Tâm sự hôm nay

Từ 1/8, bị phạt tiền nếu lãng phí “điện chùa”

Trong tháng 6 đỉnh điểm nắng nóng vừa qua, nhiều hộ gia đình khắp nơi lo lắng vì hóa đơn tiền điện tăng vọt lên gấp rưỡi...
Trong tháng 6 đỉnh điểm nắng nóng vừa qua, nhiều hộ gia đình khắp nơi lo lắng vì hóa đơn tiền điện tăng vọt lên gấp rưỡi, gấp đôi bình thường. Sau khi hiểu ra rằng, nguyên nhân nhiệt độ cao đã khiến đồ điện lạnh trong gia đình “ngốn” điện mạnh hơn là đương nhiên, thì bà con cũng nguôi ngoai. Điều ngạc nhiên là không có một cơ quan hành chính công, doanh nghiệp nhà nước nào “kêu ca” về điều này, lý do thật đơn giản - “điện chùa”...

lãng phí điện

Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định 58 sửa đổi một số điều Nghị định 192 về xử phạt vi phạm trong thực hành tiết kiệm, sử dụng ngân sách. Theo đó, từ ngày 1/8, các hành vi sử dụng lãng phí điện, nước, xăng, văn phòng phẩm; tiếp khách, đi công tác nước ngoài bằng tiền ngân sách vượt tiêu chuẩn sẽ bị phạt tiền.

Thì ra bấy lâu nay chuyện mà nhiều người ngỡ “nhỏ” là cái bóng đèn, ấm nước nóng, cái quạt điện, máy tính... quên không tắt, bật lúc không cần thiết đã “góp gió” thành cơn “bão” lãng phí điện của cả quốc gia.

Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, tại các cơ sở sản xuất, tỷ trọng chi phí điện năng trong cơ cấu giá thành một đơn vị sản xuất của Việt Nam cao gấp 3-4 lần các nước tiên tiến. Ví dụ chi phí điện năng để sản xuất 1kg thép của Việt Nam gấp 4 lần Hàn Quốc. Như vậy, việc sử dụng năng lượng điện trong công nghiệp của Việt Nam rất lãng phí.

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, hiện Việt Nam có tỷ lệ điện dùng cho ánh sáng sinh hoạt chiếm 41,7%, cao hơn nhiều so với các nước, chẳng hạn như Hàn Quốc là 14,4%, Đài Loan 21,7%, Thái Lan 22%... Điện dùng cho sinh hoạt cao là yếu tố chính gây mất cân đối của hệ thống điện trong giờ cao điểm, ảnh hưởng xấu đến hiệu quả đầu tư hệ thống điện.

Lâu nay, công sở vốn được coi là ngôi nhà thứ hai của nhân viên văn phòng. Song chỉ khác là “ngôi nhà này” họ không phải trả tiền điện. Thế nên, mặc dù tất cả công sở đều có quy định: nhân viên khi đi ra ngoài hoặc trước khi ra về phải tắt điện, tắt quạt và tắt điều hòa nhưng không ít văn phòng cả đêm tiếng máy điều hòa vẫn ì ì chạy. Nguyên nhân là những người không phải trả tiền điện nên không nhớ tắt.

Về mùa đông, hầu hết các văn phòng công sở đều bật đèn trong giờ làm việc, trong khi thực tế có khi chưa thật cần thiết. Mùa hè thì việc sử dụng điện ở công sở càng trở nên “tàn bạo” hơn. Các phòng làm việc của cơ quan hành chính trong mùa hè hầu như lúc nào quạt điện, điều hòa cũng được huy động tối đa. Có những lúc, tất cả các thiết bị điện trong phòng làm việc của một cơ quan đều được bật đồng thời dù chưa cần thiết.

Mùa hè, có thể nói 100% điều hòa trang bị cho công sở đều được phát huy tối đa tính năng. Có những lúc, thời tiết chỉ ở tầm 25-27oC nhưng nhiều công sở vẫn bật máy lạnh cho... mát mẻ theo thói quen, bật qua cả giờ nghỉ trưa. Theo đánh giá, tổng lượng điện tiêu thụ của những cơ quan hành chính công, doanh nghiệp nhà nước là cực kỳ lớn. Chưa kể không ít các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện, sau giờ làm việc, cán bộ tụ tập nhau luyện tập thể thao, bóng đá, cầu lông... đến tận 21-22 giờ đêm. Khiến các bóng đèn cao áp công suất 500W cứ phải hoạt động hết công suất.

Theo ông Lương Văn Phan - Phó Giám đốc Trung tâm Tiêu chuẩn chất lượng - Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam, việc tiết kiệm mỗi kWh điện trong các giờ cao điểm sẽ làm lợi cho đất nước từ 600-1.000USD do không phải đầu tư xây dựng những nhà máy điện mới. Nếu tính tổng công suất điện của Việt Nam hiện nay vào khoảng 30.000MW, chỉ cần tiết kiệm được 1% điện năng/năm thì tương đương với việc đầu tư một nhà máy điện công suất 300MW. Tính bình quân chi phí đầu tư 1MW điện là 1 triệu USD thì số tiền tiết kiệm tương đương 300 triệu USD.

Từ tuyên truyền vận động, gieo ý thức, gặt thói quen là cả một quá trình. Một khi đã hình thành thói quen thì mọi việc đều trở nên dễ dàng và đi vào nền nếp, không cần phải sử dụng quy định hay chế tài nữa và giảm chi ngân sách nhà nước đáng kể từ việc sử dụng điện lãng phí, góp phần tiết kiệm nguồn năng lượng quốc gia.

Thiết nghĩ, đối với các hộ gia đình, công ty tư nhân... việc khuyên họ tiết kiệm điện có lẽ hơi thừa bởi điều đó là đương nhiên vì họ phải trả bằng tiền túi. Việc tiết kiệm điện, tránh lãng phí tài nguyên năng lượng nên tập trung vào đối tượng là những công sở, doanh nghiệp sản xuất nhà nước bởi đây chính là “đầu mối” tiêu thụ điện năng lớn nhất và “vô tư” nhất.

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-tu-18-bi-phat-tien-neu-lang-phi-dien-chua-14851.html)

Tin cùng nội dung