Tâm sự hôm nay

Lao động “chui” ở nước ngoài: Nước mắt ngày về!

Những năm trở lại đây, tình trạng người dân nông thôn xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia...
Những năm trở lại đây, tình trạng người dân nông thôn xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia... lao động đang gây đau đầu cho không ít địa phương các tỉnh phía Bắc cho đến miền Trung và miền Tây. Mặc dù họ ra đi để tìm kiếm sự đổi thay tốt đẹp nhưng thực tế lại chẳng giống suy nghĩ. Nhiều người đã phải chịu tủi nhục, mất mát tiền bạc, tình cảm, thậm chí bặt vô âm tín, đánh đổi cả mạng sống...

Lao động chui, đưa người chui tràn lan

Khoảng 4-5 năm trở lại đây, nhiều người dân ở các tỉnh giáp ranh Trung Quốc như Điện Biên, Lai Châu, Quảng Ninh, Phú Thọ, Lạng Sơn, Hà Giang... đã tìm cách xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê. Tương tự là tình trạng diễn ra rải rác ở các tỉnh Bắc Giang, Thanh Hóa, Hà Tĩnh... Trong đó rất nhiều trường hợp bị công an Trung Quốc bắt giữ và trục xuất về nước vì nhập cảnh trái phép và lao động bất hợp pháp. Không chỉ vượt biên sang Trung Quốc, người dân còn tìm cách sang Thái Lan, Lào, Campuchia... khiến tình hình hết sức phức tạp.

Nguyên nhân chính là hiện nay, mức lương trả cho người lao động ở Trung Quốc, Thái Lan, Lào... cao hơn ở Việt Nam, trong khi đó nước ta và các quốc gia trên có biên giới dài, việc đi lại qua biên giới tương đối dễ dàng. Hầu hết lao động chui sang biên giới là lao động thời vụ, ít học, thiếu kỹ năng nên chủ yếu công việc chỉ mang tính thời vụ như chặt mía, hái cam, gặt lúa, bẻ ngô, thợ xây, đóng gạch... Mỗi lần đi như thế, tùy vào công việc cũng kiếm được đôi ba triệu đến chục triệu đồng. Đối với người dân nông thôn, miền núi, đó cũng là số tiền lớn, nhất là trong lúc chưa biết làm gì. Thêm vào đó nhiều người xuất cảnh trái phép chỉ đơn giản nghĩ rằng họ không mất nhiều tiền phí và được tự do, dễ dãi trong sử dụng lao động của chủ thuê bên kia biên giới.

Đáng lo ngại là hiện nay đã xuất hiện các tổ chức đưa lao động Việt Nam sang nước ngoài lao động bất hợp pháp. Mới đây, Công an tỉnh Hà Tĩnh bắt giữ 4 đối tượng cầm đầu có hành vi tổ chức đưa người trốn đi nước ngoài trái phép. Vào thời điểm kiểm tra, 4 đối tượng gồm Lê Văn Giang, Nguyễn Tiến Tùng, Nguyễn Xuân Bắc và Hoàng Trọng Lĩnh (đều trú tại Hà Tĩnh) đang chuẩn bị đưa 58 người sang Trung Quốc làm thuê. Để được sang Trung Quốc, mỗi người lao động phải đóng cho các đối tượng trên từ 6-8 triệu đồng.

Phòng An ninh điều tra phối hợp với Công an huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh cũng mới bắt giữ 2 đối tượng Nguyễn Văn Bình (SN 1983) và Phạm Trung Chiến (SN 1989) đều trú tại xã Cẩm Thạch, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) khi đang chuẩn bị đưa 19 người sang Trung Quốc. Chỉ trong thời gian ngắn, Bình và Chiến đã dụ dỗ, lôi kéo được 19 người đi sang Trung Quốc lao động chui. Tổng số tiền 2 đối tượng này thu về 103 triệu đồng công môi giới. Bình còn khai nhận trước đó đã đưa 16 người trốn sang Trung Quốc.

Cần những giải pháp căn cơ

Vấn đề đáng lo ngại, như nhiều người vượt biên lao động chui trở về cho biết, đó là hầu hết mọi người sang Trung Quốc phải làm việc trong môi trường vô cùng độc hại, như các xưởng sản xuất nhựa, lắp ghép đồ chơi, mà không được chủ trang bị cho bất cứ đồ bảo hộ nào. Mỗi ngày làm việc từ 14-16 tiếng, ăn ngủ tập trung tại một chỗ do chủ bố trí, sống chui lủi trong những căn lều xung quanh xưởng sản xuất, không được đi bất cứ nơi đâu, để tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng Trung Quốc. Cũng bởi làm việc trong các xưởng nhựa độc hại, ăn uống kham khổ, lại bị đánh đập nên nhiều người ngã bệnh, thậm chí bỏ mạng.

Thiếu tướng Nguyễn Cảnh Hiền, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) cho biết, ngay từ cuối năm 2014, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác nắm tình hình, sử dụng đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng để chặn đứng dòng người lao động tìm cách xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Tất cả các đồn biên phòng trên tuyến biên giới Việt - Trung duy trì nghiêm công tác tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới, cửa khẩu; phối hợp với các đơn vị công an bố trí lực lượng thường trực chốt chặn tại các đường mòn, lối mở trên biên giới và các trục đường vào khu vực biên giới để ngăn chặn tại chỗ và từ xa các hành vi xuất nhập cảnh trái phép.

Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp chữa phần “ngọn”, ông Vũ Hồng Minh - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang bộc bạch: “Việc lao động sang bên kia biên giới làm chui là vấn đề có tính chất quốc gia, cần xử lý triệt để. Để giải quyết vấn đề này, cần phải có sự phối hợp, liên kết của các sở, ngành và địa phương liên quan, đồng thời người dân cũng phải ý thức và có trách nhiệm đối với hành động của mình”.

Để hạn chế những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra với người lao động và những khó khăn của địa phương do lao động trẻ ồ ạt rời quê tìm việc làm, bên cạnh việc tuyên truyền hiểu biết pháp luật cho người lao động, chính quyền các địa phương cũng cần phát huy được hiệu quả của công tác đào tạo nghề, giúp người lao động nông thôn giải quyết những khó khăn về việc làm, thu nhập. Đây là những giải pháp căn cơ để xử lý tận gốc vấn đề.

Anh Dũng

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-lao-dong-chui-o-nuoc-ngoai-nuoc-mat-ngay-ve-14900.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY