Môi trường hôm nay

Ô nhiễm môi trường

Những điểm mới của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã được Quốc hội khóa XIV thông qua và có hiệu lực vào ngày 1/7/2020.

Phân cấp mạnh mẽ hơn

Một trong những điểm mơi của Luật là sửa đổi, bổ sung thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Luật bổ sung thẩm quyền của Chính phủ quy định về tiêu chí thành lập và số lượng biên chế tối thiểu để tổ chức đơn vị trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; quy định về tổ chức, khung số lượng, tiêu chí thành lập và số lượng biên chế tối thiểu để tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, các đơn vị trực thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; quy định về số lượng cấp phó tối đa của đơn vị thuộc cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, đơn vị trực thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; quyết định về phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.

Luật mới cũng bổ sung thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ về ủy quyền thực hiện những nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quản lý công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Đồng thời bỏ thẩm quyền của Thủ tướng trong quyết định các tiêu chí, điều kiện thành lập hoặc giải thể các cơ quan chuyên môn đặc thù thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện do chuyển nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Để thống nhất với quy định của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức, Luật bổ sung thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ trong việc cho “từ chức” và “biệt phái” và “điều động, luân chuyển, biệt phái” đối với công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý.

Bổ sung thẩm quyền quyết định cụ thể số lượng cấp phó của vụ, văn phòng, thanh tra, cục, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ bảo đảm bình quân không quá 3 người trên một đơn vị.

Bỏ thẩm quyền “quyết định thành lập các tổ chức phối hợp liên ngành” để thực hiện thống nhất vấn đề này thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Xã loại II được thêm 1 Phó Chủ tịch

Luật bổ sung tiêu chuẩn về quốc tịch đối với đại biểu HĐND, cụ thể quy định có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.

Luật cũng quy định rõ khung số lượng theo hướng giảm từ 10% đến 15% số lượng đại biểu HĐND ở từng loại hình đơn vị hành chính.

Luật bỏ quy định Chánh Văn phòng trong Thường trực HĐND cấp tỉnh và quy định rõ số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh. Giảm 1 Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện (từ 2 người xuống còn 1 người). Bổ sung Trưởng ban của HĐND cấp xã là Ủy viên Thường trực HĐND cấp xã.

Luật còn quy định về số lượng Phó chủ tịch UBND xã loại II sẽ có không quá 2 người, đã được tăng thêm 1 người so với quy định hiện hành.

Tổng số đại biểu HĐND TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh được bầu là 95 đại biểu (quy định cũ là 105 đại biểu).

Ngoài ra, Luật mới còn quy định điều chỉnh giảm số lượng đại biểu HĐND và thay đổi số lượng thành viên thường trực HĐND tỉnh, huyện, xã.

Luật quy định rõ khi thực hiện phân cấp, phân quyền phải gắn với hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm các điều kiện về ngân sách, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác cho việc thực hiện; quy định cụ thể các trường hợp được thực hiện phân cấp, ủy quyền để tránh việc phân cấp, ủy quyền tràn lan.

Đắc Nguyên

Mạng Y Tế
Nguồn: Công luận (https://congluan.vn/nhung-diem-moi-cua-luat-to-chuc-chinh-phu-va-luat-to-chuc-chinh-quyen-dia-phuong-sua-doi-post84510.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY