Kinh tế xã hội hôm nay

Nhọc nhằn nơi đáy sông Thương

Như bao con sông khác, sông Thương chảy qua địa phận các huyện Yên Thế, Tân Yên, Yên Dũng (tỉnh Bắc Giang) cũng mang lại cho người dân ven nó nguồn thủy sản.

Như bao con sông khác, sông thương chảy qua địa phận các huyện yên thế, tân yên, yên dũng (tỉnh bắc giang) cũng mang lại cho người dân ven nó nguồn thủy sản. thế nhưng, cuộc sống mưu sinh của người dân sao lắm nỗi nhọc nhằn, và việc lặn xuống đáy sông mò trai, hến mới khó khăn làm sao. song người dân vẫn chấp nhận để mơ về cuộc sống tốt đẹp hơn.

Những “ông rái cá”

Vậy đáy sông Thương có gì lạ? Cái lạ, có phải là cuộc mưu sinh thô sơ suốt nhiều năm của người dân? Hay lạ là vì người dân có nghị lực phi thường, chịu khó chịu khổ để kiếm từng con trai, con hến từ thẳm sâu dưới đáy nước đen? Ông Lê Văn Khai, thôn Thuận Lý, xã Tiến Dũng (huyện Yên Dũng) là người có thân hình vạm vỡ, thâm niên hơn 30 năm trong nghề, chia sẻ: “Chúng tôi có đi thăm thú rồi. Dọc sông Thương này nhiều con trai, vầu, ba ba. Mùa nước nuôi dưỡng để mùa cạn chúng tôi đi tìm kiếm. Nhưng có thể nói, chúng tôi chỉ nghỉ những ngày mưa bão nước to, còn bình thường dù nắng nôi hay rét mướt, sông Thương đều cho bà con cái ăn”.

Năm nay ông Khai hơn 50 tuổi, cái tuổi đã bị cho là già khi lặn sông. Nhưng với kinh nghiệm nhiều năm, ông lại là người “sát” (dễ bắt được thủy sản dưới nước), nên đến giờ vẫn khiến cánh trẻ phải nể phục vì tài lặn. Từ nhỏ, ông Khai đã nổi tiếng về câu cá và đánh dậm. Ở tuổi trưởng thành, ông vẫn bám lấy sông Thương và được người dân gọi là “rái cá” vì chẳng những lặn giỏi, mà ông đã xác định ra sông là không bao giờ về tay không. Ông Khai kể rằng, trong vùng có những xóm người dân chuyên sống nhờ nghề lặn sông ở xã Tiến Dũng và Đức Giang. Nhiều xóm có tới hơn 60% số hộ dân bám sông. Nhiều “kình ngư” khiến ông nể ở mức độ lặn lâu, sâu và kiếm được nhiều thủy sản. Có thể kể đến ông Nguyễn Văn Tài, Chu Văn Đối, Đỗ Văn Yên... “Các ông ấy chài, lưới, lặn đều giỏi và tôi chưa thấy các ông ấy có ý định nghỉ ngơi”, ông Khai cho hay.

Nhìn vào những thứ đồ nghề của các ông, chúng tôi thấy sơ sài và đơn giản. Hỏi ra, thì chỉ là chiếc xe đạp cọc cạch, chiếc rổ cỡ lớn, một đoạn ống bương khô. Ông Đỗ Văn Yên, với hơn 30 năm trong nghề chia sẻ: “Mọi thứ đều đơn giản. Ngay như chúng tôi đây, đến bản thân còn phó mặc cho sông nước, chứ làm sao biết được mình sống có an toàn hay không. Cụ thể hơn, ống bương để thả nổi, khi ngoi lên chúng tôi bấu vào đấy để nghỉ lấy hơi. Còn chiếc rổ sẽ được đặt hòn gạch ở giữa, cho chìm xuống nước. Trai và trùng trục mò được, thả vào rổ luôn. Không trôi đi đâu được. Lặn ở đây là không dùng bảo hộ lao động, chẳng có bình sục khí. Người dân gọi là “lặn chay”. Ấy thế nhưng, ông Yên đưa tay lên khua một vòng trước mặt: “Người lặn lâu cũng được chừng một phút, và đã lặn xuống là phải mang lên một thứ gì đó. Với thời giá hiện nay, người dân chúng tôi cứ đi từ 9 giờ sáng tới 3 giờ chiều, tiền thu được khoảng 300 đến 500 nghìn đồng. Người ít cũng được 200 nghìn đồng”.

Khi mồ hôi đổ sông

Buổi sáng đầu thu, chúng tôi theo chân người dân xuống nước. Dòng nước rờn rợn lạnh. Khuôn mặt những người dân thâm quầng, đen nhẻm, đầu tóc xác xơ. Nhưng họ vẫn vui vẻ, hút Thu*c và lạc quan, như thể công việc nhọc nhằn sâu dưới đáy sông là một sự hiển nhiên. Anh Lê Văn Khôi, hơn chục năm lặn sông chỉnh lại dây cuốn buộc ở chiếc rổ lớn, nhặt một hòn đá đặt vào giữa rồi từ từ kéo ống bương thả nổi ra dòng nước. Lặn thử một cái nhé, anh Khôi bỗng biến mất, ít giây sau anh ngoi lên, thở phì ra một cái, nước từ miệng phun ra, trên tay là hai chú trai. “Thành quả đây này, sông không bao giờ hết nguồn sống như thế này”, anh Khôi giơ hai con trai lên nói. Nước dòng sông Thương chục năm nay không còn trong như trước, nhiều nhánh sông đã bị ô nhiễm, khi nước cạn đục lờ nhờ. Vậy mà, người dân vẫn bám sông với kiểu làm ăn thô sơ. Toàn thân, kể cả mắt, mũi, miệng cứ dầm cả trong dòng nước mà không có bất cứ đồ bảo hộ nào.

Tôi hỏi, nước bẩn, anh không thấy sợ sao? Anh Khôi lắc đầu: “Sợ thì làm sao làm được. Chúng tôi dầm mình trong nước, dù biết là bẩn, nhưng cuộc sống mà, tránh làm sao được. Không làm thì lấy gì mà ăn!”. Vậy chắc sẽ mắc bệnh? Ông Lê Văn Khai phụ họa: “Có chứ, cũng mắc một số bệnh ngoài da, hô hấp, đau mắt. Nhưng đi nhiều thành quen, ít người bệnh lắm. Chẳng biết sau này thế nào chứ hiện tại, sức lực của con người đã khiến bệnh tật phải tháo lui. Nhưng nói thật, không có sức khỏe thì lặn làm sao được”. Nói rồi, ông giơ hai bàn tay chai sần, nhăn nhúm vì bị nước ăn cho tôi xem: “Đây, mấy chục năm lặn sông, hai bàn tay tôi quờ vào đủ thứ. Nhiều mảnh sành, thủy tinh cứa vào, sẹo chằng chịt tôi còn chẳng sợ, huống chi nước bẩn!”.

Dường như đã quá quen với sông nước nên chuyện nóng, lạnh, gió, mưa đối với những người như ông Khai chẳng có nghĩa lý gì nữa. Ông chia sẻ thêm: “Cái nghề này nó bạc lắm, vất vả là vậy nhưng cuộc sống vẫn nghèo. Có trường hợp khi đang lặn mò trai thì bị chuột rút, do không ai biết nên ch*t đuối”.

Xa hơn chỗ ông Khai và anh Khôi khai thác một chút là nhóm anh Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Đức Tiến và Lê Huy Văn. Đức năm nay 35 tuổi, đến anh là đời thứ ba làm nghề lặn sông, và cũng là gia đình đông anh em, con cháu, có số người lặn sông nhiều nhất ở Yên Dũng. Qua trò chuyện, Đức chia sẻ địa phận làng Tiên La - xã Tiến Dũng là điểm gặp nhau của sông Thương và sông Lục Nam, nơi đây là vùng chiêm khê mùa thối, thất bát liên miên. Những năm gần đây, tình trạng mất mùa giảm dần, đời sống bà con nhân dân bớt khó khăn hơn trước, nhưng nghề lặn thì không thay đổi. Vì thế, từ ngày xưa, người dân chỉ biết trông chờ vào những sản vật do dòng sông Thương mang lại. Đứa trẻ đã biết đánh dậm, thanh niên và người già quăng chài, kéo vó, lặn sông. Thêm một điều lạ mà tôi được thấy, là người dân coi cái nghề vất vả như hiện nay là nghề truyền thống, theo kiểu cha truyền con nối. Đúng thôi, các bậc lão niên đã nói, họ bấu víu vào sông, coi những khúc sông là nhà, là nơi kiếm cái ăn cái mặc, thì làm sao không... “truyền thống”?!

Người dân làm nghề lặn ước muốn đời sống khấm khá hơn. Nhiều người đã tích cực cho con học hành để thoát nghèo, thậm chí đỡ phải làm nghề lặn nữa. Nhìn trên những khuôn mặt nhợt nhạt vì ngấm nước, nhưng nụ cười của họ vẫn tươi, tin rằng, họ sẽ đạt được những điều mong ước.

Bài, ảnh: Dương Khánh Thảo

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-nhoc-nhan-noi-day-song-thuong-19041.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY