Phóng sự hôm nay

Ở trại chăn nuôi để... cứu người

Bất kể nắng mưa hay bão tố, Lễ, Tết những chú ngựa, gà bạch, chuột lang… ở Trại chăn nuôi Suối Dầu thuộc Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) - Bộ Y tế vẫn được chăm chút sức khỏe, vỗ về, động viên, an ủi, cưng nựng như chăm con mọn.

Ngày xuân càng phải túc trực chu đáo hơn. Từ những vật nuôi này, các loại vắc-xin phòng bệnh bạch hầu, cúm đại dịch, cúm mùa, uốn ván, ho gà, lao và huyết thanh kháng dại, kháng nọc rắn lục... ra đời làm sứ mệnh cứu chữa, nâng cao sức khỏe nhân dân.

“Phải lòng” Trại Suối Dầu từ hơn 30 năm trước rồi gắn bó đến nay, công nhân Trần Thành Tỉnh vừa tranh thủ sắm vài thứ đơn sơ phục vụ Tết cho gia đình vừa nghiền ngẫm kỹ lịch trực chăm ngựa ngày xuân. Anh Tỉnh trải lòng mình: Tất cả vật nuôi ở đây chăm theo chế độ riêng. Lo giờ ngủ, khẩu phần ăn cũng phải theo quy trình chuẩn. Gà bạch hay chuột, thỏ bạch cũng vậy. Ngoài cỏ sạch, ngựa còn được bồi dưỡng cám, gạo, ngô, đậu nành, các loại vitamin và khoáng chất. Khi một chú ngựa nào đó không khỏe sẽ được tách ra để chăm sóc đặc biệt. Những lúc như vậy nhìn vật nuôi buồn là lòng người cũng buồn theo.

Công nhân Trần Thành Tỉnh chăm chút đàn ngựa ngày đầu xuân.

Bước ra từ chuồng ngựa sau khi mát-xa lưng, chải chuốt bờm…, công nhân Thiên Dũng cũng quẹt vội mồ hôi, chia sẻ: Ở đây chúng tôi phải tiết kiệm từng phút vì chỉ sợ vật nuôi buồn, vật nuôi đang cần mình tâm tình mà mình lại lãng phí thời gian thì lòng day dứt lắm. Dường như cảm nhận sâu sắc được sợi dây tình cảnh giữa vật nuôi và người vậy.

Trại chăn nuôi Suối Dầu tiền thân là trại thực nghiệm trồng trọt và chăn nuôi động vật do nhà bác học Alexandre John Emile Yersin nghiên cứu thành lập năm 1896 tại Cam Lâm (Khánh Hòa). Những công nhân ở Suối Dầu luôn tự nhủ, niềm hạnh phúc cao cả nhất là chăm chút đời sống và sức khỏe cho các vật nuôi vì đó “hậu phương” cho những công trình nghiên cứu quan trọng của nền y học nước nhà.

Nhiều lần đón xuân trong trại chăn nuôi, ông Lê Bá Bút, Phó trưởng Trại chăn nuôi Suối Dầu bộc bạch: Ngựa ở đây cực thông minh, tình cảm quyến luyến. Chàng công nhân nào ghét ngựa sẽ bị ghét lại, thậm chí sẽ bị ngựa đá luôn. Cứ yêu thương, vuốt ve, âu yếm, ân cần, tâm sự thì nó thương. Có thời điểm, áp Tết, hàng trăm con ngựa biết rõ mình đang được dẫn đi tiêm, lấy máu, sẽ đau nhưng cảm nhận được sự ấm áp từ những cái vuốt ve của người chăm nên rất ngoan ngoãn. Để loại vật nuôi này tuyệt đối an toàn, các bác sĩ thú y còn lập hồ sơ quản lý sức khỏe, tâm lý, tăng trưởng. Khi có bất kỳ biểu hiện bất thường nào, dù là đêm giao thừa vẫn lập tức được xử lý ngay.

Mọi thao tác chăm sóc vật nuôi, nhất là đàn ngựa như luôn thường trực trong ý nghĩ của nhiều công nhân. Có hôm đang quây quần bên mâm cỗ Tết, anh Trần Thành Tỉnh còn buột miệng, không biết đàn vật nuôi giờ có vui không? Có đêm khó ngủ, anh Tỉnh lại bật dậy vào trang trại nhìn ngắm các “thiên thần” của mình. Tỉnh bảo rằng: Biết là trại có phân người trực cẩn thận nhưng trong lòng mình có những sự thôi thúc kỳ lạ xen lẫn niềm tự hào là sự tận tình với công việc của mình sẽ đóng góp một chút bé nhỏ gì đó cho thành quả to lớn của nhà các nhà khoa học nghiên cứu vắc-xin nên vào lượn một vòng rồi quay về.

Từ ngựa, chuột lang, gà bạch đến thỏ…khi đưa vào Trại chăn nuôi Suối Dầu đều được kiểm soát chặt chẽ, không dị tật bẩm sinh, không mắc bệnh ngoài da, không có ký sinh trùng, không có biểu hiện ủ rũ. Ông Bút hay ví von dân giã rằng: Đời sống hay nhắc đến “rau sạch” thì những vật nuôi phục vụ khoa học về sự sống con người ở đây “siêu sạch”. Đàn ngựa hiện có hơn 400 con, hoành tráng nhất Việt Nam. Gần như không bao giờ có dịch xảy đến với ngựa. Gà bạch có trên 15 ngàn con, được tiêm vắc-xin phòng bệnh. Chuột lang có trên 2.000 con, thỏ hàng ngàn con cũng được chăm bẵm như chăm trẻ nhỏ, đáp ứng tốt cho nhu cầu nghiên cứu, thực nghiệm.

Một số loại thức ăn cho các vật nuôi đã tự sản xuất được còn một số phải nhập từ bên ngoài. Các loại vắc-xin sản xuất từ vật nuôi ở đây chất lượng không thua gì vắc-xin của các nước tiên tiến nhất trên thế giới.

Đàn gà bạch được chăm sóc tại Trại chăn nuôi Suối Dầu.

Khát vọng như xóa đi nhọc nhằn, trải qua bao tháng năm, vật nuôi ở Trại chăn nuôi Suối Dầu đã làm tốt sứ mệnh cứu người của mình. Hiện tại, trung bình mỗi năm, đàn ngựa cho trên 11.000 lít huyết thanh để tạo các chế phẩm y tế. Từ năm 1999, IVAC đã sản xuất thành công huyết thanh kháng nọc rắn hổ mang đất và nọc rắn lục. Năm 2009, huyết thanh kháng bệnh uốn ván đã cán mốc 1 triệu liều không chỉ cung ứng kịp thời trong nước mà còn vươn đến một số nước ASEAN.

Quá trình tinh tế, sản xuất mỗi loại huyết thanh đều phải tuân thủ các nguyên tắc khoa học rất nghiêm ngặt. Ví như sản xuất vắc- xin chống dại, IVAC sẽ đưa một lượng nhất định virut dại vào cơ thể ngựa để ngựa sinh ra kháng thể chống lại kháng nguyên đó. Khi kiểm tra cẩn thận, thấy máu ngựa có một lượng kháng thể đủ để tinh chế huyết thanh thì tiến hành lấy máu. Lấy máu xong, ngựa tiếp tục được củng cố sức khỏe, bồi bổ để tiếp tục phục vụ cho lần sau. Trung bình mỗi năm, một chú ngựa “cống hiến” cho y học khoảng 60 lít huyết thanh.

Nhiều loại vắc-xin được nghiên cứu thành công từ các sản phẩm vật nuôi ở Trại chăn nuôi Suối Dầu.

Bừng lên niềm hạnh phúc trước thềm xuân mới, ông Lê Bá Bút chia sẻ: Xuân Kỷ Hợi này thật đặc biệt với những thầy Thu*c, nhà khoa học, nhân viên của IVAC bởi không chỉ các sản phẩm từ huyết thanh ngựa mà còn thành công với 2 vắc-xin mới được nghiên cứu, sản xuất từ trứng gà bạch ở Trang trại chăn nuôi Suối Dầu.

Đàn gà bạch còn có tên khoa học là Novo White đặc chủng siêu trứng của Pháp. Cả trọng lượng lẫn sức khỏe của loại gà này rất phù hợp đẻ trứng sản xuất vắc-xin, tất cả đều được nhập khẩu và chăm sóc theo chế độ riêng biệt, trứng có phôi đã được dùng nghiên cứu, điều chế thành công vắc-xin IVACFLU-S phòng 3 chủng virut cúm mùa A/H1N1, A/H3N2, B và IVACFLU-A/H5N1 phòng, chống cúm đại dịch A/H5N1. Theo dự kiến, từ xuân 2019, các vắc-xin này sẽ xin giấy phép sản xuất, lưu hành ra thị trường.

Nhìn những phòng nghiên cứu, kiểm nghiệm vắc-xin luôn sáng đèn, những khối óc và bàn tay cần mẫn như chạy đua với thời gian, TS. Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC rạng ngời niềm phấn khởi. Chia vui bên ly trà nóng với phóng viên, TS. Thái trải lòng: Khi bắt tay vào nghiên cứu ai cũng chỉ có một suy nghĩ duy nhất là vì sức khỏe con người, vì một sản phẩm mang nhãn mác Việt Nam. Trí tuệ cùng sự tiến triển trong nền y học của chúng ta sớm khẳng định với bạn bè trong khu vực. Quá trình nghiên cứu đã phải trải qua rất nhiều gian khó, thử nghiệm cả trong nước lẫn nước ngoài. Thành công này, Tổ chức Y tế Thế giới, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá xuất sắc. Đây là dự án quốc gia có ý nghĩa xã hội to lớn. Với năng lực hiện tại, IVAC có thể sản xuất được 3 triệu liều/năm. Trong tương lai có thể sản xuất nhiều hơn.

Theo TS. Thái, nghiên cứu vắc-xin từ trứng gà bạch là chọn lựa sáng tạo, cẩn trọng, phù hợp điều kiện kỹ thuật, kinh tế của Việt Nam lẫn IVAC. Chọn lựa này được các nhà khoa học suy xét rất kỹ. Công nghệ này được thế giới thừa nhận và có thể sản xuất trên quy mô lớn, đáp ứng được nhu cầu. Mỗi năm, một con gà Novo White đẻ khoảng 300 trứng có màu trắng mút, soi và kiểm soát được mọi bất thường ngay từ đầu. Sau đó ấp 11 ngày tạo phôi gà rồi tiêm chủng virut sản xuất vắc-xin vào dịch liệu đệm của phôi. Tiếp đó phải ủ quả trứng thêm 3 ngày, khi ấy con virut nhân lên, phát triển, tăng sinh rồi mới hút dịch liệu đệm có đậm độ virut cao đưa vào quy trình lọc, tách, tinh chế tạo thành kháng nguyên cúm để sản xuất vắc-xin. Mọi công đoạn của sản xuất đều phải tuân thủ chính xác, khoa học, bất cứ sai xót nào cũng sẽ ảnh hưởng đến vắc-xin.

Trong tâm trạng xốn xang đón “nàng xuân” vào nhà, dòng chảy xúc cảm của từng người trong ngôi nhà chung IVAC còn là khát vọng những sản phẩm vắc-xin mới không chỉ cứu chữa, phòng ngừa, chăm sóc cho nhân dân trong nước mà còn sớm vươn ra thế giới khẳng định thương hiệu của sản phẩm y học Việt Nam. Đây cũng là mong muốn lẫn tự hào của tất thảy người dân.

Bài và ảnh: Đông Hưng

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/o-trai-chan-nuoi-de-cuu-nguoi-n153183.html)
Từ khóa: vắc xin

Chủ đề liên quan:

cứu người vắc xin

Tin cùng nội dung

  • GS.TS Lê Thị Luân – người đã mất 15 năm miệt mài nghiên cứu, sản xuất thành công vắc xin ngừa tiêu chảy do rotavirus vừa đột ngột qua đời khi mới 53 tuổi.
  • Sốc nhiệt do nắng nóng là hiện tượng thường gặp nếu như cơ thể lao động, tập luyện dưới thời tiết có nhiệt độ trên 39 độ C mà không cung cấp đủ nước để bù lại mồ hôi đã toát ra.
  • Bệnh Bại liệt là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút polio gây ra. Bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa và rất dễ lây.
  • Việt Nam vừa được WHO đánh giá đạt tiêu chuẩn hệ thống quản lý quốc gia về vắc xin, có nghĩa chúng ta đã sánh ngang các nước phát triển trên thế giới và được quốc tế công nhận
  • Đã có 12 ca ghép thận, 2 ca ghép tim và 3 ca ghép gan được tiến hành ghép tại BV Việt Đức với chi phí rẻ chỉ bằng 1/3 so với nước ngoài.
  • Từ đầu tháng 5 đến nay, rải rác ở các địa phương như Quảng Ngãi, Điện Biên, Kon Tum, Nghệ An, Đồng Nai... đã xảy ra nhiều vụ sét đánh làm Tu vong 11 người và trên 30 người bị thương.
  • Con trai tôi 12 tuổi bị hóc xương gà, gia đình rất lúng túng không biết cấp cứu ra sao, phải chở đi bệnh viện điều trị, may mà cháu đã qua khỏi. Xin bác sĩ hướng dẫn cách sơ cứu?
  • Kính chào Mangyte, Em có thắc mắc về việc tiêm ngừa ung thư cổ tử cung. Em biết là ở BV Từ Dũ và Pasteur đều có. Thời gian và giá từng mũi chích hiện tại có dao động nhiều không? Mong Mangyte giải thích dùm em. Em rất cám ơn! (Ngọc - tran...@gmail.com)
  • Kính gửi Mangyte, Em 40 tuổi, là nam giới. Xin bác sĩ cho em hỏi, em muốn tiêm ngừa vacxin HPV có được không ạ? Nếu tiêm được, cho em biết thủ tục như thế nào? Em có thể đến trung tâm y tế nào để tiêm ngừa? Chi phí tiêm ngừa như thế nào? Xin chúc sức khỏe và cám ơn bác sĩ! (L.H.Q. - huy…@yahoo.com.vn)
  • Vắc xin sởi giúp ngăn ngừa bệnh sởi trước bệnh. Có tác dụng trị bệnh cho trẻ bị sởi nhưng không hết hoàn toàn trong 1 liều.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY