Kinh tế xã hội hôm nay

Ông giáo già U90 và niềm đam mê viết báo

MangYTe - Lĩnh nhuận bút từ bài báo khoa học Tại sao có động đất?, tôi chạy ngay ra hiệu sách Ngoại văn, mua ngay cuốn từ điển còn thơm mùi giấy mới, để thay cho cuốn từ điển cùng nhà xuất bản từ năm 1923…

Vì sao một nhà giáo nghỉ hưu lại đam mê với nghề viết báo?

Khi đi học, chàng trai Lương Vĩnh Khang là tôi tự thấy mình không có năng khiếu và không thích môn Văn. Đặc biệt, khi lên cấp 2 Trường Đào Duy Từ (Thanh Hoá), năng khiếu về Toán và Ngoại ngữ càng bộc lộ.

Năng khiếu và chăm chỉ, năm 1953, chàng trai tên Khang năm ấy 20 tuổi đỗ thủ khoa ban Toán Lý, Trường Sư phạm Cao cấp liên khu 4 - tiền thân của Đại học Sư phạm Hà Nội.

Tôi bắt đầu con đường làm nghề giáo, từ những năm tháng dạy Toán ở Trường phổ thông Lương Ngọc Quyến – Thái Nguyên thuộc Liên khu Việt Bắc. Lần lượt, tôi được giao làm các vị trí cán bộ quản lý chuyên môn giáo dục và đoàn thể chính trị - xã hội.

Năm 1962, tôi được chọn cử sang làm chuyên gia giáo dục giúp xây dựng, quản lý Trường Sư phạm Neo Lào Hắc xạt TƯ của Pa thét Lào. Đây là nơi các trí thức hàng đầu của nước bạn như Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào khóa XI Thoong-lun Xỉ-xu-lít; Thủ tướng Lào Phăn Khăm Vị-pha-văn… đã từng là sinh viên học tập, công tác.

Tác giả (bên phải) chụp cùng TS Phăn Khăm - Bí thư, Chủ tịch tỉnh Sầm Nưa (nay là Thủ tướng Lào). Ảnh chụp tại đường vào Trường Sư phạm Neo lào hắc xạt TƯ (cũ) tại Na Khao Sầm Nưa.

5 năm kiên trì giúp đất nước bạn, tôi cũng "kịp lĩnh" hàng loạt bệnh hiểm: sốt rét, viêm gan, lách to, thấp khớp…, phải về nước điều trị.

34 tuổi, thầy giáo Khang gầy gò, ra viện về nhờ… "vợ chăm nuôi". Rồi tôi trở lại làm nghề giáo, lại đảm đương nhiều công việc có tính chất mở đầu: giảng dạy nghiên cứu tại Khoa Tâm lý học - Đại học Sư phạm Việt Bắc sơ tán trên rừng, mở trường Sư phạm cấp 2, 10+3 rồi Cao đẳng sư phạm Bắc Thái. 18 năm ròng rã, tôi cùng nhiều chuyên gia đào tạo hàng vạn giáo viên cấp 2, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục miền núi cho Việt Bắc và 2 tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn.

Tác giả (bên trái) và đại sứ Lào chụp nhân dự lễ kỷ niệm 70 năm thành lập trường THPT Lương Ngọc Quyến - Thái Nguyên

Năm 1988, sau khi đi tham quan nghiên cứu ở Liên Xô cũ, tôi đỗ kỳ thi tuyển chuyên gia châu Phi dạy trực tiếp bộ môn Tâm lý học tại Thủ đô Luanda và thủ phủ Mbanza Congo. Đến năm 1991, tôi lựa chọn con đường về Việt Nam, về lại ngôi trường cũ rồi về hưu ở tuổi 60.

Tôi vẫn tự cho rằng mình "không có khiếu văn chương", đam mê số 1 là toán học, ông giáo già lương vĩnh khang là tôi tới khi về hưu vẫn giữ niềm đam mê thứ 2 là ngoại ngữ.

Tôi thông thạo 7 ngoại ngữ: Pháp, Anh, Nga, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Lào, Thái Lan. Yêu thích nên tôi có những cách tự học rất độc đáo, hiệu quả và luôn tìm cách sử dụng chúng nên ít quên và làm được nhiều việc có ích.

Một trong số những việc có ích đó có việc viết báo sau khi đã nghỉ hưu.

Đã 28 năm kể từ ngày nhận quyết định nghỉ hưu, viết báo là điều tôi gắn bó nhất. được kinh qua nhiều cương vị công tác, được sinh sống tại nhiều nơi, trong nhiều môi trường nên tôi được trải nghiệm nhiều điều trong cuộc sống, có nhiều kỉ niệm sâu sắc, có thể làm đề tài cho những bài hồi ức hồi ký, truyện ngắn vui, có ý nghĩa.

Lợi thế thông thạo nhiều ngoại ngữ nên tôi cũng ham tìm đọc, nghiên cứu các thông tin báo chí, tư liệu mới nhất của thế giới rồi dịch ra tiếng Việt, biên soạn lại để phổ biến cho mọi người qua các bài báo. Điều này vừa có lợi cho đời mà lại khỏi lãng phí vốn quý là ngoại ngữ mà mình tự trang bị.

Ông giáo già như tôi về hưu rồi lại ham viết báo là vì thế!

Vui như Tết khi mua được cuốn từ điển yêu thích bằng nhuận bút viết báo

Bản thân tôi "khởi nghiệp viết báo" từ những ngày đang công tác. Đầu tiên là các bài tổng kết, thành tích nơi tôi làm việc gửi tới Báo Bắc Thái, rồi các bài giới thiệu sáng kiến kinh nghiệm dạy học trên các chuyên san của ngành.

Khi đã nghỉ hưu, tôi tham gia nhiệt tình, viết các bài hồi ký do chi hội Chuyên gia Tuyên văn giáo huấn giúp Lào cũ vận động. Nhiều bài báo được đăng trang trọng trên trang nhất, nhưng… không có nhuận bút.

Khi chuyển ra sinh sống ở Hà Nội, tôi vẫn không nguôi niềm đam mê viết báo. Đều đặn, tôi cộng tác gửi bài cho các báo, tạp chí như Báo Giáo dục - Thời đại, Báo Người cao tuổi, Báo Sức khỏe & Đời sống, Tạp chí Bệnh viện của Bộ Y tế, Tạp chí lịch sử "Xưa và Nay", Báo An ninh thế giới, chuyên đề Văn nghệ Công an.

Tận dụng tối đa lợi thế ngoại ngữ, tôi liên tục dịch, biên soạn các bài báo tiếng Pháp, Anh… đã đăng tải trên báo chí nước ngoài. Đó là các bài nghiên cứu về các căn bệnh của thời đại như bệnh béo phì ở trẻ em, bệnh đau khớp, bệnh loãng xương ở người già, chứng đau cơ bắp người lớn, giới thiệu các thức ăn đồ uống có lợi, phù hợp với trẻ em, người cao tuổi…

Tôi nhớ nhất là khi cộng tác với Báo An ninh thế giới trong những ngày đầu thành lập. Bài báo "Tại sao có động đất" - bài nghiên cứu về khoa học – được soạn từ tài liệu của báo chí Pháp ngay sau khi có động đất tại Sơn La, đăng tải năm 2000.

Chưa bao giờ tôi được lĩnh nhuận bút cao đến thế. Ngay lập tức, tôi mua ngay cuốn Từ điển mới ra đời – cuốn từ điển tôi vẫn thường ngắm nghía tại Hiệu sách Ngoại văn, tập Petit Larousse illustré 21e sciècle (Thế kỷ 21). Từ đó, tôi không còn phải dùng cuốn từ điển của nhà xuất bản đó in đen trắng từ 1923.

Tôi cũng nhớ những bài viết đăng trên chuyên đề Văn nghệ Công an. Đó là các bài về hồi ức 5 năm ở Lào, 3 năm châu Phi với nhiều kỉ niệm. Những câu chuyện về tình cảm gia đình, vợ chồng, thầy trò, tình thông gia… cũng được tôi lựa chọn thành đề tài viết báo, sáng tác truyện ngắn đăng tải trên chuyên đề Văn nghệ Công an khiến độc giả xúc động.

Ông giáo già Lương Vĩnh Khang cũng dành đam mê dịch thuật các bài báo về khoa học kỹ thuật, y dược… Nhưng điều quan trọng là tôi luôn cập nhật thông tin, đảm bảo tính chính xác, vì thế, hầu hết các bài báo tôi gửi đi đều… "duyệt đăng ngay".

Viết báo – niềm đam mê trong sáng….

Cụ ông năm nay đã 88 tuổi là tôi thầm cảm ơn những toà soạn giúp tôi có may mắn thực hiện "niềm đam mê trong sáng". Viết báo, với tôi không vì hư danh hay vụ lợi. Điều tôi tự hào nhất, đó là những tình cảm thân thuộc có được từ các tòa soạn, các nhà báo mà tôi có dịp may mắn được cộng tác! Tôi cũng ấm lòng khi biết những bài báo mình viết ra rất hữu ích, được độc giả đón nhận, gửi thư cảm ơn.

Có lần, qua một số bài báo về y dược, một doanh nhân cao tuổi ở tận TP HCM đã qua tòa soạn báo, đến nhà riêng tôi tìm hiểu, tâm sự để được tư vấn thêm về bệnh tật, Thu*c men. Chúng tôi đã tìm thấy ở nhau những điểm chung, rồi trở thành "tri kỷ".

Viết báo là để chia sẻ tri thức, nhuận bút từ công việc này không nhiều. Nhưng "tích tiểu thành đại", cùng với các khoản khác, vợ chồng tôi thống nhất dùng số tiền nhuận bút có được sẽ thành lập một quỹ "Khuyến học gia đình" nhỏ, tặng quà, phần thưởng cho con cháu.

Lương Vĩnh Khang

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/xa-hoi/ong-giao-gia-u90-va-niem-dam-me-viet-bao-20210621125521538.htm)

Chủ đề liên quan:

ngày nhà báo ông giáo già viết báo

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY