Tâm lý hôm nay

Khủng hoảng vì thiếu mục tiêu cuộc sống

Tôi năm nay 29 tuổi, từ nhỏ đến lớn luôn có một mục tiêu gì đó để phải làm và theo đuổi.
Hồi còn đi học, ở nhà với bố mẹ thì mục tiêu của tôi học tốt các môn, điểm thi phải đủ. Phải nói thật hồi đó điểm chác với tôi như một nỗi lo vô hình, ngày nào cũng suy nghĩ về nó. Bố mẹ tôi làm việc cả ngày suốt tuần, thành ra thời gian nói chuyện với con ít. Tôi lúc đó chỉ biết tự chịu đựng. Nhiều lúc tôi tự hỏi cảm giác thoải mái là gì.

Sau này học đại học, áp lực học tập nhiều hơn, tôi trở nên quá tập trung vào việc học và quên bẵng đi những mối quan hệ khác. Tôi đã dẹp chuyện yêu đương chỉ để có thời gian cho mục tiêu của mình.

Giờ đi làm, tôi gần như khủng hoảng với cuộc sống của chính mình, tôi vẫn làm việc nhưng không thấy có một mục tiêu nào, tôi hụt hẫng.Xin chuyên gia cho tôi lời khuyên để cân bằng công việc và cuộc sống để có thể hạnh phúc. (Tình)

Trong phát triển kinh tế - xã hội, người ta thường dùng khái niệm mục đích và mục tiêu. Mục đích là hướng đi dài trong cả chặng đường hay còn gọi là đích đến. Trên con đường đích đến, người ta chia nhỏ thành từng giai đoạn gọi là mục tiêu.

Đích đến cuối cùng chỉ đạt được khi những bước đi đạt được một đoạn đường. Nếu có mục đích mà thiếu mục tiêu cụ thể sẽ trở nên mơ hồ và chỉ là ý tưởng. Trái lại, nếu có mục tiêu mà không biết đi về đâu sẽ dẫn đến mất phương hướng và có thể trở nên hụt hẫng.

"Từ nhỏ đến lớn, bạn luôn có một mục tiêu gì đó để phải làm và theo đuổi", có nghĩa bạn là người có tâm lý cụ thể và quyết tâm thực hiện các bước đi rất cụ thể này. Nhưng do chỉ chú ý đến "điểm chác", bạn đã rơi vào trạng thái căng thẳng đến độ "nhiều lúc nghĩ cảm giác thoải mái là gì" tức là bạn đã để mất cảm giác thoải mái.

"Sau này, đi học đại học, áp lực học tập nhiều hơn, bạn trở nên quá tập trung vào đó và quên bẵng những quan hệ khác" cho thấy độ tập trung của bạn khá cao nhưng tất cả chỉ giới hạn trong học tập trong khi cuộc sống thì đa dạng.

Chính sự thiếu đa dạng trong cuộc sống đã khiến bạn "dẹp chuyện yêu đương với một cô gái chỉ để có thời gian cho mục tiêu của mình".

Thời gian dài tự trói buộc mình trong tâm trạng "lừa dối chính tâm lý mình" đã đẩy bạn vào sự khủng hoảng tình cảm mà bạn không biết. Người ta vẫn nói "vui để học, học phải vui" trong khi việc học trở nên áp lực với bạn. Áp lực dài như vậy đã làm cho bạn mất phương hướng, hụt hẫng vì có những điều không còn cơ hội thực hiện nữa và bạn thất vọng.

Cái thất vọng của người thua cuộc là dễ thấy và có thể chuyển thành động lực phấn đấu để khẳng định mình ở pha tiếp theo. Còn sự thất vọng do tâm trí mình tự tạo ra mà không có đối tượng thách đố thì tâm lý sẽ rơi vào khoảng trống rỗng đến sợ hãi. Trống rỗng tâm lý là một trạng thái ý thức mất điểm tựa, hay còn gọi là mất niềm tin.

Bạn vẫn đi làm việc nhưng không phải lo lắng quá nhiều cho công việc nên năng lượng thần kinh không được tiêu hao và trở thành tác nhân gây khủng hoảng. Các nhà tâm lý nghiên cứu thấy một người nếu làm việc cao độ, tối về sẽ ngủ sâu hơn so với khi làm việc chểnh mảng. Nhờ giấc ngủ sâu nên sức khỏe người đó phục hồi tốt hơn.

Bạn cần tập trung hết sức vào công việc để công việc tạo mục tiêu phấn đấu hàng ngày. Nếu không tập trung cao độ vào công việc thì năng lượng thần kinh dư thừa của bạn sẽ trở thành sự kích thích khoảng trống thần kinh tiêu cực đáng sợ. Hăng say làm việc, say mê nghe nhạc, say mê đọc sách, tập thể thao ... sẽ là phương thức giúp bạn ra khỏi sự hụt hẫng.

Chúc thành công.

Theo GS.TS Vũ Gia Hiền - VnExpress
Hội Khoa học Tâm lý & Giáo dục TPHCM

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-khung-hoang-vi-thieu-muc-tieu-cuoc-song-2322.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY