Thời tiết từ nóng chuyển lạnh đột ngột khiến ba ngày nay hàng ngàn trẻ phải đến viện khám mỗi ngày. Trong số này, đa phần trẻ mắc các bệnh đường hô hấp, không ít trẻ phải nhập viện.
Hơn 3.000 trẻ đến viện mỗi ngày
Ths. BS Trương Thúy Vinh – Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Đang là thời điểm giao mùa, mấy hôm trước trời nóng rồi chuyển lạnh đột ngột nên trong 3 ngày vừa qua, số lượng trẻ đến viện khám tăng đột biến. Trung bình mỗi ngày có từ 2.800 – 3.200 trẻ đến khám trong giờ hành chính ( tăng 30%). Ngoài ra, còn lượng không nhỏ trẻ đến khám ngoài giờ.
Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai và khoa Nhi Bệnh viện Xanh Pôn. Theo các bác sĩ chuyên khoa, trẻ đến khám thường gặp các biểu hiện: ho, sốt, viêm mũi, viêm phế quản và tiêu chảy do virus.
BS Vinh cho biết, trong số trẻ đến viện khám, tỷ lệ trẻ nhiễm các bệnh đường hô hấp trên (viêm VA, , viêm amiđan, viêm mũi, họng…) là nhiều nhất. Đây là những bệnh có thể xảy ra cấp tính nhưng có thể là bệnh mãn tính, mỗi khi
thời tiết chuyển mùa là bệnh xuất hiện. Viêm đường hô hấp trên nếu không chữa trị dứt điểm, rất có khả năng chuyển thành viêm hô hấp dưới (viêm phế quản, viêm phổi), đặc biệt là dạng viêm phế quản, phổi cấp tính.
Thông thường trẻ bị viêm đường hô hấp sẽ xuất hiện sốt, ho, chảy mũi nước, hắt xì hơi. Sốt có thể sốt vừa hoặc sốt cao 39 - 40
oC. Nếu chỉ viêm hô hấp trên thì trẻ chủ yếu khó thở do nghẹt mũi nhưng viêm hô hấp dưới, khó thở là do phế quản bị phù nề hoặc do phế quản vừa bị phù nề vừa bị co thắt (viêm phế quản co thắt hay còn gọi là hen phế quản). Biểu hiện của khó thở là tím môi, cánh mũi phập phồng, lõm xương ức hoặc lõm các khe của liên sườn và rối loạn nhịp thở và số lần thở.
Chỉ đến viện khi tự điều trị không khỏi
BS Vinh cũng nhấn mạnh, qua thăm khám cho thấy, hầu hết trẻ đã tự điều trị ở nhà nhưng không khỏi mới đến viện. Đây là việc làm hết sức nguy hiểm. Bởi, đa số trẻ bị viêm đường hô hấp trên thể nhẹ do virus nếu được chăm sóc đúng cách bệnh sẽ kéo dài vài ba ngày là tự khỏi mặc dù không dùng kháng sinh.
“Tuy nhiên, nguyên lý này không hẳn phụ huynh nào cũng hiểu được. Đa số các ông bố, bà mẹ đưa con đến khám đều nói thấy con sốt là ngay lập tức mua Thu*c kháng sinh cho con uống mà quên mất rằng việc cần làm là vệ sinh mũi họng, tăng cường chế độ dinh dưỡng. Việc làm này vô tình làm gia tăng tình trạng kháng kháng sinh ở trẻ. Vì thế, các bậc phụ huynh tuyệt đối không tự ý điều trị cho trẻ” – BS Vinh cho biết thêm.
Trường hợp bé Nguyễn Hương Giang (8 tuổi, Phúc Thọ, Hà Nội) là ví dụ điển hình. Anh Nguyễn Đình Phú, bố bé Giang kể lại, 5 ngày trước cháu húng hắng ho, hơi sốt. Anh liền ra hiệu Thu*c gần nhà mua về cho cháu uống nhưng tình trạng không được cải thiện. Quá sốt ruột anh liền đưa con đến bệnh viện Nhi. “Bác sĩ kết luận con tôi bị viêm phế quản. May quá cháu được các bác sĩ cho điều trị ngoại trú mà không phải
nhập viện” – anh Phú giãn cơ mặt nói.
Ths. Bs Vinh cũng khuyến cáo để phòng bệnh, bố mẹ cần chú ý đến ăn mặc của trẻ. Cần giữ cho trẻ đủ ấm, không mặc nóng cũng không để lạnh, không để gió lùa vào trẻ.
“Đặc biệt cần kiểm tra thân nhiệt của trẻ không chỉ lúc thức mà ngay cả khi ngủ. Bởi khi trẻ ngủ thường hay đạp chăn, nếu người trông trẻ không quan sát kỹ trẻ rất dễ bị nhiễm lạnh. Ngược lại nếu mặc quá ấm khi cho trẻ ngủ, mồ hôi sẽ toát ra nếu không được bỏ bớt chăn, quần áo thì mồ hôi rất dễ thấm ngược vào cơ thể trẻ. Đây cũng là lý do khiến trẻ ốm” – Bs Vinh nói.
Với những trẻ phải đến trường, trong quá trình di chuyển cha mẹ cần mặc ấm, đội mũ đeo khẩu trang, đi tất cho trẻ. Trong ba lô của trẻ nên để dự phòng một vài bộ quần áo để các cô bảo mẫu có thể thay cho con nếu quá nóng hoặc quá lạnh.
Đặc biệt, theo Bs Vinh cha mẹ, người trông trẻ cần lưu ý nhất đến việc chăm sóc miệng tốt cho trẻ. Làm tốt được việc này sẽ hạn chế tối đa mắc các bệnh hô hấp. Theo đó, mỗi ngày nên rửa mũi, xúc họng cho trẻ bằng nước muối S*nh l* 0,09%. Trong trường hợp trẻ có biểu hiện ốm, sốt cần đưa trẻ đi khám tuyệt đối không tự ý điều trị.