Bình tĩnh mà sống (Lambooks và NXB Hội Nhà Văn phát hành tháng 6.2020) là tập sách do 28 tác giả viết, kể về những biến cố lớn trong chính cuộc đời họ. Ở đó họ đã dũng cảm đối mặt, chọn lựa và hành động để vượt qua khó khăn. Thanh Niên xin trích đăng 5 trong số 28 câu chuyện đó. Mỗi câu chuyện như chút trấn an và đối thoại với người đọc: Bất trắc không phải điều ta trông đợi, nhưng nó có thể giúp ta nhận ra điều quý giá và trân trọng cuộc sống hơn.
Kỳ 4: Trong phòng hậu phẫu, cô gái trẻ dần nhìn thấy cả chặng đường tình yêu đầy vất vả mình đã đi qua, để đón nhận món quà quý nhất cô trân trọng: là nụ cười của con yêu vừa ra đời.
Tôi tin cuộc đời tôi có thật nhiều điều không diễn ra theo ý muốn. Khi đón nhận tin tôi có thai với người mà tôi không yêu, anh trai tôi đã thốt lên: Hạnh đã có những sai lầm và sai lầm sau lại luôn lớn hơn sai lầm trước.
Tôi tổ chức một đám hỏi ở quê nhà. Và tôi nhớ rất rõ, buổi lễ ấy trống rỗng trong lòng tôi như thế nào. Tôi đã thấy anh trai tôi như muốn khóc khi chứng kiến đám hỏi của em gái với sự hời hợt của người đàn ông ấy. Anh ta luôn kiếm cớ trì hoãn đám cưới và đăng ký kết hôn, dù đã hứa sẽ làm. Và thật lòng thì tới giờ, tôi biết ơn về tất cả những điều ấy.
Tôi đã cố gắng sống cùng nhà với người đàn ông mà tôi không yêu trong 5 tháng. Người ấy như một cái bóng, thoắt ẩn thoắt hiện. Có lần tôi bước ra từ phòng tắm và thấy anh ta đứng trước mặt, tôi đã giật mình la lên đầy kinh hãi. Tôi nghĩ tiếng la ấy có thể khiến em bé trong bụng tôi giật mình. Anh ta bực dọc trước nhiều lần tôi giật mình như vậy. Còn tôi không dũng cảm nhìn thẳng vào lòng mình, rằng tôi thấy sợ hãi người đàn ông này.
Món quà quý giá tôi có được chính là con trai
ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK |
Vào khoảng thời gian cuối tháng thứ tám thai kỳ, trực giác phụ nữ khiến tôi chắc chắn người chung sống với mình đang có nhân tình. Nửa đêm hôm đó, tôi lần đầu tiên đụng đến điện thoại của anh ta và thấy những bằng chứng cho sự lừa dối thật ghê tởm. Tôi nhớ rất rõ rằng mình đã ngồi bất động trong bóng đêm, nhìn anh ta nằm ngủ mà trong đầu chỉ hiện lên duy nhất một câu hỏi: Bây giờ phải làm gì?
Năm giờ rưỡi sáng, nghe tiếng cửa sắt dưới chung cư mở, tôi nín thở đứng lên, lấy tạm hai chiếc đầm bầu ở vị trí dễ lấy nhất rồi rón rén mở cửa nhà. Tôi sợ anh ta tỉnh giấc. Tim tôi đập thình thịch. Tôi xuống lấy xe máy và rời khỏi khu chung cư đó, một cuộc giải thoát mà lẽ ra tôi phải thực hiện từ lâu. Hai mươi hai ngày sau cuộc chạy trốn ấy, tôi sinh con.
Tôi đã muốn con trai có cằm chẻ giống mình và con trai tôi đã có một chiếc cằm chẻ. Thật thích!
Sài Gòn, 21 giờ 35 phút, ngày 29.4.2018
Tôi nghĩ rằng từ lúc tôi được đặt lên bàn mổ, tiêm Thu*c gây tê tủy sống, mổ tử cung để lấy con ra, có lẽ chỉ diễn ra chóng vánh trong chưa đầy 20 phút. Khi còn mơ hồ cảm nhận việc bác sĩ đang khâu bụng mình lại, một nữ hộ sinh bế con trai tôi và nói: “Mở mắt nhìn, con trai em nè!”. Rồi cô ấy bế em bé của tôi đi.
Tôi cảm thấy đôi môi mình như bị đông cứng lại, tôi muốn nói lớn lên rằng: “Chị ơi, em bị cận và loạn, làm ơn bế con em lại gần hơn được không?”. Nhưng hình như phải chục giây sau khi cô hộ sinh bế con tôi đi khỏi phòng mổ, tôi mới có thể tách đôi môi dính chặt của mình ra. Mắt tôi rất mờ và hình như tôi có thiếp đi vài phút, cho tới khi các cô hộ sinh nhấc tôi từ bàn mổ sang chiếc giường có gắn bánh xe và đẩy về phòng hậu phẫu.
Vì chỉ số đường huyết và huyết áp đều cao nên tôi đã phải nằm trong phòng hậu phẫu 18 tiếng đồng hồ. Thế là viễn cảnh được ấp con da kề da và cho con tìm ti mẹ như đã tưởng tượng vài tháng trước đó chẳng hề xảy ra.
Con trai tôi đã cách xa tôi 18 tiếng đầu đời. Nhưng, đó chắc chắn là 18 tiếng đồng hồ thật sự chậm rãi và bình tĩnh, trong cuộc đời nhiều thăng trầm của tôi. Tôi đã không thể ngủ một chút nào trong suốt 18 tiếng ấy.
Thời gian con trai đến bên tôi là lúc tôi nhận ra những điều trân quý mà mình vừa trải qua, nó đáng nhớ hơn những tổn thương trong đời |
Những hình ảnh trong quá khứ hiện về không theo một trật tự thời gian nào. Tôi nhìn thấy khoảng thời gian mình mất mẹ năm 11 tuổi. Lùi lại nữa, tôi nhìn thấy đứa bé - tôi 6 tuổi, một trưa hè vào thăm mẹ trong viện. Mẹ đưa tôi ra giếng ở sân sau bệnh viện tắm. Tôi nhớ khi đó thời tiết rất nóng, nhưng cảm giác gáo nước đầu tiên mẹ dội vào người tôi thật lạnh.
Tối đó, tôi nằm trên giường bệnh của mẹ và tôi bị sốt, rất lạnh. Chiếc quạt trần trong phòng bệnh cứ quay mãi, khiến tôi nằm co ro trong chiếc chăn màu trắng thật mỏng. Không biết mẹ đi đâu mà rất lâu chưa thấy về. Tôi gượng dậy ra ngồi trước phòng. Hành lang vắng và có vẻ đã khuya lắm. Tôi ngồi đó đợi một lúc thì mẹ về. Nhưng tôi không nhớ dáng đi của mẹ, chỉ còn nhớ mơ hồ gương mặt và tuyệt nhiên không nhớ nổi giọng nói của mẹ tôi như thế nào nữa.
Tôi nhớ những năm sau khi mẹ mất, khi chị cả đã đi lấy chồng, anh trai tôi đi làm dưới Hà Nội để nuôi chị thứ hai của tôi học trung cấp, là quãng thời gian tôi ở nhà với bà ngoại và bố. Bố thường đi vắng cả ngày, về khá muộn. Có những hôm tôi đã ngủ thì bố mới về, nhiều khi bố còn ngồi làm đồ thủ công cho tôi trong đêm để sáng hôm sau mang đến lớp nộp cho cô giáo. Tôi nhớ có lần bố nặn cho tôi một quả khế bằng đất sét thật to, nhìn rất đẹp và y như thật, chỉ có điều nó phải nặng cả ký, tôi mang đi chấm điểm mà cô giáo cười quá trời.
Tôi cũng nhớ cả hình ảnh bà ngoại tôi nữa. Tôi nhớ nhiều thứ. Nhưng lại nhớ nhất khoảng thời gian bà tôi đã mất, khi đó bố tôi đang trong giai đoạn hóa trị vì ung thư phổi. Có lần tôi một mình ra thăm mộ bà. Khi ra về, rõ ràng tôi đã nghe thấy tiếng bà tôi gọi tôi: “Hạnh ơi!”, giọng nói đó thật đến nỗi tôi đã ngoái lại nhìn.
Cuộc sống của mỗi người đều là những trường đoạn với rất nhiều phân cảnh
ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK |
Cuộc sống của mỗi người đều là những trường đoạn với rất nhiều phân cảnh. Khi con trai được khoảng 2 tuần tuổi, có một đêm tôi đã mơ một giấc mơ thật kỳ lạ. Tôi mơ rằng mình dùng một con dao thật to đâm người đàn ông đã tạo nên con tôi. Tôi vừa đâm vừa gào thét, vừa khóc. Tôi giật mình thoát khỏi cơn ác mộng khi con trai khóc bên cạnh vì đói và ướt tã.
Tôi biết ơn tiếng khóc của con đã gọi tôi trở về, thoát khỏi một cơn ác mộng đầy máu và nước mắt. Giờ đây trong vòng tay, con trai là sự sống mềm mại trấn an tôi, là món quà tuyệt vời nhất tôi từng có được trong đời.
Khi con được 14 tháng, tôi phải chịu thêm một phẫu thuật vì một hội chứng cột sống cần được phẫu thuật cấp cứu. Trong phòng bệnh, khi cơ thể còn lòng thòng dây truyền Thu*c giảm đau, tôi bật tivi và nhìn thấy người đàn ông đó đang nói trên một kênh truyền hình.
Kỳ lạ không, tôi đã xem hết đoạn phát biểu, đã nhìn và nghe tiếng anh ta, có một giọng trong tôi nói rằng: “À, đây là một người mình đã từng quen, đã từng xuất hiện trong cuộc đời này...” như một quá khứ rất xa, đã khép kỹ.
Lê Hạnh là đạo diễn điện ảnh. Cô nói về bản thân đang “làm mẹ, giữ mình tử tế và học cách hạnh phúc”. |