Khi bác sĩ Yersin lần đầu phát hiện ra cao nguyên Lang Bian vào năm 1893, ông nhìn thấy những đồi cỏ xanh mênh mông trong một vùng khí hậu mát mẻ. Bốn năm sau, Yersin đã khuyên Toàn quyền Paul Doumer chọn nơi này để đặt cơ sở nghỉ mát đầu tiên ở Đông Dương. Trong vòng hai thập niên đầu thế kỷ XX, một loạt địa điểm tương tự hình thành từ Bắc vào Nam.
Chẳng bao lâu, nghỉ mát trở thành một thuật ngữ thời thượng.
Thoạt đầu, các chốn nghỉ mát chỉ dành cho người Pháp và giới thượng lưu bản xứ. Sự xâm nhập của người Việt diễn ra mạnh mẽ khi việc xây dựng và mở rộng các thị trấn nghỉ mát tăng lên. Các điểm nghỉ mát thực sự đi vào thói quen đời sống khi chúng có mặt trong các sản phẩm truyền thông giải trí. Những cái tên Tam Đảo, Đồ Sơn, Long Hải, Vũng Tàu… đã được truyền tụng như thiên đường hạ giới. Những cụm từ “bãi tắm hoàng hậu” hay “biệt điện” vang lên đầy sức mê hoặc. Chúng cùng những thứ hương xa như rượu vang, xe hơi, đĩa hát, điệu nhảy… làm nên một cảm giác về cõi thần tiên đối lập với cuộc sống một nước thuộc địa chậm phát triển.
Vào những năm tháng ấy, nhà văn vũ bằng đã ghi nhận: “đã nói đến nghỉ mát bãi biển thì đồ sơn hiện ra trong trí óc chúng ta trước hết. tại sao? đó là bởi đồ sơn là bãi biển có trước nhất ở bắc kỳ, hay nói cách khác thì người bắc kỳ mình sở dĩ biết đi tắm biển như người âu mỹ, ấy cũng là vì đồ sơn vậy” (đồ sơn, trung bắc chủ nhật, 28.6.1942). là bãi tắm gần hà nội, hải phòng, hai đô thị lớn miền bắc, nên đồ sơn sớm có nhiều biệt thự của người pháp, và một trong số đó sau này đã trở thành “hành cung” nghỉ mát duy nhất của bảo đại, ông vua cuối cùng của triều nguyễn.
Thế nhưng khi lấy bối cảnh bãi tắm này cho truyện ngắn Sóng gió Đồ Sơn (1934), tác giả Khái Hưng không hề cho các nhân vật chính, chàng thi sĩ Văn Hải và hai cô Thu Cúc, Bạch Tuyết (những cái tên thật diễm lệ!), xuống biển tắm một lần nào. Chàng thì “vận Âu phục đầu chải lật bóng loáng, đương thung thăng bách bộ, mắt chăm chăm nhìn lên cửa sổ trên gác”, còn nàng “ngồi một mình trên mỏm đá, ngắm chiếc thuyền nhấp nhô mặt biển”.
Câu chuyện xoay quanh cuộc gặp gỡ giữa những chàng trai, cô gái thị thành vẩn vơ cùng những bài thơ và bức thư tình. Người đọc thời nay cảm giác các nhân vật chính tựa như sống trong một thế giới phi vật chất, có thay cảnh bãi biển bằng Hà Nội hay Sài Gòn cũng không ảnh hưởng đến câu chuyện. Câu chuyện quá “khô ráo” này có vẻ không phản ánh đầy đủ tính thời sự.
Văn hóa nghỉ mát cùng thời điểm câu chuyện đã có một bước tiến trong vốn sống người Việt. Trước khi người Việt sáng tác những bài hát tân nhạc, họ đặt lời Việt cho các bản nhạc Tây, gọi là “bài ta theo điệu Tây”, hát trong các vở kịch hay cải lương. Một bài hát như vậy có tên Sầm Sơn vào năm 1933, trong khi tên bài gốc là Những chàng thủy thủ (“Les gars de la marine”).
Lời ca sầm sơn dĩ nhiên phô bày lạc thú của việc tắm biển:
Sầm Sơn ấy chốn thiên thai
Sầm Sơn lắm thú vui chơi…
Sầm Sơn là một trong nhiều địa điểm nghỉ mát đã được người Pháp thiết lập, nơi có nước biển xanh trong gần Hà Nội nhất, được mệnh danh là bãi tắm đẹp nhất từ Bắc, Trung kỳ trở ra. Hai năm sau thiên truyện ở Đồ Sơn, Khái Hưng đi xa hơn khi dành hẳn cuốn tiểu thuyết Trống Mái (1936) viết về một chuyến nghỉ mát nhiều phiêu lưu của cô Hiền, một cô gái tân thời Hà Nội. Đầu truyện, tác giả cho nữ nhân vật chính chê “bãi biển Sầm Sơn thì vắng ngắt như bãi sa mạc, còn vui đùa sao được! Rõ em giận mẹ em quá! Nói cụ đi Đồ Sơn thì cụ không nghe! Có lẽ em sẽ theo chị huyện Đài lên nghỉ ở Chapa ít ngày. Chị ạ, Chapa thì chắc cũng buồn, nhưng đi cho biết thôi mà. Với lại em muốn chụp mấy bức ảnh vận Mèo, chị ạ...”. Như lời giới thiệu gia cảnh, Hiền là con gái một bà góa giàu có ở Hà Nội, có thời gian đi nghỉ mát nhiều ngày mà không bận tâm sinh kế. Sầm Sơn với cô chỉ là một lựa chọn, ngoài ra còn có Đồ Sơn hay Chapa (cách viết khác của Sapa).
Tuy nhiên, Sầm Sơn đối với cô Hiền trở nên thú vị hơn hẳn khi xuất hiện chàng ngư dân Vọi. Có lẽ lần đầu tiên, văn chương Việt tả vẻ đẹp thân thể nam giới một cách trực diện. “Vọi yên lặng cởi áo, xắn quần. Hiền kinh ngạc. Nàng thấy hiện ra một nhà lực sĩ cường tráng, mỹ lệ như một pho tượng cổ Hy Lạp. Nàng không lưu ý đến màu da rám nắng mà chỉ ngắm nghía những nét nhịp nhàng cân đối của một tấm thân thể hoàn toàn... Có lẽ sự xét đoán của Hiền cũng bị trí tưởng tượng làm sai đi vài phần. Nhưng một điều chắc chắn là Vọi đẹp, đẹp theo nhà hội họa, nhà điêu khắc, nhà thể thao...”.
Ngòi bút của Khái Hưng sau này sẽ còn tiếp tục chủ đề cái đẹp “mỹ thuật” theo quan niệm thẩm mỹ tân thời như trong tiểu thuyết Đẹp (1940). Trong một bài báo năm 1940, một nhà nho đã bày tỏ ý kiến “đi Sầm Sơn là vì ông cũng công nhận nghỉ mát ở bờ bể rất có ích cho sức khỏe. Nhưng trái lại ông công kích việc tắm giữa công chúng tại bãi bể và ông không ưa những lối phục sức gần như lõa lồ của những thanh niên và thiếu nữ ở bãi bể” (Những chuyện buồn cười ở bờ bể: Nhà nho tắm bể, Trung Bắc Tân văn, 23.6.1940). Đặt ý kiến này bên cạnh những trang viết mô tả khá táo bạo cùng những bức ảnh và tranh vẽ chụp phụ nữ mặc áo tắm, tạp chí này dường như đang làm việc ngược lại: cổ vũ cho việc phô bày thân thể.
