Tâm sự hôm nay

Bất hợp lý về giá trị sức lao động

Có thể nói giá trị sức lao động ở nước ta thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới. Giá trị sức lao động thấp theo lý giải của nhiều chuyên gia kinh tế đến từ các cơ quan chức năng là do nền kinh tế nước ta còn nghèo, mức tăng trưởng GDP chỉ đạt mức trung bình...
Có thể nói giá trị sức lao động ở nước ta thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới. Giá trị sức lao động thấp theo lý giải của nhiều chuyên gia kinh tế đến từ các cơ quan chức năng là do nền kinh tế nước ta còn nghèo, mức tăng trưởng GDP chỉ đạt mức trung bình, lại đi sau các nước khác trên thế giới, do đó, giá trị sức lao động ở nước ta thấp là hợp lý.

Vậy giá trị sức lao động của nước ta thực tế có thấp hay không? Nếu so sánh mức sống tối thiểu (theo lương tối thiểu) do Nhà nước đưa ra và được áp dụng từ tháng 7/2013 thì có thể khẳng định là thấp với 1.150.000đ; tiêu chuẩn hộ nghèo là trên 400.000đ/người/hộ ở khu vực nông thôn, đô thị là 500.000đ. Vậy thực tế là liệu với mức 500.000đ một người có thể sống được với mức tối thiểu ở thành thị hay không? Câu trả lời là không, không thể! Vậy tại sao Nhà nước lại phải đưa ra mức tiền lương tối thiểu này? Đây là câu trả lời cho vấn đề nêu ở trên- đó là do giá trị sức lao động ở nước ta còn thấp.

Theo chúng tôi những nhận định trên là chưa thuyết phục. Nếu chịu khó tìm hiểu, tham khảo, đối chiếu về năng suất lao động, giá trị sức mua ngang giá và sự phát triển kinh tế - xã hội tính theo giá trị tuyệt đối thì so với nhiều nước trên thế giới, nước ta có chỉ số phát triển khá cao. Trong đó chưa kể đến sự phát triển, tăng trưởng mọi mặt của nền kinh tế của nước ta thời gian gần đây tăng liên tục, tăng đều và tăng khá nhanh. Nhìn trên tổng thể cả nền kinh tế, đất nước ta khởi sắc từng ngày, từng giờ từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Vậy thành quả của sự tăng trưởng đó đi đâu, ở đâu? Câu trả lời thì chỉ có các cơ quan chức năng mới chính xác được.

Tuy nhiên, một người dân bình thường cũng lý giải được phần nào nguyên nhân của sự bất cập, vô lý trên. Đó chính là do chênh lệch về thu nhập, sự phân phối thu nhập chưa công bằng, hợp lý tạo ra khoảng cách giàu - nghèo giữa các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt là tình trạng tham nhũng, hối lộ, cố ý làm trái để trục lợi khá phổ biến, ngày càng nghiêm trọng làm gia tăng thêm tình trạng bất hợp lý trong thu nhập. Vụ việc lãnh đạo các doanh nghiệp công ích ở thành phố Hồ Chí Minh hưởng lương “khủng” là một ví dụ điển hình, khi mà lương giám đốc gấp đến 41 lần lương của công nhân.

Ở các nước, việc lương của giám đốc doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp cổ phần có thể gấp hàng trăm lần lương nhân viên là hoàn toàn dễ hiểu. Bởi vì, các doanh nghiệp này do một người hoặc một số người làm chủ và họ có quyền hưởng thành quả lao động của mình theo lợi nhuận thu được sau khi trừ đi các khoản chi phí, trong đó có lương của người lao động theo thỏa thuận, tương tự như ở nước ta. Trường hợp doanh nghiệp làm ăn thua lỗ thì họ sẽ mất tài sản, mất tiền, giảm lương. Tuy vậy, ở các nước khoảng cách chênh lệch thu nhập, chênh lệch mức lương giữa những người lao động ở ngành, nghề khác nhau là không quá lớn. Có nghĩa là nếu bạn làm việc ở bất cứ ngành, nghề nào dù là khu vực nhà nước hay khu vực tư nhân, kể cả hành nghề tự do... miễn sao có việc làm thì sẽ trang trải được cuộc sống tối thiểu theo đúng nghĩa.

Ngược lại, ở nước ta lại đang tồn tại sự bất hợp lý về mức thu nhập giữa những người lao động. Nghĩa là cùng nhân viên, cùng làm việc theo giờ hành chính, cùng có điều kiện lao động như nhau nhưng nếu được làm việc ở ngành, nghề có sự ưu tiên, ưu đãi như lực lượng vũ trang, doanh nghiệp nhà nước, lĩnh vực dầu khí, ngân hàng, bảo hiểm... thì mức lương, thu thập sẽ rất cao có thể gấp hàng chục lần mức lương tối thiểu chung. Ngược lại nếu bạn chỉ là người lao động làm tạp vụ, văn thư, bảo vệ... tại các cơ quan nhà nước dù có việc làm, có lương nhưng không thể sống được nếu người sử dụng lao động áp dụng mức lương tối thiểu theo quy định pháp luật (lương tối thiểu 1.150.000đ).

Thiết nghĩ, từ những bất hợp lý trên các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần có sự quan tâm điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu phù hợp. Bên cạnh đó, cần có sự tính toán, sắp xếp, phân phối lại mức tiền lương, thu nhập phù hợp với giá trị sức lao động của người lao động trong toàn bộ nền kinh tế. Điều này góp phần thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo đang ngày càng gia tăng, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất sự bất hợp lý trong phân phối thu nhập giữa những người lao động./.

Vĩnh Linh

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-bat-hop-ly-ve-gia-tri-suc-lao-dong-5900.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY