Tâm linh hôm nay

Những chỉ dẫn cốt tủy về cách tái sinh

Với những người tìm kiếm giải thoát rốt ráo, điều vô cùng quan trọng là đối diện trực tiếp với vấn đề sống và ch*t. Chúng ta không những cần biết cách đối mặt với cái ch*t mà cũng cần biết cách tái sinh.

>>Phật tử có thể đọc thêm loạt bài về Tái sinh

Nếu không phạm phải các ác hạnh nghiêm trọng, chẳng hạn Ngũ Nghịch Tội – điều dẫn đến sự tái sinh trực tiếp trong Avici, cõi địa ngục thấp nhất, hữu tình chúng sinh, những vị đã tích lũy vô số nghiệp cho các cõi súc sinh, ngạ quỷ và địa ngục từ vô thủy vẫn có thể tiêu trừ nguyên nhân đọa lạc vào cõi xấu và thay đổi hướng tái sinh trong trạng thái trung gian.

Có hai lựa chọn khi tái sinh: tái sinh trong Cực Lạc hay cõi Tịnh độ khác; tái sinh trong gia đình con người, những vị vốn là các hành giả trong một gia đình Phật tử hay có thiên hướng tích cực để thực hành Giáo Pháp.

1. Tái sinh trong Cực Lạc

Bài liên quan

Những câu chuyện huyền bí về việc hóa thân tái sinh của các Lạt Ma

Không cần thiết phải quán tưởng bất cứ điều gì khi tái sinh, chỉ cầu nguyện chí thành đến Phật A Di Đà, phát khởi niềm tin và nguyện ước mạnh mẽ để tái sinh trong Cực Lạc và nương tựa Phật A Di Đà một cách chí thành để đưa chúng ta đến cõi Tịnh độ của Ngài. Tuy nhiên, đây là một lộ trình rất khó.

Trong cuốn sách Câu Chuyện Đầu Thai của tôi, có một câu chuyện về Terton [vị phát lộ kho tàng Terma] vĩ đại, người mà nhờ sự hành trì vững chắc, đã có thể giao tiếp với người em đã mất của Ngài trong trạng thái trung gian. Nhưng chúng ta cần cẩn trọng để không nhầm lẫn sự trao đổi này với kiểu đồng cốt theo nhận thức phương Tây – thực hành đồng cốt đem ‘vong linh’ của người ch*t trở lại và trò chuyện với nó. Theo tri kiến Phật giáo, điều này là không thể bởi người quá cố sẽ thường tái sinh nhanh chóng. Khi mà những vị đồng cốt cố gắng gọi vong linh về, người quá cố có thể đã là một con người hay súc sinh. Làm sao mà người này có thể được đem về?

Có thể vài người hỏi rằng, “Làm sao những vị đồng cốt có thể nói được các chi tiết về cuộc đời của người quá cố?”.

Một Kinh điển trong Tam Tạng Đại thừa giải thích điều này rõ ràng:

Lần nọ, một trưởng lão đáng kính của tộc Thích Ca qua đời. Gia đình và bạn bè của ông ấy, mong muốn chôn cất với sự kính trọng nhất dành cho một thủ lĩnh, đã chuẩn bị y phục và đồ ăn tốt nhất để dâng cúng. Quỳ trước người đã khuất, họ than khóc, “Xin dâng cúng những món này … Xin hãy thụ hưởng”.

Một đệ tử hỏi Phật Thích Ca Mâu Ni, “Liệu người đã khuất có thể thực sự ăn đồ ăn và dùng những vật được cúng?”.

Đức Phật đáp, “Một người sẽ tái sinh rất nhanh sau khi ch*t và có thể đã ở trong cõi của súc sinh, ngạ quỷ hay chư thiên, vì thế, không có khả năng để người đã khuất ăn hay dùng bất cứ thứ gì được cúng. Thời gian duy nhất mà người đã ch*t và người đang sống có thể gặp nhau là trong giấc mơ. Người đã khuất không thể quay trở lại trong bất kỳ hoàn cảnh nào khác. Vì thế, cúng cho người ch*t chỉ là một thực hành mê tín; nó chẳng đem lại lợi lạc thực sự nào cho những người đã khuất”.

Người đệ tử lại hỏi, “Vậy thì tại sao đôi lúc người đã khuất được mời về nói chuyện hay kể những chi tiết trong đời trước?”.

Đức Phật đáp rằng, “Thực sự không phải người đã khuất đang nói chuyện mà là một chúng sinh của cõi ngạ quỷ sở hữu vài sức mạnh siêu nhiên, vị biết đời quá khứ của người ch*t và giả bộ là người đã khuất để thọ dụng đồ cúng”.

Bài liên quan

Câu chuyện một ni sư Tây Tạng là tái sinh Tara

Theo những giáo lý Kim Cương thừa, có những cách để đem chúng sinh Bardo trở lại trước khi sự tái sinh diễn ra. Chúng sinh Bardo, người đã khuất đang trong trạng thái trung gian, có thể tận hưởng đồ cúng dường chỉ nhờ sự gia trì của định, sự tập trung của tâm hay nghi quỹ của thực hành Kim Cương thừa. Điều quan trọng nhất là dẫn dắt người đã khuất đến cõi Cực Lạc bằng sức mạnh của sự tập trung thiền định.

Vị Terton vĩ đại được nhắc đến phía trên chỉ sử dụng phương pháp này để gặp người em quá cố. Người em nói rằng, “Em chỉ sống hơn ba mươi năm, chẳng đủ dài để tận hưởng những thời gian tốt đẹp trong đời. Em thực sự không muốn đến cõi Cực Lạc”. Người em cũng thừa nhận rằng đây là một nghiệp chướng. Nó cho thấy khi nghiệp chướng quá lớn, thậm chí cõi Tịnh độ của Phật A Di Đà cũng trở nên ít cuốn hút hơn.

Vì thế, điều quan trọng là rèn luyện thật tốt khi còn sống bởi những ý niệm sai lầm có thể tình cờ xuất hiện vào thời điểm quan trọng. Chỉ những vị đã được rèn luyện trong các thực hành này trong khoảng thời gian dài mới có thể duy trì tri kiến đúng đắn mọi lúc. Sau khi ch*t, bằng cách cầu nguyện đến Phật A Di Đà, họ có thể tái sinh thành công trong cõi Cực Lạc.

Bản văn cũng nói rằng mười người không thể di chuyển một khúc gỗ nặng trên mặt đất, nhưng một người có thể dễ dàng kéo nó nếu nó bị ném xuống nước. Tương tự, đến cõi Cực Lạc khi còn sống là điều vô cùng khó khăn với hữu tình chúng sinh, nhưng sẽ dễ dàng hơn nhiều khi đang ở trong trạng thái trung gian. Điều đó bởi những chúng sinh trong trạng thái trung gian, chúng sinh Bardo, không có thân thể thực sự, chỉ thân tinh thần – thân được tạo ra bởi thức. Giống như trong vũ trụ bên ngoài, nơi phi trọng lực, một cú đẩy nhẹ có thể đẩy thân thể sang hướng khác; thân tinh thần có thể được dẫn dắt đến cõi Cực Lạc với chỉ một chút hướng dẫn. Dĩ nhiên, người ta cũng có thể lựa chọn tái sinh trong các Tịnh độ của Đức Di Lặc hay Đạo Sư Liên Hoa sinh, nhưng Cực Lạc là lý tưởng và dễ dàng nhất và người ta sẽ không bao giờ quay trở lại luân hồi từ cõi Cực Lạc. Đồng thời, chúng ta cũng cần lưu ý rằng nếu có bất kỳ điều kiện tiêu cực nào vào lúc này, chẳng hạn một ý niệm xấu khởi lên, đọa vào các cõi thấp hơn cũng dễ dàng không kém.

Trong trường hợp không thể tái sinh trong cõi Cực Lạc, người ta chỉ có thể sử dụng phương pháp thứ hai.

2. Tái sinh làm người với tự do và thuận duyên

Yếu tố quan trọng nhất để tái sinh trong cõi người là mong ước. Người ta cần nghĩ như sau: Bây giờ có vẻ như tôi chỉ có thể tái sinh trong cõi người. Dẫu vậy, tôi phải lựa chọn sinh ra trong một gia đình thân thiện với Phật giáo. Trong suốt đời, tôi sẽ hoằng dương Phật Pháp và giúp hữu tình chúng sinh thoát khỏi mọi khổ đau.

Các Kinh điển cũng đề cập rằng người ta cần tái sinh trong một gia đình không quá giàu cũng không quá nghèo. Một gia đình rất giàu có thể khiến tôi khó từ bỏ của cải gia đình. Và tôi sẽ có thể bị ép phải lập gia đình riêng để tiếp tục và bảo vệ di sản gia đình; học hỏi Giáo Pháp và sống cuộc đời tu sĩ sẽ là không thể được. Nhưng sinh trong một gia đình nghèo khó sẽ chẳng có cơ hội thực hành Giáo Pháp bởi hầu hết thời gian và sức lực sẽ dành cho việc kiếm sống. Như thế, có một lời phát nguyện trong giới luật Theravada, điều cũng thường được trì tụng bởi môn đồ của các trường phái khác. Lời cầu nguyện nói rằng, “Nguyện con tái sinh trong gia đình trung lưu, không quá giàu, không quá nghèo; sau đấy, mong con có cơ hội xuất gia và thực hành Giáo Pháp”. Mặc dù đây là một mong ước của Phật giáo Nguyên Thủy Theravada, những hành giả Đại thừa và Kim Cương thừa cũng cần có mong ước tương tự. Mong ước như vậy đại diện cho một kiểu sức mạnh cảm ứng, điều rất hữu hiệu. Sau khi phát nguyện như thế, người ta cũng cần cầu nguyện đến chư Phật và Bồ Tát, thỉnh gia trì để mong ước được viên thành. Sau đấy, họ tái sinh sau khi lời cầu nguyện này được thực hiện.

Bên cạnh đó, một phương pháp Kim Cương thừa có thể giúp người ta quyết định những tài năng bẩm sinh, sự tỉnh thức và tính khí sau khi tái sinh. Ví dụ, nếu mong muốn trở nên rất thông tuệ, họ cần quán tưởng tâm là chủng tự gốc དྷཱི༔ (DHIH) của Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi trước khi tái sinh. Nếu họ muốn có lòng đại bi, tâm cần được quán tưởng là chủng tự gốc ཧྲཱིཿ (HRIH) của Quán Thế Âm trước khi tái sinh. Như thế, mong ước chắc chắn sẽ thành hiện thực.

Bài liên quan

Nghiệp và tái sinh

Bằng cách sử dụng phương pháp được nhắc đến ở trên để tái sinh, người ta không thể thoát khỏi vòng luân hồi, nhưng có cơ hội lại được làm người với các tự do và thuận duyên, gặp gỡ Phật Pháp và có thể đạt thành tựu nhanh chóng hơn nhờ thực hành một lần nữa. Tuy nhiên, đây chỉ là một biện pháp thiết thực khi mà không còn lựa chọn nào khác.

Cả các bản văn Hiển và Mật đều tuyên bố rằng khi sự tái sinh sắp xảy ra, người ta có thể bị nhiều người hay con vật đuổi theo, hay thấy tuyết, mưa đá hoặc mưa dông lớn. Để tìm chỗ trú, người ta có thể đi vào phòng tối hay đường hầm. Dù nhiều người không biết, điều này thực sự ám chỉ việc tái sinh. Chỉ chư Bồ Tát từ sơ địa trở lên và chư A La Hán mới thực sự hiểu ý nghĩa của những điều như vậy.

Điều quan trọng cần lưu ý vào lúc này là sự đuổi theo hay thời tiết bão tố chỉ là một dấu hiệu của sự tái sinh; không ai thực sự đang đuổi phía sau. Trong hoàn cảnh này, hãy đảm bảo không đi vào bất kỳ đường hầm tối, con đường tối tăm hay hang động bẩn thỉu. Thay vào đó, hãy lựa chọn đến một cung điện hoặc một căn phòng đẹp đẽ, bởi điều này chỉ ra sự tái sinh trong những cõi cao hơn. Lựa chọn bất kỳ nơi nào khác sẽ đại diện cho sự tái sinh vào một trong ba cõi thấp hơn.

Nguồn tin: Khenpo Tsultrim Lodro Rinpoche giảng

Tác giả: Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/nhung-chi-dan-cot-tuy-ve-cach-tai-sinh-d38003.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY