Kinh tế xã hội hôm nay

Những câu chuyện xúc động về các chiến sĩ nơi “đầu sóng ngọn gió”

MangYTe- Mỗi lần nhắc tới quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, bãi Tư Chính hay nhà giàn DK1, đã là con dân đất Việt, bất cứ ai cũng đều dấy lên một niềm tự hào dân tộc, một sự trân trọng, biết ơn đối với những con người nơi “đầu sóng ngọn gió” đang ngày đêm canh giữ sự bình yên cho biển đảo quê hương.

Những phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc

Trước thềm Tết Canh Tý 2020, chúng tôi may mắn được gặp gỡ và trò chuyện với một số nhà báo đã đặt chân tới những địa danh mang trong mình ý nghĩa thiêng liêng của Tổ quốc, nơi đầu sóng ngọn gió.

Nhà văn, nhà báo Lữ Mai (nguyên cán bộ Báo Gia đình và Xã hội, hiện là PV Báo Nhân dân) là một trong số ít những người thuộc đoàn công tác báo chí được đặt chân tới quần đảo Trường Sa (một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc) vào tháng 5/2019. Mặc dù đã trở về đất liền sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, nhưng những cảm xúc đối với biển đảo quê hương trong tâm hồn nhà báo Lữ Mai vẫn còn vẹn nguyên, nồng ấm.

Nói về những cảm xúc của mình, nhà báo Lữ Mai bùi ngùi chia sẻ: "Sẽ không quá nếu như nói rằng chuyến đi tới quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 là kỉ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời làm báo của riêng cá nhân tôi. Đó thực sự là một điều may mắn mà không phải nhiều người có được.

Giờ đây, trong không gian này, khi gợi nhắc về những phần lãnh thổ thiêng liêng đó của Tổ quốc, những kỉ niệm thật đẹp trong chuyến đi bỗng ùa về với tôi chẳng khác gì một thước phim quay chậm vậy. Ấn tượng đầu tiên trong chuyến đi phải kể tới khi đoàn công tác báo chí ngồi xuồng cập đảo Song Tử Tây.

Thời điểm xuồng bắt đầu rẽ sóng, cũng là lúc chiếc loa phát thanh vang lên những câu hát: Mỗi cánh thư về từ đảo xa/ Anh thường nói rằng Trường Sa lắm xa xôi/ Nơi anh đóng quân là một vùng đảo nhỏ/ Bên đồng đội yêu thương/ Chỉ có loài chim biển, sóng vỗ điệp trùng/ Quanh ghềnh trúc san hô...

Những câu từ gần gũi mà thân thương đó khiến tất cả mọi người có mặt đều rưng rưng xúc động. Sau vài ngày lênh đênh trên sóng biển, vừa đặt chân lên đảo thì nhiều người chao đảo vì "say đất". Thấy vậy, các đồng chí đã kịp thời có mặt để nâng đỡ, hỗ trợ mọi người. Qua cơn say ấy, đảo Song Tử Tây hiện lên trong mắt tôi ấm áp như chốn quê nhà vậy".

Nhà báo Lữ Mai cùng các chiến sĩ phòng không- không quân đang công tác tại đảo Song Tử Tây. Ảnh: NVCC

Những con người, cảnh vật nơi "đầu sóng ngọn gió" trong kí ức của nhà báo Lữ Mai hiện lên vô cùng thân thương, gần gũi. Đó là hình ảnh những lớp học nhỏ dưới những tán lá bàng xanh, bên trong có những thầy cô giáo đang tỉ mẩn chuẩn bị dụng cụ học tập cho ngày mới là những vỏ sò, vỏ ốc. Hay là hình ảnh những chiến sĩ nâng niu, trân trọng những món quà nhỏ mà người thân gửi ra từ đất liền xa xôi (lọ cà muối, những bánh xà phòng thơm, hay đơn giản chỉ là những quyển sách…).

"Tôi vẫn không sao quên được những câu thơ đầy ám ảnh của thầy giáo Phú trên đảo Song Tử Tây đọc trong một buổi chiều lộng gió. Mẹ ơi Tết đã cận kề/ Sao con lại thấy bốn bề chơi vơi/ Mẹ ngồi bên gió bên trời/ Con tìm mòn mỏi ngàn khơi lối về". Cha mẹ người thầy giáo ấy đã qua đời trong đất liền, mỗi độ Tết đến xuân về, trong lòng thầy Phú lại dấy lên những nỗi niềm khôn nguôi, khó tả", nhà báo Lữ Mai nhớ lại với giọng kể xúc động.

Chính những cảm xúc thực tế chân thật của những địa danh Hoàng Sa, nhà giàn DK1 đã giúp nhà văn, nhà báo "thai nghén" ra tập sách "Nơi đầu sóng" cùng kỹ sư, nhiếp ảnh gia Trần Thành.

Nhà văn, nhà báo Lữ Mai trên tàu KN 490. Ảnh: NVCC

"Nơi đầu sóng" là cuốn sách tập hợp 21 bài viết dưới dạng ghi chép, tản văn và những bức ảnh về biển đảo Trường Sa. 21 bài viết là 21 câu chuyện ấn tượng, sinh động và sâu sắc về biển đảo, những người chiến sĩ trên đảo, những người ở hậu phương... Điều làm nên sự đặc biệt cho cuốn sách ở chỗ, cuốn sách không tham vọng diễn đạt những điều lớn lao, tầm vóc, mà các tác giả chọn cách đi sâu vào những chi tiết nhỏ của đời sống, sự vật, sự kiện, hành trình nơi biển đảo. Những điều tưởng như bình thường, bé nhỏ ấy được nhìn với đôi mắt tinh tế, nhạy cảm; được viết với ngòi bút sâu sắc, dồi dào, nhiệt huyết để làm nổi bật lên vẻ đẹp, giá trị và ý nghĩa của cuộc sống nơi đầu sóng.

Ngoài những trang sách, bài báo, nhà văn, nhà báo Lữ Mai còn tích cực tham gia nhiều hoạt động hướng về biển đảo như: Quyên góp trà tặng các nhà giàn DK1 và tàu trực trên vùng Tư Chính vào tháng 8/2019; Góp sức vào chương trình tết Trung thu cho con em chiến sĩ Hải quân "Bố ở đảo xa, con ở nhà có bạn" tại Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân...

"Tôi mong rằng, những việc làm nhỏ bé của mình sẽ khơi dậy niềm cảm hứng đối với nhiều người khác hướng về biển đảo quê hương, những phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc", nhà báo Lữ Mai nói.

Chuyến đi đong đầy cảm xúc

Nhà báo Phan Thanh Thủy, hiện công tác tại Báo Pháp luật và Xã hội cũng đã lưu giữ lại cho mình những kỉ niệm thật đẹp sau chuyến đi 15 ngày trên tàu 261 đến với nhà giàn DK1 - thuộc vùng 2, Bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam.

Chia sẻ với chúng tôi, nhà báo Phan Thanh Thủy vui vẻ cho biết: "Những ngày đầu đến với nhà giàn, hành trình của cả đoàn gặp khá nhiều trắc trở bởi biển động bất thường, sóng cao có lúc 6m, biển trời quê hương mình mênh mông là thế, nhà giàn vừa xa, vừa là nỗi ngóng trông khó lòng tả xiết…

Cảm giác cứ đến áp chân nhà giàn lại không thể lên được, đoàn công tác phải chúc tết qua loa, chuyển quà qua dây… làm cả người trên nhà giàn lẫn người trên tàu đều ngập tràn xúc động, đã rất gần các anh – những người ngày đêm giữ biển của Tổ quốc rồi, nhưng không thể trao một cái bắt tay, không thể gửi được một cái ôm của đất liền.

Những đồng nghiệp của tôi gượng dậy trong cơn say sóng, cố quay, chụp lại những khoảnh khắc tàu đến nhà giàn, khi tàu kéo còi rời đi, mắt nhiều người ướt nhòe sau ống kính".

Nữ nhà báo Phan Thanh Thủy, Báo Pháp luật và Xã hội cùng một chiến sĩ Hải quân Việt Nam. Ảnh: NVCC

Tuần đầu sóng gió trên biển, thời gian như kéo dài bất tận. Sóng to, đoàn công tác mệt, say sóng đến quá nửa. Những bát cơm bị bỏ dở, không sóng điện thoại, mọi người tự động viên nhau rằng có thể ngày mai, sóng sẽ thấp, gió sẽ lặng, đoàn sẽ được lên được nhà giàn.

Hành trình cùng mùa xuân đến với những điểm tiền tiêu của biển đảo Tổ quốc khó hơn rất nhiều những dự tính ban đầu. Trong chuyến công tác có Đại úy Vũ Duy Hoàng, Phó chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/16 luôn động viên tất cả mọi người bằng những câu chuyện hài hước, vui vẻ.

Ngày gần cuối cùng của đợt công tác, anh bảo: "Ngày mai sóng lặng hơn, hi vọng các em sẽ lên được nhà của anh". Từ "nhà của anh" khiến nhiều người trong đó có nữ nhà báo Phan Thanh Thủy không kìm được những giọt nước mắt xúc động.

Hoạt động ý nghĩa của các nhà báo cùng chiến sĩ trong chuyến công tác biển đảo. Ảnh: NVCC

Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, cả đoàn công tác tiếp cận tới nhà giàn DK1/16 trong một ngày biển khá lặng. Đại úy Hoàng tiền trạm đu dây vào nhà giàn, rồi tới những người khác. Là một trong 4 phóng viên nữ của đoàn công tác, nữ nhà báo Thanh Thủy được ưu tiên đưa lên nhà giàn trong đợt đầu.

Nhà giàn DK1/16 hiện lên trong ánh mắt mọi người đẹp đẽ, ngăn nắp, gọn gàng. Anh Hoàng dẫn cả đoàn đi xem vườn rau, khu tăng gia giữa biển khơi mênh mông sóng và gió. Sau 2 giờ đồng hồ trên nhà giàn, cả đoàn lại trở về với tàu 261. Suốt chặng đường về, mọi người trào dâng một cảm giác tiếc nuối xen lẫn mến phục những chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên nhà giàn.

Các nhà báo di chuyển lên nhà giàn DK1/16. Ảnh: NVCC

"Như cụ Hồ chủ tịch từng nói, nếu đất liền là nhà, biển là cửa, muốn giữ nhà phải giữ được cửa, thì những chiến sĩ đang ngày đêm làm nhiệm vụ trên nhà giàn DK1 thực sự là những người giữ mùa xuân cho đất nước mình. Chúng ta cần phải biết ơn và trân trọng những con người đó", nhà báo Phan Thanh Thủy nói.

Những điều thú vị trên đảo Đá Tây A và Sơn Ca

Nhà báo Nguyễn Quốc Triều (đơn vị Báo Phụ nữ Việt Nam) lại có một góc nhìn rất riêng khi đến với Trường Sa.

Chia sẻ với PV, nhà báo Quốc Triều cho biết, trong hành trình đến với Trường Sa, anh cũng như rất nhiều người khác được giới thiệu về "thành phố của những đảo chìm" mang tên đảo Đá Tây A. Cái tên lạ khiến nhiều người cảm thấy thích thú, muốn được ghé thăm, khám phá.

Nhìn từ xa, đảo Đá Tây A tựa như một con thuyền lớn vững chãi giữa biển Đông. Trong tất cả các đảo chìm mà đoàn công tác ghé thăm, Đá Tây A tạo ấn tượng mạnh khi phía trước đảo là một âu thuyền mênh mông, yên bình - nơi trú tránh bão, tiếp nhận lương thực, thực phẩm, nước ngọt của ngư dân suốt dọc vùng duyên hải từ Thanh Hóa đến tận cực nam Tổ quốc.

Đảo Đá Tây A, nơi được mệnh danh là "thành phố của những đảo chìm". Ảnh: NVCC

"Trên đảo Đá Tây A có một siêu thị rất đặc biệt. Ở đất liền, việc bước chân vào siêu thị để mua sắm là điều dễ dàng, nhưng giữa nơi đầu sóng ngọn gió như ở đây, vào siêu thị mua sắm là một điều ngoài sức tưởng tượng và đầy bất ngờ đối với mọi người. Siêu thị không quá lớn nhưng cũng khá đầy đủ các mặt hàng thiết yếu như mỳ gói, nước mắm, nước ngọt, giày dép và đặc biệt là có những chiếc áo màu đỏ sao vàng với dòng chữ "Đảo Đá Tây – Trường Sa", anh Quốc Triều chia sẻ thêm.

Một trong những kỉ niệm khó quên khác trong hành trình của nhà báo Quốc Triều khi đến với huyện đảo Trường Sa đó chính là những bát chè thắm đượm tình quân dân trên đảo Sơn Ca. Đảo Sơn Ca là điểm đến thứ 2 của đoàn công tác số 7 trong hải trình đến thăm 11 đảo và nhà giàn. Khỏi phải nói, hơn 200 đại biểu trên chuyến tàu Trường Sa 571 háo hức, phấn chấn như thế nào khi nhìn thấy màu xanh tươi trên hòn đảo có cái tên xinh đẹp này.

Vào tối 16/4/2019, sau bữa cơm chiều, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết cùng các chị em trung ương hội, một số tỉnh hội (Thanh Hóa, Thái Nguyên, Thái Bình, Cần Thơ, Bến Tre, Bắc Giang, Cà Mau…) xắn tay áo xuống bếp. Họ cùng nhau khiêng những rổ khoai lang nặng trĩu trước sự ngỡ ngàng của không ít người. Đến lúc này, mọi người mới biết, các thành viên của đoàn Hội LHPN Việt Nam đang chuẩn bị nguyên liệu làm nồi chè quê để sáng hôm sau chiêu đãi cán bộ, chiến sỹ đảo Sơn Ca.

Những bát chè thắm đượm tình quần dân trên đảo Sơn Ca. Ảnh: NVCC

Người rửa, người gọt, người thái khoai… cùng với tiếng cười nói rôm rả đã làm sống động cả phòng ăn cạnh nhà bếp. Lúc này, dường như mọi người đã quên hết cái say, cái mệt sau 2 ngày lênh đênh trên biển. Sự mệt mỏi sau những lần nôn thốc nôn tháo vì say sóng đã nhường chỗ cho những nụ cười tươi rói. Ai cũng háo hức, chờ đợi một nồi chè quê đặc biệt.

"Những bát chè thắm được tình quân dân đó thực sự trở thành một hình ảnh tuyệt đẹp, khó phai đối với cá nhân tôi trong chuyến đi đầy ý nghĩa đến với huyện đảo Trường Sa. Tôi mong rằng, trong những tháng năm cầm bút tới sẽ thêm được một lần nữa đến với nơi đây, phần lãnh thổ vô cùng thiêng liêng của Tổ quốc", nhà báo Quốc Triều nói trong tâm trạng xúc động.

Xuân Thắng (ghi chép)

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/xa-hoi/nhung-cau-chuyen-xuc-dong-ve-cac-chien-si-noi-dau-song-ngon-gio-20200121221618576.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY