Ngắm ngẫm nghĩ hôm nay

Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Người Mỹ nghĩ gì? (Kỳ 4)

(MangYTe) Người Mỹ trải qua lịch sử của họ như thể lịch sử đã được vạch ra từ trước và tương lai chỉ là một cơ hội để cải tiến các thể chế đã được thiết lập vững chắc.

Sau đây chúng tôi xin giới thiệu bài Một quan niệm về Mỹ của nhà sử học Mỹ Oliver Zune viết cho nguyệt san Người đưa tin UNESCO (Le courrier de l’UNESCO) số tháng Tư năm 1990. Ông là giáo sư Đại học Virginia. Bài này phân tích sâu sắc những diễn biến lịch sử Mỹ và tác động đến sự hình thành tính cách dân tộc cùng nên văn hóa Mỹ trong từng giai đoạn; tác giả nhấn mạnh tính chất mâu thuẫn và thống nhất biện chứng của vấn đề. 

Một nhận xét thường được nêu lên là người Mỹ trải qua lịch sử của họ như thể lịch sử đã được vạch ra từ trước và tương lai chỉ là một cơ hội để cải tiến các thể chế đã được thiết lập vững chắc. Tư tưởng chủ đạo ăn sâu trong ý thức dân tộc là tư tưởng cho rằng những điều diễn ra ở Mỹ có tính chất đặc biệt. 

Cho đến tận ngày nay, các nhà sử học Mỹ vẫn tiếp tục xác định  những nhân tố khiến cho lịch sử của họ lại khác thường đến vậy. Họ tiếp tục cuộc tranh cãi không dứt về vai trò của sự nhất trí và xung đột, về những gì đoàn kết người Mỹ lại với nhau và những gì chia rẽ họ.

Các nhà sử học tiến bộ đầu thế kỷ XX đã bằng một cách nào đấy muốn “dân chủ hóa” lịch sử nước họ. Họ bác bỏ thái độ chấp nhận cổ truyền của người Mỹ đối với sự nhất trí và đề cao tính động lực của những xung đột nội bộ. Frederick Jackson Turner chẳng hạn, cho rằng tính cách người Mỹ sinh ra từ mối quan hệ căng thẳng giữa miền duyên hải và vùng biên thùy; trong khi Arthur M.Schiesinger cho rằng, đó là những căng thẳng giữa các giai tầng xã hội.

Nhưng thế hệ các sử gia sau Thế chiến II đã trở lại với vấn đề nhất trí. Các sử gia của những năm 1950 đã phát hiện Alexis de Tocqueville, tác giả cuốn Về dân chủ ở Mỹ (De la Démocratie en  Amérique) và tìm cách xác định các yếu tố đoàn kết người Mỹ. Đáp lại câu hỏi nổi tiếng của nhà kinh tế lịch sử Đức Wermer Sombart: “Tại sao lại không có chủ nghĩa xã hội ở Mỹ?”, Luis Hartz đã lưu ý đến tình trạng không có những trói buộc lâu đời của chế độ phong kiến, động lực yếu ớt của các giai cấp trong quốc gia mới và do vậy, sự linh hoạt của một chế độ xã hội có đặc điểm là vừa cởi mở vừa đoàn kết. 

Các sử gia trong 20 năm qua, không thỏa mãn với những khái quát đó mà họ coi là quá nặng về lý thuyết, đã muốn khảo sát càng nhiều tình hình cụ thể càng tốt. Với việc mở rộng môn học lịch sử, khái niệm tính cách dân tộc trong lúc này đã mất giá trị biện giải trong khi những lĩnh vực nghiên cứu mới như lịch sử gia đình và lao động hoặc lịch sử đô thị, cho phép không cần đến một mối quan hệ đoàn kết. Sự đối lập giữa nhất trí và xung đột giờ đây xem chừng quá ư đơn giản. Khuôn khổ quốc gia đã trở nên không thích hợp cho những việc hiểu những chủ đề lớn như nền kinh tế của chế độ nô lệ, những hình thái di dân hoặc sự phát triển của chủ nghĩa tư bản công nghiệp. Nhưng những ý tưởng then chốt không ch*t đi dễ dàng như vậy, mà quan niệm đó về tính cách dân tộc đó, sau khi sửa đổi, lại được phục hồi ở mức độ nhất định. Quan niệm đó đã ăn sâu vào lối sống Mỹ, nhưng nó từ đâu đến?

Mô hình cộng đồng

Những người định cư Thanh giáo đầu tiên đã để lại một dấu ấn không phai nhòa trong lịch sử Mỹ. Đất nước mới của họ sẽ phải là một tấm gương đối với Thế giới cũ, về một xã hội tốt đẹp hơn được Thượng đế ban cho số phận làm mẫu mực cho các nước khác. Đó là sứ mệnh của nhân dân Mỹ như đã được nói đến trong tuyên bố nổi tiếng năm 1630 của John Winsthrop, một trong những nhân vật hàng đầu trong số những người Thanh giáo sáng lập vùng đất New England: Người ta sẽ nói như thế này về những đồn điền sẽ được thiết lập sau đây: “Chúa hãy làm cho chúng giống hệt những đồn điền ở New England. Bởi vì chúng ta sẽ như một thành phố nằm trên một ngọn đồi, mọi con mắt sẽ hướng về chúng ta”.

Lý tưởng xây dựng cộng đồng Thanh giáo tự túc, bình đẳng, tập trung vào đời sống tôn giáo và được điều hành bằng quyết định tập thể, rất có thể đã không bao giờ được thực hiện, ngay cả trong thế hệ thứ nhất. Tuy nhiên, vai trò cộng đồng trong đời sống ở Mỹ ngay từ đầu đã được nêu bật và dùng làm tiêu chí cho những thế hệ tiếp theo.

Tại châu Mỹ thuộc địa, có hai thế giới tư tưởng và xã hội song song tồn tại, đôi khi hòa nhập với nhau, đó là thế giới của người Thanh giáo và thế giới của người Yan-kee, lớp người sinh ra từ sự thách thức công cuộc chinh phục một vùng đất mới. Ở miền New England (tại Đông Bắc Mỹ, hợp bởi những thuộc địa cũ của Anh lập ra từ thế kỷ XVII trên bờ Đại Tây Dương, nay gồm các bang Connecticut, Maine, Massachusetts, New Hampshire, Rhode Island và Vermont), làng mạc của người định cư theo chủ nghĩa bình đẳng tương phản hẳn với các thương cảng, nơi nguyên tắc đạo lý không ngừng bị xói mòn, với sự hình thành của các hàng rào xã hội. Cả trên vùng biên giới, làng mạc đặt dưới sự khống chế của một vài nhà kinh doanh như John Pynchon tại Springfield hay gia đình Willard ở châu thổ sông Merrimack, chú trọng đến việc mở rộng sở hữu đất đai và tìm đường tiếp cận dễ dàng thị trường, hơn là cung cách cư xử và việc tuân thủ luật lệ của tôn giáo.

Mạng Y Tế
Nguồn: Báo quốc tế (https://baoquocte.vn/nha-van-hoa-huu-ngoc-nguoi-my-nghi-gi-ky-4-119003.html)

Chủ đề liên quan:

Hữu Ngọc người mỹ nhà văn hóa

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY