem tinh thể đã kết tinh chưa.

Một kỷ niệm đẹp trong quá trình làm nghề của bà Hồng Vân là được GS. Nguyễn Văn Đàn, Thứ trưởng Bộ Y tế thời bấy giờ, trực tiếp giao cho quy trình chiết xuất diosgenin của Ấn Độ. Là thủ trưởng trực tiếp từ Viện Dược liệu, GS. Đàn đánh giá cao năng lực của bà. Được khích lệ, bà đã bỏ ra nhiều tâm sức, mày mò ra phương pháp thực nghiệm tối ưu, áp dụng chiết xuất từ thảo dược Việt. Để rồi đến năm 1991, bà được nhận bằng tác giả sáng chế “Phương pháp điều chế Diosgenin” từ cây râu hùm có tác dụng trong bào chế Thu*c chống viêm, thấp khớp, xơ gan cổ trướng trong nhóm nghiên cứu cùng với các giáo sư Phạm Kim Mãn, Nguyễn Văn Đàn, Vũ Kim Thu, Nguyễn Thượng Dong. Đến năm 2003, bà lại vinh dự nhận Giấy chứng nhận là đồng tác giả trong cụm công trình được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh: Nghiên cứu chiết xuất artemisinin từ cây thanh hao hoa vàng Việt Nam và chuyển hóa thành các dẫn chất có hoạt tính mạnh hơn để chữa bệnh sốt rét kháng Thu*c. Thu*c Việt trị bệnh cho người Việt, đó là ý nghĩa nhân văn cao cả nhất của những công trình khoa học như vậy.

Tôi hiểu rằng, bà Hồng Vân đã có niềm hạnh phúc của một người được làm nghề, được ghi nhận năng lực và trên hết là cảm nhận được ý nghĩa tốt đẹp của nghề nghiệp mà mình đã chung thủy hết cả quãng đường công tác. Bà cũng lưu giữ ký ức đẹp đẽ về những năm tháng công tác tại Viện Dược liệu - Bộ Y tế, nơi tập trung nhiều chuyên gia hóa thực vật giỏi nghề. Tình yêu nghề nơi bà được hun đúc một phần cũng bởi may mắn được truyền nghề, được làm việc cùng những con người giỏi giang, tâm huyết như các giáo sư Nguyễn Văn Đàn, Phạm Đình Sửu, Trịnh Gia Ân, Lê Tùng Châu, Phạm Kim Mãn, Nguyễn Gia Chấn... Sự chia sẻ của đồng nghiệp trong cái nghề luôn được hưởng chế độ độc hại này thật sự cần thiết. Đúc kết của giáo sư Đạt Xường, một chuyên gia hóa thực vật Việt kiều Pháp làm cùng bà trong 1 tháng tại Viện Dược liệu: Thực nghiệm đẻ ra lý thuyết - một nhận định công bằng và thấu đáo về công việc của những kỹ thuật viên thực nghiệm - khiến bà tâm đắc. Và không thể phủ nhận là nó cũng tiếp thêm niềm tin để bà mạnh mẽ bước tiếp trên con đường đã chọn, với tâm niệm: trung thực trong khoa học và thực nghiệm luôn đặt lên hàng đầu.

Dĩ nhiên trong cả khoảng thời gian dằng dặc ấy, bà cũng không tránh khỏi những lúc buồn nản bởi đã từng không nhận được sự tin tưởng về khả năng của bản thân, những chạnh lòng về chuyện bằng cấp... Nhưng bà lại tự động viên: Nếu ai cũng làm thầy thì ai làm thợ. Hơn nữa, bà hiểu mình sức khỏe không thật tốt, với căn bệnh tim bẩm sinh. Lại còn ngược xuôi với những vật lộn cho cuộc sống của những năm dài sống trong thời bao cấp. Từng ấy lý do đủ để bà gác lại ước mơ bằng cấp. Nhưng công việc với những va chạm trực tiếp mỗi ngày chính là trường học thực tế. Nghĩ thế để mà tiếp tục hoan hỉ với nghề, để rồi lại miệt mài tạo ra các dụng cụ phục vụ thí nghiệm, để có thêm can đảm mà tiếp xúc với dung môi, hóa chất độc hại, để say sưa với những thử nghiệm nối tiếp thử nghiệm và để rồi cuối cùng chính mình có thể nở nụ cười mãn nguyện khi đã hoàn thành nhiệm vụ được giao phó ở mức cao nhất.

Mùa xuân năm nay hẳn là rất đẹp với bà Đào Hồng Vân, khi bà vinh dự được nhận Giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông do Bộ Y tế trao tặng cho các cán bộ y tế đã có thành tích xuất sắc trong việc kế thừa và bảo tồn, phát triển y dược cổ truyền Việt Nam. Những đóng góp thiết thực và hiệu quả của bà trong nhiều công trình nghiên cứu về dược cấp nhà nước đã được các đồng nghiệp cũ nhớ tới, được Hội đồng xét giải ghi nhận. Đối với bà, đây thực sự là một niềm vui bất ngờ bởi theo tiền lệ, giải thưởng này vốn chỉ dành cho Chủ nhiệm đề tài.

Tôi hỏi: Những phẩm chất nào là cần thiết đối với một người làm công việc thực nghiệm như bà? Bà cho biết: Say mê, trung thực, tỉ mỉ, sáng tạo. Tôi thì muốn túm gọn những tính từ đó thành hai chữ: tận hiến. Tôi nghĩ rằng, bà đã thật sự tận hiến trong từng “vai” của cuộc sống. Trong công việc, điều đó đã đem lại cho bà sự trân trọng của lãnh đạo, đồng nghiệp. Với gia đình, điều đó khiến bà trở thành điểm tựa tin cậy cho chồng và các con. Bàn tay khéo léo, thành thạo trong phòng thí nghiệm cũng chính là bàn tay vun vén cho chồng cho con những bữa ăn tươm tất, ngon miệng, kể cả trong cảnh sống của thời bao cấp đầy nhọc nhằn. Đến nay, khi cuộc sống đã đủ đầy, bà chắc đạt ngưỡng người nội trợ thông thái, bởi liên tục cập nhật những thông tin về thực phẩm sạch, mới; về cách chế biến các món ngon hiện đại, an toàn. Ngôi nhà ấm cúng của bà lúc nào cũng thoang thoảng mùi thơm thanh ngọt của các loại trà thảo dược như giảo cổ lam, nhân trần, bồ bồ, do chính tay bà sao khô và pha chế. Người bạn đời của bà là kỹ sư Hà Đắc Biên, nguyên chuyên viên của Vụ Trang thiết bị y tế, Bộ Y tế, hiện là Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Thiết bị y tế Việt Nam, đã nói về vợ thật ấm áp: Bà ấy chính là máy điều hòa không khí của gia đình. Hai cô con gái của ông bà đều được học tập tại các trường đại học danh tiếng ở nước ngoài theo diện học bổng của nhà nước và hiện đều có những vị trí vững vàng trong xã hội, có gia đình êm ấm. Một phần lớn bởi họ đã được sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức tràn đầy tình yêu thương.

Bà Ðào Hồng Vân là kỹ thuật viên duy nhất trong số 69 cán bộ y tế (là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, dược sĩ, bác sĩ...) được vinh danh tại Lễ trao Giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông lần thứ 3, năm 2015 (xét tặng 2 năm 1 lần). Ðây là giải thưởng của Bộ Y tế dành tặng các cán bộ y tế đã có thành tích xuất sắc trong việc kế thừa và bảo tồn, phát triển y dược cổ truyền Việt Nam.

Bài, ảnh: Võ Hồng Thu

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-nguoi-say-me-trong-tung-vai-cua-cuoc-song-6075.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY