Tâm sự hôm nay

Ký hợp đồng lao động với người giúp việc gia đình: Khó khả thi

Nghị định số 27/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình...
Nghị định số 27/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/5/2014, người sử dụng lao động và người giúp việc gia đình phải ký kết hợp đồng, thực hiện mọi nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật Lao động... Đây là lần đầu tiên chúng ta có những quy định cụ thể về lao động là người giúp việc gia đình. Tuy nhiên, trên thực tế, theo khảo sát của phóng viên báo SK&ĐS, nhiều người sử dụng lao động và cả người giúp việc đều cho rằng quy định này khó khả thi.

Nhiều ý kiến trái chiều

Thực tế cho đến thời điểm này, Nghị định 27 đã có hiệu lực nhưng vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn xung quanh vấn đề này. Trao đổi với chị Đỗ Vân Hoàng, khu nhà ở cao cấp 88 Láng Hạ, được biết: Gia đình chị thuê người giúp việc từ nhiều năm nay, tuy nhiên hai bên đều “hợp đồng miệng”, mà không giao kèo bất cứ giấy tờ gì. Hiện tại, chị trả cho người giúp việc 3,5 triệu đồng/tháng, ăn, ngủ tại nhà, những ngày lễ, Tết về quê nghỉ đều có quà biếu, tiền thưởng và tiền đi lại. Khi được hỏi về việc có biết quy định phải ký hợp đồng giữa chủ nhà và người giúp việc đã có hiệu lực, chị Hoàng thẳng thắn đưa ý kiến: “Tôi có nghe nói đến quy định phải ký hợp đồng với người giúp việc nhưng cũng chưa hiểu phải làm hợp đồng như thế nào? Biểu mẫu hợp đồng ký kết ra sao? Ai là người xác nhận?”. Bà Lưu Thị Sinh, quê Ứng Hòa, Hà Nội là người có thâm niên làm nghề giúp việc gia đình nhiều năm cho biết, bà và các gia đình thỏa thuận miệng, thấy lương hợp lý, điều kiện làm việc phù hợp là nhận lời chứ không làm hợp đồng. Bà Sinh chia sẻ thêm, bà không biết chữ nên nếu phải làm hợp đồng thì không biết xoay xở thế nào?

Cần có hướng dẫn cụ thể

Nghị định 27 được đánh giá là bước tiến trong chính sách bảo vệ quyền lợi của người lao động và đưa giúp việc gia đình trở thành một nghề chính thức trong xã hội. Đây là cơ sở để bảo vệ người lao động trước pháp luật nếu tranh chấp xảy ra cũng như tạo điều kiện cho người giúp việc gia đình được đóng BHXH và BHYT như các nghề khác. Tuy nhiên, ngay chính “người trong cuộc” như ông Lê Khắc Tiệp, Cục Việc làm, Bộ LĐTB&XH, việc thi hành những quy định của nghị định này sẽ vấp phải nhiều khó khăn. Từ trước đến nay, hoạt động giúp việc gia đình chưa có đơn vị nào quản lý, tất cả đều mang tính tự phát, do nhu cầu của các gia đình và thỏa thuận của các bên. Vì vậy, những quy định này là hoàn toàn mới mẻ, cần phải có hướng dẫn cụ thể.

Cũng theo nghị định, UBND xã, phường, thị trấn là đầu mối kết nối trách nhiệm từ việc quản lý các gia đình sử dụng người giúp việc đến giải quyết tranh chấp, báo cáo tình hình... Theo ông Đỗ Thanh Tùng - Chủ tịch UBND phường Mai Động, Hoàng Mai, Hà Nội, việc này cần có thời gian và người có chuyên môn phụ trách. Khi xảy ra tranh chấp lại cần cả một hội đồng thẩm định, giải quyết, trong khi ở xã, phường chỉ có một cán bộ làm công tác LĐTB&XH với hàng trăm công việc nên càng gây khó với UBND xã, phường. Nên chăng giao cho công an phường mà đầu mối là cảnh sát khu vực quản lý?

Hiện vẫn còn rất nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này. Để nghị định thực sự đi vào cuộc sống thì cần có các thông tư hướng dẫn chi tiết, cụ thể để người dân và các cơ quan quản lý thuận tiện trong việc thực hiện. Đặc biệt, cần có hướng dẫn cụ thể về cách thức xử lý trong trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm luật để nghị định được triển khai hiệu quả trong thực tiễn. Tuy nhiên, đến nay chưa có văn bản hướng dẫn nào để thực thi các quy định của nghị định này.

Theo Nghị định 27/2014/NÐ-CP, nội dung hợp đồng ghi rõ thỏa thuận về tiền lương, điều kiện ăn ở của người giúp việc…; tiền lương bao gồm chi phí ăn ở của người giúp việc gia đình do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng; được trả thêm tiền lương nếu làm ngoài thời gian trong hợp đồng hay ngày lễ, tết; được chi trả thêm một khoản tiền tương đương với mức đóng BHXH, BHYT để tự mua bảo hiểm...; thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi được quy định được nghỉ ít nhất 8 tiếng/ngày, trong đó có 6 giờ nghỉ liên tục; số ngày nghỉ bình quân ít nhất 4 ngày/tháng. Ngoài ra, người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm là 12 ngày làm việc và được hưởng nguyên lương...

Trần Lâm

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-ky-hop-dong-lao-dong-voi-nguoi-giup-viec-gia-dinh-kho-kha-thi-5640.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY