Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Oằn mình làm việc giữa thời tiết nắng nóng, nhân viên y tế dễ bị sốc nhiệt

Nhân viên y tế mặc bộ đồ chống dịch làm việc trong điều kiện nhiệt độ cao của môi trường nắng nóng, ẩm thấp, nhiệt độ bề mặt da sẽ tăng cao hơn so với bình thường, dẫn đến tăng thân nhiệt và tình trạng sốc nhiệt.

Đợt dịch Covid-19 thứ 4 xảy ra ở nước ta vào đúng thời điểm mùa hè nắng nóng, do đó ngoài nguy cơ phơi nhiễm khi phải tiếp xúc trực tiếp với các bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2, đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế còn phải chịu đựng sự nóng bức khó chịu trong những bộ quần áo và khẩu trang phòng chống dịch ở điều kiện nắng nóng của thời tiết nhiệt đới.

Mới đây, PGS.TS Nguyên Huy Nga đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này.

Nhân viên y bị say nóng, say nắng

Trong đợt dịch Covid-19 thứ 4, chúng ta ghi nhận nhiều trường hợp y, bác sĩ, nhân viên y tế bị kiệt sức và ngất xỉu phải cấp cứu khi đang làm nhiệm vụ, xin ông cho biết nguyên nhân khiến họ gặp phải tình trạng trên là gì?

Nguyên nhân được xác định do ngoài gánh nặng tâm lý khi làm việc liên tục căng thẳng nhiều giờ trong điều kiện nắng nóng, nhân viên y tế còn chịu sự nóng bức bên trong bộ đồ phòng chống dịch mà họ phải mặc trong suốt ca làm việc. Mới đây, vào ngày 12/5/2021, 3 nữ điều dưỡng đã bị kiệt sức ngất xỉu phải cấp cứu khi đang lấy mẫu cho nhân dân trong vùng dịch tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Trong trường hợp này họ đã bị say nóng và say nắng hay còn gọi là stress nhiệt và sốc nhiệt.

Trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng đã có nhiều trường hợp nhân viên y tế bị kiệt sức, ngất xỉu và thậm chí có nguy cơ tử vong khi đang làm nhiệm vụ phòng chống dịch.

Oằn mình làm việc giữa thời tiết nắng nóng, nhân viên y tế dễ bị sốc nhiệt - Ảnh 1.

Tình trạng say nóng, sốc nhiệt nguy hiểm như thế nào?

Khi bị sốc nhiệt cơ thể sẽ đối diện với rất nhiều nguy hiểm. Cơ chế rối loạn nội môi và tổn thương các cơ quan khi bị sốc nhiệt được hiểu như sau:

- Thân nhiệt tăng cao, cơ chế thải nhiệt được huy động tối đa làm nhịp tim tăng, tăng tần số thở, da đỏ do giãn mạch và vã mồ hôi, huyết áp tụt, rối loạn hoạt động thần kinh trung ương biểu hiện lú lẫn, vật vã, co giật, hôn mê nhanh chóng…

- Thân nhiệt tăng quá cao gây mất nước, mất điện giải nặng, cô đặc máu làm độ thẩm thấu máu tăng cao, nồng độ natri máu tăng, kali máu tăng, mất nước cả ngoại bào và nội bào trong đó mất nước nội bào nặng bao gồm cả tế bào não gây rối loạn hoạt động thần kinh trung ương cộng với tổn thương do nhiệt độ cao làm bệnh nhân hôn mê nhanh chóng, rối loạn chức năng đa cơ quan, rối loạn cân bằng kiềm-toan…

- Khi nhiệt độ đạt tới trên 42,5 độ C thì các enzym bị bất hoạt, chuyển hóa bị rối loạn gây suy chức năng các cơ quan, khi tới 43 độ C thì protein bị đông vón các cơ quan bị hoại tử gây ra suy đa tạng khó hồi phục.

Tác động của việc mặc trang phục chống dịch

Vì sao việc mặc trang phục chống dịch trong điều kiện nắng nóng là nguyên nhân khiến nhân viên y tế dễ bị sốc nhiệt?

Bộ trang phục phòng chống dịch dùng một lần cho nhân viên y tế được may bằng loại vải không dệt làm từ sợi tổng hợp Polypropylene. Vải không dệt (Non – woven fabric) được đặt tên dựa theo quy trình sản xuất đặc biệt của chúng. Loại vải này không được tạo ra bằng phương pháp dệt thoi hay dệt kim thông thường mà được tổng hợp từ các hạt Polypropylene (nhựa tổng hợp). Các hạt này được nung nóng chảy dưới nhiệt độ cao và kéo thành sợi. Những sợi tổng hợp sau đó được đem đi đục màng, sử dụng dung môi hóa chất hoặc các máy cơ khí nhiệt học để liên kết lại với nhau tạo thành những tấm vải nhẹ và xốp.

Oằn mình làm việc giữa thời tiết nắng nóng, nhân viên y tế dễ bị sốc nhiệt - Ảnh 2.

Do hệ số dẫn nhiệt của vật liệu nilon là rất nhỏ, nên khả năng trao đổi nhiệt của bộ quần áo này là rất thấp, không khí bên trong bộ quần áo chống dịch hầu như không di chuyển và liên thông với bên ngoài, đồng thời nó ngăn cản quá trình bốc hơi mồ hôi làm ảnh hưởng đến sự giảm nhiệt bề mặt da, cộng thêm stress khi tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân càng làm tăng quá trình sinh nhiệt, kết quả là người mặc bộ đồ chống dịch làm việc trong điều kiện nhiệt độ cao của môi trường nắng nóng, ẩm thấp, nhiệt độ bề mặt da sẽ tăng cao hơn so với bình thường, dẫn đến tăng thân nhiệt và cảm giác nóng bức khó chịu. Thời gian mặc càng lâu cảm giác này càng nặng nề hơn, có thể dẫn đến hiện tượng ngất xỉu do say nóng, sốc nhiệt.

Một nghiên cứu ở Anh năm 2020 về tác động của việc mặc trang phục chống dịch cho thấy việc tiếp xúc với trang thiết bị phòng hộ cá nhân (PPE) trong nhiều ngày có liên quan đến một số tình trạng sức khỏe như say nóng, bệnh thận cấp tính, mất nước, mất ngủ, kém ăn, nôn nao và cảm giác sợ đi làm vì phải mặc PPE. Ngoài ra các nhân viên y tế trong nghiên cứu này cũng phản ánh rằng việc mặc PPE giảm sự khéo léo, suy giảm nhận thức, khả năng nhìn sẽ gây nguy hiểm, mất an toàn trong các thao tác như tiêm Thu*c vì có nguy cơ bị nhiễm trùng hoặc vi chấn thương.

Oằn mình làm việc giữa thời tiết nắng nóng, nhân viên y tế dễ bị sốc nhiệt - Ảnh 3.

Giải pháp bảo vệ sức khỏe cho nhân viên y tế?

Xin ông cho biết, giải pháp bảo vệ sức khỏe cho nhân viên y tế vào thời điểm nắng nóng là gì?

Để phòng tránh các tác hại của việc mặc trang phục chống dịch cần có một cách tiếp cận tổng thể. Các chất liệu để may các bộ đồ trang phục phòng chống dịch cần được nghiên cứu thiết kế cho phù hợp với điều kiện làm việc có nắng, nóng, căng thẳng thần kinh, phù hợp với kích thước cơ thể.

Việc bố trí nhân viên làm việc cũng cần khoa học, hợp lý như trong điều kiện nắng nóng cần bố trí nhiều nhân lực hơn để thay đổi nhau trong ca làm việc nhất là khi chống dịch ngoài trời (đến ổ dịch để lấy mẫu, xử lý ổ dịch, điều tra truy vết ca lây nhiễm trong cộng đồng). Không để một người làm việc suốt trong thời gian dài mà phải có sự luân phiên thay đổi. Hạn chế thời gian mặc và làm việc liên tục, sắp xếp thời gian nghỉ giải lao hợp lý, khi giải lao nên vào khu vực thoáng mát, thông gió tốt.

Cần cung cấp nước uống đầy đủ, có bổ sung thêm chất khoáng, vitamin, người lao động phải uống nhiều nước chia thành nhiều lần, tốt nhất là có nước hoa quả tươi như nước chanh, nước cam hoặc nước đỗ đen rang, nước vối... Chế độ ăn của người lao động cần giảm chất béo, đảm bảo đủ chất đạm, phải bổ sung nhiều rau củ quả, chất xơ.

Tất cả các nhân viên y tế đều phải được huấn luyện an toàn vệ sinh lao động trong điều kiện nắng nóng có mặc trang bị bảo hộ phòng dịch, huấn luyện cấp cứu khi bị say nóng, say nắng. Khi có người bị say nắng cần đưa họ vào chỗ mát, cởi bỏ quần áo bảo hộ, cho uống nước mát, chườm đá. Trường hợp nặng phải chuyển nhanh người bị say nóng, say nắng vào cấp cứu trong bệnh viện.

Xin cảm ơn ông!

Oằn mình làm việc giữa thời tiết nắng nóng, nhân viên y tế dễ bị sốc nhiệt - Ảnh 4.

- Say nóng là tình trạng tăng thân nhiệt (hyperthermie) do nhiệt độ môi trường tăng cao và/hoặc tăng hoạt động thể lực quá mức vượt quá khả năng điều hòa của trung khu điều hòa thân nhiệt làm trung khu điều hòa thân nhiệt bị rối loạn mất kiểm soát. Say nóng là thường kèm theo hiện tượng mất nước toàn thể.

- Say nắng là tình trạng tăng thân nhiệt (hyperthermie) nghiêm trọng (>410C) hay còn gọi là sốc nhiệt do tác động của ánh nắng mặt trời gay gắt nhiều tia cực tím chiếu thẳng vào đầu, vào gáy, kèm theo có hoặc không có hoạt động thể lực quá mức gây ra rối loạn hoạt động của các cơ quan như thần kinh, tuần hoàn, hô hấp và các cơ quan nội tạng khác. Sốc nhiệt luôn đi kèm với say nóng.

Oằn mình làm việc giữa thời tiết nắng nóng, nhân viên y tế dễ bị sốc nhiệt - Ảnh 6.

Khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Bộ Y tế

Oằn mình làm việc giữa thời tiết nắng nóng, nhân viên y tế dễ bị sốc nhiệt - Ảnh 7.

Mạng Y Tế
Nguồn: Afamily (https://afamily.vn/oan-minh-lam-viec-giua-thoi-tiet-nang-nong-nhan-vien-y-te-de-bi-soc-nhiet-20210527163115789.chn)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY