Bình đẳng, giải thích theo ngôn ngữ, thì "đẳng" là chỗ đứng và "bình" là ngang nhau. Nói gộp lại bình đẳng là ngang nhau về vị trí, vai trò, quyền lực, nghĩa vụ và thụ hưởng các quyền lợi khác trong xã hội. Bình đẳng nam nữ là nền tảng văn hóa thể hiện nét đẹp của con người trong gia đình và xã hội. Nam nữ bình đẳng giúp cho gia đình an vui hạnh phúc và góp phần làm cho xã hội giàu mạnh, văn minh.
Vai trò của phụ nữ được phát huy bình đẳng trong gia đình và xã hội, mang một ý nghĩa lớn đối với truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam. Nhờ bình đẳng nên trong gia đình, vợ chồng thương yêu, tôn trọng lẫn nhau thì con cái mới được chăm sóc đầy đủ và cảm nhận được sự ấm êm, hạnh phúc, luôn luôn là điểm tựa cho con người vượt qua mọi chướng ngại, khó khăn trong cuộc sống. Dù tư tưởng gia trưởng, trọng nam khinh nữ đã dần mất đi, nhưng một nghịch lý vẫn đang tồn tại là việc nội trợ, nuôi dưỡng con cái, chăm sóc các thành viên trong gia đình vẫn được coi là công việc của phụ nữ.
Tuy nhiên trên thực tế, thời gian làm việc của phụ nữ trong gia đình thường nhiều hơn nam giới, dù pháp luật quy định trong gia đình, vợ chồng đều bình đẳng với nhau về mọi mặt, cùng nhau bàn bạc, quyết định mọi vấn đề chung, cùng chia sẻ mọi công việc cũng như chăm lo con cái, cha mẹ, nhưng trên thực tế nam giới vẫn được coi là trụ cột gia đình, có quyền quyết định các vấn đề lớn và là người đại diện ngoài cộng đồng. Còn các công việc nội trợ, chăm sóc các thành viên trong nhà thường được coi là “thiên chức” của phụ nữ.
Để chấm dứt tình trạng bất bình đẳng giới trong gia đình, điều quan trọng là chúng ta phải biết nâng cao chất lượng giáo dục, tuyên truyền rộng rãi không chỉ với phụ nữ mà còn với nam giới. Công tác giáo dục về bình đẳng nam nữ đối với các đối tượng thanh thiếu niên được thực hiện ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, giúp các em có sự hiểu biết, ý thức và trách nhiệm, trong việc xây dựng cuộc sống gia đình sau này.
Bên cạnh đó, việc thực hiện bình đẳng nam nữ trong gia đình cũng nên được xây dựng thành một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu, để mọi người cùng được học hỏi lẫn nhau và được công nhận là gia đình văn hóa. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng nam nữ nhằm loại bỏ tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, từng bước thực hiện bình đẳng giữa nam và nữ trong lao động, sản xuất và các hoạt động khác trong xã hội.
Bình đẳng là biểu hiện văn hóa trong đời sống con người, có bình đẳng trong gia đình mới thực sự có bình đẳng trong xã hội. Hạnh phúc bao giờ cũng là tài sản quý giá nhất trong gia đình, mà mỗi thành viên luôn ước mơ và mong muốn để sống đời an vui hạnh phúc. Bình đẳng trong Phật giáo vừa gắn liền với lịch sử thế giới là xóa bỏ giai cấp, phủ nhận mọi kỳ thị, phân chia, phân biệt giữa con người với con người và giữa con người với con vật.
Theo Phật giáo, mọi con người phải có giá trị ngang nhau khi người ta hoàn thiện đạo đức. Chỉ có đạo đức mới phân định chính xác giá trị nhân phẩm con người. Giai cấp, địa vị, sự sang trọng, quyền uy, thế lực… tất cả những thứ này đức Phật đều phủ nhận để đề cao bình đẳng. Bình đẳng trong Phật giáo là nam nữ bình đẳng theo tinh thần trách nhiệm của một con người. Trong kinh Pháp Hoa Long Nữ 8 tuổi cũng thành Phật. Và cụ thể nhất là mọi người nữ đều được gia nhập tăng đoàn trở thành các tỳ kheo ni với những quyền lợi ngang nhau như các tỳ kheo tăng trong lịch sử Phật giáo xưa và nay.
Tính bình đẳng của Phật giáo ra đời nhằm chuyển hóa mọi định kiến, kỳ thị lâu đời của những quan niệm cổ hủ từ xa xưa. Giá trị bình đẳng cao nhất trong Phật giáo là Phật tính, là tính biết sáng suốt của mọi người, ai cũng có khả năng quay lại chính mình để trở thành con người có trí tuệ và từ bi viên mãn. Phật tính không phải chỉ có trong loài người mà có cả trong các loài có tình thức và tất cả chúng sinh đều tiềm tàng một năng lực sáng suốt là tính biết của mình, đi ngược lại các tập tục truyền thống từ xa xưa. Mọi người đều bình đẳng với nhau trong mọi phương diện, không có kẻ ban phước giáng họa hay quan niệm chồng chúa - vợ tôi.
Nhờ sự ra đời của Phật giáo đã giúp cho mọi người biết tôn trọng bình đẳng với nhau về mọi phương diện. Chỉ với những quan điểm bình đẳng trên, cũng đủ chứng minh sự siêu việt của Phật giáo trong việc đề cao nhân bản và đem lại cho con người sự bình đẳng tuyệt đối. Do đó, thực hành bình đẳng là một điều vô cùng khó, nhất là đối với những người có quyền lực địa vị cao trong xã hội, những gia đình nặng về gia giáo, phong kiến và nặng nhất là sự chấp ngã của con người.
Trong xã hội bất kỳ một cơ quan đoàn thể nào kể cả những người tu trong chùa như chúng tôi vẫn nói chuyện phải trái. Bởi vì hoàn cảnh cuộc sống suy nghĩ và làm việc không ai giống ai dù là anh em sinh đôi. Sống trên đời, chúng ta khó có thể làm vừa lòng hết tất cả mọi người được. Bởi có thân này nên chúng ta phải làm việc để nuôi sống bản thân và gia đình. Chính vì vậy mà có sự vận động và va chạm, tất nhiên sẽ không tránh khỏi những lời phải quấy tốt xấu trong cuộc sống.
Bị người ta nói xấu, nói không đúng sự thật về mình, mình sẽ xử trí ra sao đây? Trước tiên, mình phải xem xét lời người ta nói có đúng về mình không, nếu đúng thì mình nên cám ơn họ, nếu sai thì ta sẽ dùng lời nói nhẹ nhàng để giải thích cho người hiểu. Sự việc sẽ càng phức tạp khi ta lời qua tiếng lại, để tranh chấp việc đúng sai phải trái. Dù ta đúng hay sai, nếu cố biện minh, cố làm sáng tỏ vấn đề bằng tranh luận hơn thua chỉ càng làm mọi chuyện trở nên rắc rối và trầm trọng hơn.
Ta có thể giải thích và nói lại chuyện này sau, nếu thấy cần thiết khi mọi thứ đã dịu lại. Nếu thấy không đáng để quan tâm nữa thì ta cứ bỏ qua một bên. Nếu ta chỉ mang trong lòng sự ấm ức và bực bội, chỉ vì người khác không hiểu đúng, nói đúng về mình. Ngày xưa, trong lúc rảnh rỗi một ông vua mới hỏi chuyện với vị quan cận thần của mình: “Trẫm thấy khanh nhân cách và phẩm chất luôn thể hiện sự hài hòa đối với mọi người, tại sao lại có nhiều tiếng thị phi chê ghét khanh như thế?”
Vị quan trả lời: “Tâu bệ hạ. Mùa mưa thì người bán dù luôn vui mừng, nhưng người phơi bánh tráng lại buồn khổ. Trời đất kia vốn vô tư không thiên vị, mà cơn nắng mưa thời tiết vẫn bị thế gian trách hận trong ghét thương. Còn hạ thần đâu phải một người vẹn toàn thì làm sao tránh khỏi tiếng chê bai, chỉ trích. Cho nên ngu thần trộm nghĩ, đối với tiếng thị phi trong thế gian chúng ta hãy nên bình tâm suy xét, đừng nên vội tin nghe một điều gì. Vua tin nghe lời thị phi phải quấy không đúng sự thật thì quan thần bị hại. Cha mẹ tin nghe lời thị phi phải trái thì con cái bị ruồng bỏ. Vợ chồng tin nghe lời thị phi phải quấy thì gia đình ly tán. Tiếng thị phi phải trái của thế gian là việc bình thường trong thế gian này, mọi người hãy nên suy nghĩ, nghiệm xét”.
Qua câu chuyện trên, chúng ta hãy nghe ông vua Thiền sư Trần Thái Tông nói về thị phi phải trái như sau:
Xuân cỗi còn nguyên một tiếng chim".
Trong năm giới của người tại gia, giới không nói dối hại người là giới có nội dung cấm người phật tử nói lời thị phi phải quấy. Thị phi, đôi lúc ở một vài trường hợp cũng chính là lời nói đòn xóc hai đầu, đến người này ta nói xấu người kia, đến ngươi kia ta nói xấu người nọ. Tác hại của nó là làm cho hai bên hiểu lầm nhau mà gây ra ân oán hận thù và làm yếu đi sức mạnh của một cá nhân hay một tập thể nào đó. Và khi đứng trước những hiện tượng thị phi hay chính mình phải quấy với người khác làm cho tình nghĩa của bạn bè người thân bị rạn nứt sứt mẻ do hiểu lầm nhau. Đối với Phật giáo, thị phi được cấm chỉ ở giới không nói dối dóc láo hư vọng và giới ly gián.
Người phật tử chân chính không bao giờ sử dụng ngôn ngữ mang tính cách hại người, không gieo rắc đau khổ đến với bất cứ một ai, mà chỉ nên nói những lời có ích, chân thật mang lại an vui hạnh phúc cho mọi người. Như vậy, trong cuộc sống, không thị phi là hoàn thiện nhân cách sống của người phật tử. Vì thế, không nói lời thị phi phải quấy là một điều khó mà chúng ta ai cũng phải hoàn thiện chính mình bằng thân, miệng, ý.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Sinh ta ra là cha mẹ, làm thành cho ta là bạn bè. Con người nên hay hư, phần lớn đều ảnh hưởng bạn bè. Thiện tri thức là bạn lành, bạn tốt, những người bạn thường xuyên giúp đỡ cho ta hay làm các điều lành mà tránh xa điều xấu ác, chỉ cho ta biết cách thăng hoa đạo đức, tâm linh để sống đời hạnh phúc. Khi có những người bạn như vậy, cuộc sống của chúng ta sẽ ổn định, tương lai sẽ tốt đẹp theo thời gian. Người bạn thiện tri thức thì lúc nào họ cũng mong cho ta được bình yên hạnh phúc và giúp ta thành công trên đường đời.
Nếu ta không may gặp phải bạn bè xấu thì gọi là ác tri thức. Loại bạn bè này thường đến với ta, khi ta ước muốn ham thích những thú vui thấp kém; họ hay xúi giục, khích lệ đồng tình với ta vào con đường thấp kém đó. Nếu ta là người giàu có, đủ khả năng vui chơi hoan lạc thì bạn bè càng đông hơn, chính vì vậy cuộc đời ta sẽ lún sâu vào tội lỗi mà không hay.
Thiện tri thức là những người bạn lành, bạn tốt giúp ta nâng cao trình độ hiểu biết, biết cách tiếp cận những lời dạy chân lý của đức Phật. Ngoài ra, thiện tri thức còn được hiểu là những pháp môn, giáo lý, kinh điển của đức Phật giúp ta thăng hoa nhân cách phẩm chất và nếp sống đạo đức. Người thiện tri thức còn có nghĩa là vị thầy dẫn dắt ta trên con đường giác ngộ, giải thoát. Gặp được minh sư chân chính thì mục đích của ta mới dễ thành tựu. Nếu người dẫn dắt ta là tà đạo thì chắc chắn ta sẽ đi theo con đường tối tăm nguy hiểm. Ở đời, thầy lành bạn tốt dễ gì gặp, và khi gặp làm sao phân biệt được.
Làm sao chúng ta có thể biết người đó là thiện hữu tri thức, phương cách duy nhất là thân cận tiếp xúc lâu ngày với người đó, sống với người đó trong những hoàn cảnh khó khăn, nghe người đó nói năng luận bàn, ta mới có thể thấy được đức hạnh, trí tuệ và sự chứng đắc của người ấy. Vì vậy, chúng ta phải sáng suốt chọn thầy lành bạn tốt thì quá trình tu tập của ta mới có thể thành tựu viên mãn trong tương lai.
Quan niệm về cái khó ở điều 17 này bao gồm hai phạm trù: học đạo, kiến tánh là khó. Học đạo là khó vì phải đi ngược lại dòng đời, người đời tham thì ta không tham, người đời dính mắc luyến ái vào gia đình vợ con còn ta thì phải vượt lên trên đời sống gia đình ràng buộc đó.
Dòng Thiền Bắc tông được truyền từ Tổ Ca Diếp là sơ tổ Ấn Độ là Bồ Đề Đạt Ma đến Tổ Huệ Năng cũng là tổ cuối cùng của dòng thiền Ấn Hoa với chủ trương “bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”.
Yếu chỉ của lập trường Thiền tông vốn đi thẳng vào tâm để tu hành, chuyển hóa các vọng niệm đã ăn sâu vào tàng thức của chúng ta. Cho nên trước khi tu pháp này nó đòi hỏi mỗi hành giả phải học rộng hiểu nhiều, để biết rõ lời Phật dạy mà đạt tới đỉnh cao giác ngộ, giải thoát và thành Phật.
Do đó, bất lập văn tự là không dính mắc vào văn tự chữ nghĩa chấp vào từng chữ trong kinh, cho nên có câu: “Y kinh giải nghĩa là oan cho chư Phật ba đời, lìa kinh một chữ tức đồng ma nói”. Mặc dù, trên chủ trương giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, nhưng để kiến tánh, mỗi thiền sinh vẫn dùng phương tiện thiện xảo để thể nhập. Một trong các cửa ngõ phương tiện trước tiên đó là học đạo. Học đạo có nghĩa là xem nghe lời Phật tổ dạy, và dùng trí tuệ Bát Nhã để thể nhập tự tính bằng cách tu tâm.
Thiền sư Sùng Tín, con nhà bán bánh bao gần chùa, vì tín tâm Tam bảo nên mỗi ngày ông đem mười cái vào chùa cúng dường, mỗi lần cúng dường như vậy, Thiền sư Đạo Ngộ cho lại ông một cái để đem về, mà không nói lý do. Ông ta tức quá mới hỏi thiền sư sao lại như thế, nhưng thiền sư chỉ mỉm cười và nói rằng: “Ta cho lại ông có lỗi gì!”
Một hôm ông quyết tâm hỏi cho ra lẽ thật. Thiền sư bảo: “Ông xuất gia đi ta sẽ chỉ tâm yếu cho”. Sùng Tín nghe lời xin xuất gia, trải qua ba năm như thế mà ông thầy chẳng thèm chỉ dạy điều gì! Làm cho Sùng Tín tức tối, bực bội quá trong lòng cảm thấy bất an nghĩ rằng ông thầy lừa dối mình.
Thiền sư để cho tâm nghi vấn của ông lên đến tột độ, một hôm chịu hết nổi ông bèn hỏi sư phụ hứa chỉ tâm yếu cho con mà mấy năm nay không thèm nói một lời.
“Ngươi dâng trà lên ta vì ngươi mà tiếp, ngươi đem cơm đến ta vì ngươi mà nhận, ngươi xá lui ta vì ngươi gật đầu. Ta đã chỉ cho ngươi tâm yếu mỗi ngày tại ngươi chẳng chịu tiếp nhận mà thôi”.
Tâm yếu trong nhà thiền chỉ dạy rất đơn giản, ngay nơi mặc áo, ăn cơm, đi tiểu, đi đại là tâm yếu rồi đó! Chẳng phải tìm cầu đâu xa. Bây giờ chúng tôi hỏi quý vị nè, ai biết mặc áo, ai biết ăn cơm, ai biết đi tiểu, ai biết đi đại. Cái này có ai làm thế cho ta được hay không? Ngoài trừ ta bị liệt và mất tự chủ.
Chiêu thuật của thiền sư là dồn người đệ tử vào một nghi vấn và thắc mắc suốt mấy năm liền, từ khi còn làm cư sĩ cho đến khi xuất gia. Nếu người không có ý chí thì bỏ mặc nhưng vì thiết tha học đạo, cho nên cuối cùng nhận ra đạo lý chân thật không ngoài nơi thân này. Chính vì vậy học đạo, kiến tánh là khó.
Một trong những công tác hàng đầu của tu sĩ Phật giáo là: Đem lời dạy của Phật và sự tu học của mình để truyền đạt cho mọi người cùng tham khảo học hiểu và tu học theo. Nhưng để đạt được mục tiêu giáo dục này, đòi hỏi người truyền bá phải biết vận dụng nhuần nhuyễn hợp lý, hợp tình, biết được căn cơ của mọi người. Thiếu đi yếu tố quyết định này, sự hoằng pháp có thể dẫn đến thất bại.
Tùy theo điều kiện nhân duyên, căn cơ trình độ của mỗi người mà chúng ta có thể giúp đỡ để họ chuyển hóa phiền não tham sân si, thành an vui hạnh phúc. Ðiều này không phải dễ, thường thì chúng ta hay áp đặt lên quan điểm và trình độ của kẻ khác, bằng sự hiểu biết của mình, mà quên đi mục đích chính là giúp người qua biển khổ sông mê, chứ không phải phổ biến quan niệm hay truyền đạt lối tu của mình.
Có đủ trí tuệ và khả năng để tùy duyên hóa độ chúng sinh là rất khó. Bồ tát Quán Thế Âm có 32 tướng ứng hóa thân để độ chúng sinh bằng tứ nhiếp pháp: Bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự làm phương tiện hướng chúng sinh quay về đường thiện bằng trái tim yêu thương và hiểu biết. Tùy duyên mà vẫn giữ được mục đích và bản chất của nó ta thường gọi là tùy duyên mà không bị biến đổi. Có người nội lực còn yếu kém, nên tùy duyên quá đành phải chịu cho duyên trần kéo lôi làm đánh mất bản thân mình, mà dính mắc vào đời sống thế tục.
Ngay cả đến đức Phật, khi thuyết pháp, Ngài cũng vận dụng phương tiện thiện xảo để tùy duyên tùy căn cơ mọi người mà tìm cách độ họ. Các vị thiền sư, đạo sư, cao tăng sau này cũng nhờ tùy duyên hóa độ mà làm rạng rỡ truyền thống tốt đẹp của Phật giáo. Do đó, tùy duyên hóa độ là cần thiết, là khó thực hiện, là nền tảng của sự hoằng pháp, giáo dục. Cho nên tùy duyên hóa độ là khó.
Nội dung của điều khó này cũng tương tự với nội dung ở điều khó thứ 10. Nhưng vô tâm ở đây được đề cập với mức độ cao hơn, sâu hơn, khó thực hiện hơn, có nghĩa là hoàn toàn không dính mắc vào mọi sự vật, dù kiếm bén kề sát cổ ta vẫn không sợ hãi. Vô tâm là hoàn toàn an nhiên tự tại, giải thoát. Không động tâm là bước đầu để đạt đến vô tâm. Khi ta còn động tâm thì không thể nào thành tựu được vô tâm hoàn toàn trước cảnh trần.
Người tu đạo giác ngộ, giải thoát phải từng bước huấn luyện cho tâm mình không dao động trước mỗi hoàn cảnh. Mọi sự tiếp xúc ta phải tập làm chủ trực tiếp từ sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.
Vua Trần Nhân Tông lên ngôi năm hai 20 tuổi, xuất gia năm 41 tuổi, thị tịch năm 51 tuổi. Ngài là vua lãnh đạo đất nước thừa hưởng cung vàng điện ngọc, thụ hưởng dục lạc thoải mái. Hai phen cầm quân đánh đuổi giặc xâm lăng, giữ yên nước nhà qua cơn loạn lạc. Khi đi xuất gia Ngài tu khổ hạnh hiệu là Trúc Lâm Đầu Đà, tích cực truyền bá chính pháp, phá bỏ tập tục mê tín khuyến khích mọi người giữ gìn năm giới, tu mười điều lành, Ngài hoằng hóa độ sinh không biết mệt mỏi, nhàm chán.
Điểm đặc biệt của Ngài là khi làm vua thì hy sinh quên mình giữ nước, chống giặc ngoại xâm hết mực thương yêu lo lắng cho dân chúng an cư lạc nghiệp. Khi xuất gia thì quyết chí tu hành cho sáng đạo. Đến khi hoằng pháp lợi sinh thì hướng dẫn cho mọi người bỏ ác làm lành và cùng nhau sống yêu thương bằng trái tim hiểu biết. Ngài là tấm gương sáng cho nhân loại để nhắc nhở cho chúng ta là không có gì không thể làm được, chỉ có ta có quyết chí vươn lên vượt qua lầm lỗi hay không mà thôi! Chính vì thái độ dứt khoát rõ ràng trong từng giai đoạn, nhờ vậy mà Ngài tự tại làm chủ bản thân sống đời an nhiên, giải thoát. Chúng ta hãy lắng nghe bài kệ của Ngài:
Sống giữa cuộc đời trần tục với muôn vàn cám dỗ nào lợi danh, sắc đẹp, tiền tài, ăn ngon, mặc đẹp, ngủ nhiều nhưng khi sáng đạo thì mọi thứ chỉ là ảo ảnh, không thật có. Duyên cảnh biến thiên tình đời đổi trắng thay đen, nhưng ta vẫn thấy an vui hạnh phúc, như khi đói đến thì ăn, khi mệt đến thì nghỉ ngơi không toan tính nghĩ suy mà tự làm khổ mình.
Người đời không biết cứ dong duổi tìm cầu bên ngoài mà không biết ngay nơi thân này có tính biết sáng suốt, nương nơi mắt thì thấy biết rõ ràng không lầm lẫn tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như thế. Cái khéo của chúng ta là khi đối duyên xúc cảnh tâm ta vẫn an nhiên bất động, vậy thì còn tìm hỏi thiền ở đâu nữa. Thật đơn giản nhẹ nhàng chớ tìm cầu đâu xa.
Ngài chỉ tu trong một thời gian ngắn chỉ khoảng mười năm thôi, nhưng mọi người đều tôn xưng Ngài là ông vua Thiền sư Phật hoàng Trần Nhân Tông. Vua Trần Nhân Tông là người kế thừa con đường của Phật đã vạch sẵn, nên không phải mất công tìm kiếm đâu xa, do đó mà công phu đơn giản nhẹ nhàng, chỉ nhìn thấy từng tâm niệm sinh diệt mà không cần phải đối trị quán chiếu. Cho nên đối cảnh vô tâm là một việc khó làm vì nó là điểm đích sau cùng khi thành tựu đạo pháp.
Như thế, chúng ta cũng biết rằng từ không dính mắc, động tâm sẽ dẫn đến vô tâm. Vô tâm là không còn dính mắc ta người và hoàn cảnh, là thể nhập như như bất động, là tự tại, giải thoát và thường biết rõ ràng.
Quan niệm về cái khó cuối cùng này cũng ít nhiều liên quan đến nội dung điều thứ 18 tùy duyên giáo hóa chúng sinh. Điểm giống nhau giữa hai điều là cả hai cùng đề cập đến tính phương tiện thiện xảo, trong vấn đề giáo hóa độ sinh hướng dẫn cho mọi người là quan trọng cấp thiết hàng đầu. Điểm khác nhau ở hai điều là điều 20 này là điều kiện, là môi giới, là chất xúc tác để thành tựu điều 18. Có phương tiện thiện xảo thì chúng ta mới có thể tùy duyên hóa độ.
Vận dụng nhuần nhuyễn phương tiện khế lý khế cơ thì tùy duyên hóa độ sẽ hoàn bị chu tất. Phương tiện và tùy duyên hóa độ là hai phần được liên kết với nhau rất chặt chẽ, không thể thiếu trong công tác giáo dục, tùy duyên hóa độ là tùy bệnh cho Thu*c ai cần Thu*c nào thì ta cho Thu*c đó. Còn phương tiện thì người hoằng pháp phải biết vận dụng từ thấp đến cao, thay gì giáo lý của đức Phật mục đích là giác ngộ, giải thoát nhưng vì mọi người chưa đủ sức, cho nên Phật phải dẫn dụ từ từ nhằm giúp cho chúng ta từng bước tỉnh thức. Phật dạy có ba hạng người không khéo biết phương tiện thù thắng:
Hạng thứ nhất, đã không thực chứng trong tu hành lại còn hướng dẫn truyền đạt giáo lý một cách tối nghĩa, khó hiểu, làm cho người nghe hiểu sai ý nghĩa nội dung, cho nên họ thực hành sai.
Hạng thứ hai, tuy không thực chứng, nhưng lại hướng dẫn truyền đạt rõ ràng chính xác cho người nghe dễ tiếp thu. Do sự nói làm không tương ưng làm cho người nghe cũng dễ bất mãn mà sinh ra thái độ sống không tốt.
Hạng thứ ba, tuy có quá trình thực tu thực chứng, nhưng truyền đạt hướng dẫn kém, không linh động uyển chuyển, làm cho người nghe khó nắm bắt, cho nên thực hành không có kết quả lợi ích thiết thực.
Khi xưa, Ngài A Nan chỉ dạy hai người đệ tử tu hành, một người giữ nghĩa địa A Nan dạy quán sổ tức, một người làm lò rèn Ngài chỉ dạy quán thân bất tịnh. Hai người tu hoài mà không thấy tiến, Ngài A Nan thỉnh Phật chỉ dạy lại. Ông dạy người như vậy là sai rồi, người giữ nghĩa địa thì chỉ họ quán thân bất tịnh vì quanh năm suốt tháng họ luôn tiếp xúc với xác ch*t. Còn người làm lò rèn tối ngày thổi lửa bì bịch, ông dạy quán hơi thở để họ được định tâm trở lại.
Do đó, công tác hoằng pháp hay giáo dục vô cùng hệ trọng trong hiện tại và mai sau. Nó có thể dẫn đến ảnh hưởng tốt hoặc xấu cho rất nhiều thế hệ. Truyền đạt một quan điểm lệch lạc, mê tín, cuồng tín, tà kiến, làm ảnh hưởng xấu đến nếp sống văn hóa giáo dục, đạo đức tâm linh, sẽ đem lại bất hạnh cho nhiều người.
Và khi ta truyền đạt đúng với chính pháp, đúng với chân lý cuộc đời thì lợi ích của nó thật lớn lao, nghĩa là đem lại an lạc hạnh phúc cho nhiều người. Chính vì vậy, những người làm công tác tuyên truyền văn hóa, giáo dục, phải ý thức rằng việc làm của ta phải có lợi ích cho nhiều người. Cho nên khéo biết phương tiện là khó.
(HẾT)
Thích Đạt Ma Phổ Giác
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
Chủ đề liên quan:
Phật dạy