Danh sách các cách thức nghe lén ngày một nhiều dòng hơn: ta đã thấy thiết bị nghe trộm wiretap gắn vào ống nghe điện thoại, smartphone bị hack, thiết bị nghe lén gắn tại nơi nhiều người trọng yếu qua lại, thậm chí còn có cả công nghệ "viễn tưởng" như tia laser bắn vào kính tòa nhà để nghe được cuộc hội thoại bên trong.
Danh sách này vừa dài thêm một dòng nữa: Đó là cách một chiếc bóng đèn rung trong phòng cũng nói cho người bên ngoài biết nội dung cuộc trao đổi là gì.
Các nhà nghiên cứu tới từ Đại học Ben-Gurion Vùng Negev, Israel và từ Viện Khoa học Weizmann công bố một kỹ thuật nghe lén từ xa mới có tên "lamphone". Họ nói rằng cách thức mới sẽ cho phép bất kỳ ai có trong tay một chiếc laptop, số dụng cụ công nghệ với tổng giá trị chưa tới 1.000 USD - gồm một kính viễn vọng và một cảm biến điện quang giá 400 USD - là đã có thể nghe âm thanh trong một căn phòng từ khoảng cách 25 mét; họ có thể làm được điều đó nhờ quan sát những rung động cực nhỏ, xuất hiện bởi ảnh hưởng của âm thanh, trên bề mặt thủy tinh của bóng đèn.
Bằng việc đo đạc các biến đổi trong ánh sáng phát ra (gây nên bởi rung động do âm thanh trong phòng), các nhà nghiên cứu cho thấy một người quan sát có thể nhận định được nội dung cuộc trò chuyện, thậm chí định danh được một bản nhạc được phát..
Bóng đèn cũng có "tai".
"Chúng tôi có thể lấy được bất kỳ âm thanh nào trong phòng mà không cần hack cái gì hay đặt thiết bị bên trong. Bạn chỉ cần quan sát được bóng đèn treo trong phòng, vậy thôi", Ben Nassi nhận định. Nassi là nhà nghiên cứu bảo mật tại Đại học Ben-Gurion và là người phát triển kỹ thuật này cùng hai chuyên gia khác là Yaron Pirutin và Boriz Zadov; họ dự định công bố phát hiện của mình tại một hội nghị bảo mật diễn ra vào tháng Tám này.
Trong thử nghiệm, các nhà nghiên cứu đặt một loạt các kính viễn vọng cách bóng đèn mục tiêu khoảng 25 mét, và đặt trước thấu kính cảm biến quan điện Thorlabs PDA100A2.
Sau đó, họ sử dụng một máy chuyển đổi để biến tín hiệu điện từ cảm biến thành thông tin kỹ thuật số. Trong phòng kia, những đoạn ghi âm và một số đoạn nhạc được bật liên tục. Dàn kính viễn vọng ghi nhận các dữ liệu lấy từ rung động của bóng đèn treo trong phòng và truyền vào laptop để xử lý.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng những rung động trên bóng đèn tạo ra bởi âm thanh đủ lớn để cảm biến có thể thu nhận. Sau khi xử lý dữ liệu thông qua phần mềm lọc tạp âm, họ đã có thể tái tạo âm thanh phát ra với tính chính xác đáng kinh ngạc: "bản dịch" của đoạn ghi âm đủ rõ ràng để hệ thống nhận dạng giọng nói Cloud Speech của Google dịch ra được, và đoạn nhạc đủ rõ để ứng dụng phát hiện bài hát Shazam ngay lập tức nhận ra đây là bài Let It Be của The Beatles.
Kính viễn vọng và cảm biến quang điện có thể "nghe" được cuộc trò chuyện từ khoảng cách 25 mét.
Kỹ thuật này vẫn tồn tại những giới hạn nhất định. Trong thử nghiệm, các nhà nghiên cứu sử dụng một bóng đèn treo trên trần nhà, chưa rõ một bóng đèn được gắn cố định hay một đèn gắn trần có thể tạo ra đủ rung động cho cảm biến nhận dạng tín hiệu không.
Đoạn ghi âm và đoạn nhạc dùng trong thử nghiệm cũng có âm lượng lớn hơn một cuộc hội thoại thông thường, khi mà loa ngoài của thiết bị phát được bật ở mức tối đa.
Tuy nhiên, đội ngũ cũng nói rằng thiết bị cảm biến quang điện và máy chuyển tín hiệu là đồ rẻ tiền, thiết bị hiện đại hơn sẽ có thể nghe được những cuộc trò chuyện nhỏ hơn.
Giới hạn vẫn còn, nhưng nhà khoa học máy tính và chuyên gia mật mã Dan Boneh tới từ Đại học Stanford vẫn cho rằng kỹ thuật mới này cho thấy một lỗ hổng bảo mật chưa ai nghĩ tới, rất có thể sẽ tạo ra một cách thức lấy thông tin mật mới.
"Ngay cả khi cách thức nghe trộm này cần tới một bóng đèn treo lơ lửng và mức âm lượng cao, nó vẫn thú vị vô cùng. Và đây là lần đầu tiên có người chứng minh được cách thức này khả thi. Những phương thức tấn công lấy thông tin chỉ có thể tốt lên mà thôi, và theo thời gian các nghiên cứu tương lai sẽ cải thiện các cách thức ấy", chuyên gian Boneh nhận định.
Nhóm nghiên cứu làm nên đột phá không phải những người đầu tiên chứng minh việc có thể tận dụng những hiện tượng liên quan đến sóng âm để nghe lén. Nhiều năm trời, khoa học đã biết rằng tia laser bắn vào cửa kính có thể giúp người bên ngoài nghe được âm thanh bên trong phòng kín.
Năm 2014, một nhóm nghiên cứu khác sử dụng con quay hồi chuyển của một chiếc smartphone có thể được dùng như một mic thu âm thanh.
Kỹ thuật giống với lamphone nhất trước thời điểm Ben Nassi và cộng sự tìm ra phương pháp nghe lén này là "visual microphone - microphone hình ảnh" do các nhà nghiên cứu của MIT, Microsoft và Adobe tìm ra năm 2014.
Bằng việc phân tích đoạn video thu được thông qua một kính viễn vọng quan sát một vật thể có khả năng hấp thụ rung động được đặt trong phòng (ví dụ như một gói bim bim hay một chậu cây cảnh), các nhà nghiên cứu có thể tái dựng lại đoạn âm thanh phát ra trong phòng.
Tuy nhiên, anh Nassi chỉ ra rằng kỹ thuật dựa trên hình ảnh quay lại được, dù tiện lợi hơn khi không cần một bóng đèn treo trong phòng, vẫn không phải nghe lén thời gian thực giống như kỹ thuật lamphone. Vì vật thể rung động cũng là một nguồn sáng (bóng đèn treo trên trần), cảm biến quang điện có thể thu về những dữ liệu hình ảnh đơn giản hơn.
Thiết bị được sử dụng trong thử nghiệm của Nassi.
Nassi cho rằng điều này khiến lamphone có tính ứng dụng cao hơn những kỹ thuật trước đây, khi mà "người ta có thể sử dụng nó trong thời gian thực và phản hồi tình huống ngay trong thời gian thực".
Dù thế, Nassi nói rằng nghiên cứu của nhóm mình không phải để khuyến khích việc nghe lén hay áp đặt luật liên quan, mà để cho thấy khả năng của công nghệ và óc sáng tạo tới được đâu. Anh muốn cho mọi người thấy những lỗ hổng không ai ngờ tới, để rồi họ tự biết và bảo vệ mình.
Cách thức chống lại phương pháp nghe lén tiên tiến này cũng đơn giản lắm: đóng cửa sổ, kéo rèm hay tắt đèn đều hữu hiệu cả. Quả thật ta đang sống trong xã hội mà tai mắt ở khắp nơi, đến cái bóng đèn còn biết nghe ngóng thì cẩn thận không bao giờ thừa.
Tham khảo Wired
Chủ đề liên quan:
DINK đoạn ghi âm kính viễn vọng kỹ thuật số nghe trộm nhà nghiên cứu thiết bị nghe trộm viện khoa học