Nữ nhân vật chính của Khái Hưng cũng được ông mô tả một cách gợi cảm: “Thật vậy, nhờ kiểu áo tắm tối tân ăn khít vào tấm thân luyện tập, Hiền nổi hẳn trong đám người ở bãi biển khiến ai gặp nàng cũng dừng bước tò mò nhìn”. Mới chỉ dăm năm trước, một xã hội còn coi sự kiện phụ nữ mặc áo dài tân thời do các họa sĩ Cát Tường hay Lê Phổ tạo ra là sự lạ, thì những bức ảnh chụp thiếu nữ mặc đồ bơi của Võ An Ninh ngự trị trên trang bìa đã cho thấy sự thay đổi diễn ra quá nhanh chóng. Trong các trang viết này, nơi nghỉ mát đem lại một ý niệm thẩm mỹ về cuộc sống phóng túng, nhiều vẻ cám dỗ song được thuyết phục bằng cái nhãn tân thời, văn minh.
So với chính tác giả, trống mái đã đi một bước thật xa khi dám lùa nhân vật xuống tắm biển, gợi nên những rung động nhục cảm khi mô tả thân thể, cho dù cô gái thị thành vẫn phải mượn cái áo của “hội họa, điêu khắc, thể thao” khoác lên để tránh sự phán xét của xã hội. ở đây, sự lúng túng với yếu tố nhục cảm vừa được khơi ra dẫn đến việc tác giả bối rối trong cách xử lý tình cảm của nữ nhân vật chính.
Như nhiều motip của văn học lãng mạn, Khái Hưng để cho Hiền ghi nhận sự tốt bụng và chất phác của Vọi, thậm chí cô chủ ý mời Vọi tham dự nếp sinh hoạt salon của mình để chứng minh cho bạn bè thấy vẻ đẹp bên trong tương xứng hình thể của Vọi. Tuy nhiên, tình cảm của cô chỉ nhất thời như một vụ nghỉ mát, cô bày tỏ tình cảm vừa hồn nhiên vừa bỡn cợt.
Trong khi đó, anh chàng Vọi đáng thương vốn chỉ quen với thế giới chất phác của làng chài bé nhỏ, giờ đây bị đánh thức những cảm xúc lãng mạn, chàng tương tư rồi chọn cái ch*t trong một kỳ ra khơi đánh cá khi biết tình cảm của mình chỉ là vô vọng. Hành động để lại những chữ cái đầu tên hai người vạch trên vách đá hòn Trống Mái của Vọi là một ý niệm lãng mạn. Cái ch*t bí ẩn của chàng cũng là một ý niệm lãng mạn. Biển cả, bãi tắm, kỳ nghỉ mát giờ đây đã đóng vai trò định mệnh trong câu chuyện hơn mức chỉ là phông nền tầm thường của Sóng gió Đồ Sơn.
Thiên tiểu thuyết Tự lực Văn đoàn này có thể được xem như một diễn giải về mâu thuẫn giai cấp, khác biệt giàu nghèo, song nó cũng gợi ra những suy tư khác. Qua hành vi áp đặt cách nghĩ và cái nhìn “thẩm mỹ” của cô gái thành thị, câu chuyện cho thấy bi kịch do sự lãng mạn hóa xâm thực bởi cuộc sống trung lưu đang lên trong xã hội Việt Nam. Người nhà quê khi ấy chỉ thấy việc nghỉ mát của các ông bà Hà Nội là vì có nhiều tiền, vì thuộc về thế giới văn minh. Người thành thị đi nghỉ mát lấy lý do phục hồi sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Trống Mái qua câu chuyện của cô Hiền và anh Vọi, lại vô tình bộc lộ một khao khát khác: ước vọng về một “Sầm Sơn ấy chốn thiên thai”, kín đáo đượm một màu sắc nhục cảm thông qua cái nhìn vào thân xác, mà ở đây là cái nhìn của một người nữ nhìn người đàn ông như một vật thể tính dục.
Sự khêu gợi của thân xác ở chốn công cộng là một chủ đề hấp dẫn trong văn chương, như đã được khai thác trong tiểu thuyết của Khái Hưng. Hòn Trống Mái mang sự tích chuyện tình của chàng ngư phủ và nàng tiên xuống trần gian, là một cái cớ trữ tình cho câu chuyện tình yêu hiện đại có lẽ đã diễn ra trong đời thực vô số lần.
Nhà thơ nguyễn bính khi ghen với “cô nhân tình bé của tôi ơi”, đã không thể bỏ qua nguy cơ nàng thơ phô bày thân thể, mà chốn nghỉ mát là nơi chàng cầm chắc phần đánh mất nàng về tay kẻ khác: “đừng tắm chiều nay, bể lắm người”. nguyễn bính trước sau vẫn chung thủy với lối diễn đạt chừng mực, khác với các nhà văn dùng các ngôn từ trần trụi, để nói thẳng bãi biển với đặc tính chốn “lắm thú vui chơi”.
Chốn nghỉ mát việt nam vào giữa thế kỷ xx rút cục đã có một sứ giả quảng bá cho chúng mà đến giờ vẫn còn phảng phất ánh hào quang, chính là bảo đại. có lẽ ông vua cuối cùng của triều nguyễn ngoài việc đi vào lịch sử với câu nói “thà làm dân một nước tự do còn hơn làm vua một nước nô lệ” còn kịp ghi dấu ấn về gu ăn chơi nhờ hệ thống các biệt điện và dinh thự tại các nơi nghỉ mát khắp đất nước. ngay cả trong thời gian tại vị ngắn ngủi vai trò quốc trưởng 1949-1954, bảo đại kịp có vài biệt điện ở đà lạt và buôn ma thuột, nơi được gọi là “hoàng triều cương thổ”. theo ghi chép để lại, công việc của ông chẳng có gì ngoài ngụy trang cho vai trò của người pháp, đi săn vùng cao nguyên và vui thú với những nhân tình.
Cụm từ “dinh Bảo Đại” hay “biệt thự Nam Phương hoàng hậu” đã trở thành một tiêu chuẩn, thậm chí tựa như món trang sức đáng giá cho các đô thị như Đồ Sơn, Nha Trang, Đà Lạt hay Vũng Tàu. Không hẳn vì sự xa hoa của những công trình so với mức sống khi ấy, cũng không hẳn vì ngôi “Đức Kim thượng” hay “Quốc trưởng” vốn chỉ là hư danh, mà có lẽ nhờ tiếng tăm ăn chơi và bộ sưu tập nhân tình của ông gắn với những địa điểm ấy.
Những mối tình này tỏ ra quá Tây so với hệ đạo đức thông thường, chúng thổi một tinh thần hưởng lạc không che đậy vào không gian của các bãi tắm hay các vùng cao nguyên mát mẻ. Chúng gợi một ảo giác cho đời sau về những xiêm áo, nhan sắc, nhà lầu xe hơi, một sự phù hoa nối dài từ những huyền thoại cổ xưa.
Những người đẹp chăn gối cùng bảo đại ở đồ sơn hay đà lạt là bằng chứng về những cõi lạc thú có thực, chúng tương phản quá mức với thực tại chiến tranh lan tràn khắp đất nước. xét cho cùng, họ cũng giống như những nhân vật trong huyền thoại trống mái, tạo thêm những lớp lang giá trị cho các bãi tắm hay dinh thự. nhưng sự khác thường của họ chính là ở chỗ, lạc thú họ nếm trải, những dục vọng họ từng có giờ đây làm nên giá trị. người ta giờ đây lại mộng tưởng có được khoái lạc vương giả cũng giống như những cô gái trong tiểu thuyết tự lực văn đoàn tìm cách lãng mạn hóa những cuộc phiêu lưu.
Cô hiền trong trống mái cho dù táo bạo vẫn không thể vượt qua ranh giới đạo đức và chênh lệch giai tầng. dẫu vậy, ngòi bút khái hưng vô tình khơi một ẩn ức về nhục cảm, điều mà phải mượn bối cảnh một bãi tắm trong một mùa hè mới gọi được ra. vào những năm tháng ấy, tất nhiên không mấy người có được sự tự do đi tìm lạc thú kiểu bảo đại cùng nhân tình, song đọc lại những gì đã viết, người ta có thể cảm nhận sự bối rối của một xã hội đứng trước thử thách những ý niệm dục vọng lên tiếng trong mình.