Kinh tế xã hội hôm nay

Nhiếp ảnh gia Phạm Thành Long: “Giao thông Việt Nam là một sự “diệu kỳ” mà chúng ta thực sự sống trong đó”

Từng được công chúng biết tới với bộ ảnh Bộ tứ siêu đẳng, nhiếp ảnh gia Phạm Thành Long cùng các đồng sự đã tiếp tục cho ra đời bộ ảnh Giao thông ở xứ sở diệu kỳ khắc họa một câu chuyện giao thông đầy khác biệt tại Việt Nam.

Giao thông tại các quốc gia đang phát triển luôn đem đến cho các tay máy ảnh những góc nhìn, cảm quan độc đáo: Sự lộn xộn cố hữu, những khoảnh khắc ấn tượng có 1-0-2 hay sự mới mẻ thoát khỏi cảnh tượng quen thuộc. Mỗi khi khắc họa câu chuyện giao thông tại Việt Nam luôn lấy đó làm nền cho những thông điệp sâu xa và ý nghĩa đằng sau.

Khi thực hiện bộ ảnh "Giao thông ở xứ sở diệu kỳ" cho chiến dịch K0 Còi, Phạm Thành Long đã gửi gắm những suy nghĩ như vậy vào từng khung hình. Trò chuyện với anh, người ta thấy rõ hơn bức tranh giao thông Việt Nam qua góc nhìn của nghệ thuật thị giác.

Cùng về đề tài giao thông nhưng "Bộ tứ siêu đẳng" và "Giao thông ở xứ sở diệu kỳ" lại mang đến hai góc nhìn hoàn toàn khác biệt. Có phải điều đó đến từ chính những điểm nhìn/câu chuyện giao thông Việt Nam mà anh từng chứng kiến không?

Điểm nhìn của 2 bộ ảnh là điều khác biệt khi "Bộ tứ siêu đẳng" thể hiện câu chuyện từ trên cao nhìn xuống có vẻ xa lạ với mọi người. "Giao thông ở xứ sở diệu kỳ" lại đưa tới những góc quen thuộc, xuất phát từ các câu chuyện mà chúng ta thấy hàng ngày hơn. Đó là những câu chuyện mà ai cũng sẽ chứng kiến, trải qua khi lưu thông trên đường hàng ngày.

Khi đặt tên bộ ảnh "Giao thông ở xứ sở Diệu kỳ", thông điệp anh muốn truyền đạt là gì? Đặc biệt ý nghĩa của từ "diệu kỳ" ở đây?

Chúng tôi đã lấy ý tưởng "Diệu kỳ" từ cuốn sách "Alice in Wonderland" - Alice ở xứ sở diệu kỳ. Cái tên này do hoạ sĩ Phan Nguyễn (một thành viên của nhóm) đề xuất. Cái "Diệu kỳ" ở đây có chút châm biếm, hài hước, ngoài sức tưởng tượng. Nó giúp câu chuyện giao thông bớt căng thẳng hơn, đối chọi lại với những câu chuyện giao thông có phần căng thẳng, ngột ngạt, các tình huống nguy hiểm trên đường.

Dự án K0 Còi và bộ ảnh "Giao thông ở xứ sở diệu kỳ" kể những câu chuyện giao thông thật, các tình huống thực tế cũng với mục đích nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, cách thể hiện dí dỏm hơn, hài hước và có đôi phần châm biến thông qua cả ảnh chụp và hình vẽ sẽ giúp tiếp cận với đối tượng người trẻ dễ hơn.

Xem trọn bộ ảnh "Giao thông ở xứ sở diệu kỳ" tại đây.

Liệu có tồn tại một "văn hóa giao thông" tại Việt Nam?

Người ta thường hiểu nhầm từ "Văn hóa" so với "Văn minh" khi khái niệm văn hóa bao trùm cả cái tốt cả cái xấu, thể hiện những nét riêng của cộng đồng. Văn hóa giao thông ở Việt Nam có tồn tại chứ, như một bức tranh có nhiều mảng sáng tối. Văn hóa giao thông cũng phần nào phản ánh những thói xấu của người Việt: ích kỉ, cơ hội, cẩu thả và coi nhẹ pháp luật. Phải nhìn nhận thẳng thắn và thực tế vào những điều như vậy thì mới mong có thể thay đổi và khắc phục. Tuy nhiên, đâu đó cũng có những điểm sáng khi người ta tuân thủ luật giao thông nhiều hơn, điển hình là việc đội mũ bảo hiểm không còn là sợ bị phạt, mà đã trở thành một thói quen của người dân khi ra đường. Chúng tôi cũng hy vọng, bộ ảnh có thể hé mở nhiều điểm sáng của mọi người khi tham gia giao thông hơn. Đâu đó chúng ta thấy mình trong mỗi bức ảnh và tình huống thực tế ngày thường.

"Giao thông ở xứ sở diệu kỳ" đã vẽ nên một bức tranh giao thông với những tình huống/khoảnh khắc trên đường phố Việt Nam, vậy còn "Phố đông vắng mặt người" thì sao?

"Phố đông vắng mặt người" kể một câu chuyện khác trên đường phố Việt Nam: Những chiếc khẩu trang. Với tôi, khẩu trang là một vật bất ly thân với nhiều người Việt Nam từ hơn chục năm nay và đặc biệt trong thời gian vài năm trở lại khi vấn đề ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng. Giờ đây, chắc khó ai có thể đi xe máy ngoài đường mà thiếu chiếc khẩu trang được.

Xem trọn bộ ảnh "Phố đông vắng mặt người" tại đây.

Nhìn về bộ mặt giao thông Việt Nam của những năm tới, đâu là câu chuyện anh sẽ mong muốn được thực hiện, chụp và ghi lại?

Trong tương lai,chúng tôi sẽ triển khai một dự án mang tên "Những kẻ cướp đường" - câu chuyện về những người lái xe chuyên lấn làn, đi bộ ra lề đường hay người lái xe máy đi trên vỉa hè dành cho người đi bộ. Câu chuyện sử dụng đèn pha trong đô thị cũng là một dự án mà tôi mong muốn thực hiện được trong thời gian tới.

Anh đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của các dự án giao thông như K0 Còi?

Các dự án về giao thông tại Việt Nam tuy không mới nhưng mỗi đơn vị lại có một cách để truyền tải thông điệp theo cách riêng của mình. Chúng tôi đánh giá cao cách thức thực hiện và cách tiếp cận của K0 Còi cũng như Ford Việt Nam khi đem tới những câu chuyện giao thông nhưng không khô khan, cứng nhắc mà thú vị, hài hước nhưng cũng sâu cay và đủ tính giáo dục. Khi đối tượng tiếp cận là người trẻ, những điều K0 Còi và Ford Việt nam đã và đang làm sẽ tạo được tiếng lan truyền và dần dần thay đổi ý thức của người tham gia giao thông tốt hơn.

Xin cảm ơn anh vì những chia sẻ!

Theo Trí Thức Trẻ

Mạng Y Tế
Nguồn: Kenh14 (http://kenh14.vn/nhiep-anh-gia-pham-thanh-long-giao-thong-viet-nam-la-mot-su-dieu-ky-ma-chung-ta-thuc-su-song-trong-do-20200304170237747.chn)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY