Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Những căn bệnh dễ gặp khi thời tiết ẩm ương

Những ngày qua, thời tiết ẩm ương khiến trẻ nhỏ bị các bệnh viêm mũi họng ngày càng tăng lên. Đặc biệt, nhiều trường hợp trẻ đang bị bệnh cúm mùa.
PGS Nguyễn Thị Hoài An khám cho bệnh nhân.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương số lượng bệnh nhi tới khám những ngày này tăng cao hơn. Thời tiết thất thường ngày nắng khô hanh, đêm lạnh buốt làm gia tăng các bệnh lý như mũi họng. Nhiều trẻ nhập viện với triệu chứng sốt cao, tiêu chảy, viêm đường hô hấp và đặc biệt nhiều trường hợp mắc cúm mùa.

Theo PGS-TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, tại Trung tâm Y học lâm sàng và các bệnh nhiệt đới trẻ em của bệnh viện đang điều trị cho hơn 30 trẻ mắc cúm mùa. Đa số các ca nhập viện đều biến chứng sang viêm phổi, có trường hợp chỉ vài tháng tuổi đã mắc cúm biến chứng.

Theo bác sĩ Trần Minh Điển các bệnh truyền nhiễm khác vẫn có xu hướng gia tăng. Ví dụ như bệnh sởi vẫn ghi nhận số ca mắc rải rác. Hiện nay có khoảng gần 10 trẻ bị sởi biến chứng và đều chưa tiêm chủng. Tương tự, bệnh ho gà có xu hướng tăng, gặp nhiều ở trẻ dưới 3 tháng tuổi do chưa tới tuổi tiêm chủng.

Tại Bệnh viện Đa khoa An Việt, nhiều bệnh nhi cũng tới khám vì các triệu chứng viêm đường hô hấp. Theo PGS Nguyễn Thị Hoài An – Giám đốc bệnh viện An Việt, thời điểm giao mùa thu đông, đông xuân, nhiệt độ xuống thấp, độ ẩm trong không khí cao, cộng thêm sức đề kháng của cơ thể bị suy giảm trong khi các vi sinh vật (ký sinh trùng, nấm mốc, vi rút…) có cơ hội phát triển mạnh mẽ.

Thời tiết lạnh, các vi khuẩn, vi rút càng kéo dài thời gian tồn tại trong không khí. Trẻ nhỏ (sức đề kháng còn yếu) hít phải không khí ô nhiễm này, chúng sẽ nhanh chóng xâm nhập vào cơ thể gây tổn thương.

Trẻ không được gia đình chăm sóc chu đáo, mặc quần áo phong phanh, mặc đồ ướt hoặc mặc quá ấm trong khi người đổ mồ hôi mà không thay kịp khiến cơ thể nhiễm lạnh, dễ mắc viêm họng, viêm phổi, viêm amidan...

Ngoài ra, PGS An cho biết môi trường sống kém vệ sinh, trong gia đình của trẻ có người thân hút Thu*c lá, Thu*c lào. Không gian phòng ở chật chội, thiếu ánh sáng, ẩm thấp, nhà sử dụng bếp than, củi đun nấu, sưởi ấm… đều là những nguyên nhân gián tiếp tăng nguy cơ mắc bệnh cho trẻ ngày đông.

Những ngày thời tiết như tuần vừa qua, PGS An cho biết số người nhập viện khám vì viêm họng, viêm VA tăng lên cao. Bệnh viêm họng có cả người lớn và trẻ em. Triệu chứng đầu tiên là đau họng khi nuốt, kèm theo sốt, khàn tiếng.

Bác sĩ An cho biết nhiều trẻ bị viêm amidan cấp, các cháu vào viện trong tình trạng sốt cao từ 39 - 40 độ C, đau họng, khó nuốt, chảy nước miếng nhiều, mệt mỏi, biếng ăn, biếng chơi.

Trong điều kiện hiện nay, PGS An cho rằng cần thường xuyên chăm sóc trẻ, giữ ấm và có thể tiêm phòng các bệnh để phòng ngừa cúm, sởi, quai bị, thủy đậu.

Khi có dấu hiệu chảy nước mũi, xịt xịt cần vệ sinh sạch sẽ, tránh bội nhiễm có thể gây lan sang các vùng mũi họng khác.

Infonet

Mạng Y Tế
Nguồn: Infonet (https://infonet.vn/nhung-can-benh-de-gap-khi-thoi-tiet-am-uong-post325333.info)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY