Trước đó, ngày 3/10, bé T.Đ.T. nhập viện trong tình trạng bú được nhưng nôn ói nhiều, bụng trướng, ói ra dịch nhầy màu xanh. Qua kiểm tra kết hợp với những dấu hiệu lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi T.Đ.T. bị tắc tá tràng bẩm sinh và chỉ định phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp.
Tuy nhiên, trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện, tá tràng của bệnh nhi T.Đ.T. bị đứt rời hoàn toàn thành hai đoạn. Trong đó, đoạn phía trên dãn to, dày, đường kính khoảng 2,5 cm; đoạn còn lại bị teo nhỏ, đường kính chỉ khoảng 0.3 - 0.4 cm và rất mỏng. Các bác sĩ đã tiến hành nối 2 đầu của 2 đoạn tá tràng bị đứt, thông lại tá tràng cho bệnh nhi. Sau gần 2 giờ tiến hành phẫu thuật, ca mổ đã thành công.
Bác sĩ Vũ Công Tầm, Trưởng khoa Phẫu thuật gây mê - hồi sức, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, khó nhất của ca phẫu thuật này là hai đoạn tá tràng bị đứt rời có kích thước khác nhau. Các bác sĩ phải sử dụng kỹ thuật nối tá tràng - tá tràng miệng nối theo kiểu Kimura với loại chỉ phẫu thuật tự tan để khâu nối. Đặc biệt, ở trường hợp này, tá tràng của bệnh nhi bị mô tụy che lấp nên các bác sĩ rất khó khăn trong việc tìm và nối lại ruột.
Theo bác sĩ Vũ Công Tầm, tắc tá tràng bẩm sinh là một bệnh lý tương đối hiếm gặp, tỷ lệ mắc 1/5.000 - 1/10.000 ở trẻ mới sinh. Tắc tá tràng bẩm sinh có nhiều nguyên nhân khác nhau như teo tá tràng, tụy nhẫn…
Các bác sĩ khuyến cáo người dân, đặc biệt là những gia đình có trẻ nhỏ mới sinh nên để ý đến những triệu chứng như trẻ bỏ bú, trướng bụng, nôn ói dịch màu xanh, không đi phân su. Đây là những biểu hiện đặc trưng của bệnh tắc tá tràng bẩm sinh, do đó khi thấy trẻ sơ sinh có các triệu chứng trên thì cần đưa đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.