(hnmct) - tỷ lệ người mắc các bệnh lý về cột sống ngày càng tăng và có xu hướng trẻ hóa; phần lớn nguyên nhân đến từ thói quen chưa đúng như dưới đây:
Ngồi hay đứng một chỗ quá lâu, làm giảm tuần hoàn máu ở tứ chi, cơ mông dần kém linh hoạt trong khi các cơ khớp xương bàn tay, cổ tay và cánh tay phải hoạt động liên tục. Bởi thế, mỗi khi ngồi được khoảng 1 giờ, bạn cần đứng lên đi lại một vài phút hoặc vươn tay, chân để kéo giãn cơ.
Ngồi không đúng tư thế, ngồi nghiêng, lệch, ngồi bắt chéo chân... đều là tư thế dẫn đến bệnh cong vẹo cột sống, thoái hóa cột sống, co rút cơ lưng, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa đốt sống cổ, viêm khớp, viêm cơ... Do đó, nên ngồi thẳng lưng, thẳng cổ, có thể dùng gối tựa lưng. Chân cần đặt vuông góc với mặt sàn, cẳng chân và đùi nên tạo thành góc 90o, tuyệt đối không ngồi bắt chéo đầu gối, bắt chéo mắt cá chân.
Bàn cần phù hợp với chiều cao từng người, nên chọn ghế có thể điều chỉnh độ cao. Riêng với trẻ em, Bộ Y tế đã có quy định cụ thể về tiêu chuẩn bàn ghế cho học sinh từng lứa tuổi.
Đeo túi, balô nặng một bên, có thể ảnh hưởng đến vóc dáng, xương khớp, hô hấp. Đặc biệt, việc đeo lệch một bên vai dễ dẫn đến đau cơ vai, ảnh hưởng đến xương sống.
Cúi nghiêng gập người, nhiều khi chỉ vì cúi nhặt đồ sai tư thế mà bị giãn dây chằng, lồi đĩa đệm. Do đó, không nên cúi nghiêng gập lưng quá mức; tư thế đúng là ngồi xuống và thẳng lưng để nhặt đồ vật.
Bê, khiêng đồ nặng, khi bê vật nặng cần ngồi xuống, ôm vật nặng sát vào người, chỉ dùng cơ bắp, cử động của chân, đùi và tay. Tuyệt đối không cúi lưng bê đồ, không dùng lưng để đẩy vật nặng. Chỉ nên bê vật nặng phù hợp với khả năng, không khom lưng, cong lưng khi bê đồ.